Trưởng thôn làm giàu từ gạch xi

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/12/2017 | 8:06:47 AM

YBĐT - Đến thôn Bản Lốm, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn, ai cũng biết đến gia đình ông Đồng Văn Ngọc - một trưởng thôn gương mẫu, luôn hết lòng vì dân. Không những thế, gia đình ông còn làm kinh tế giỏi với nghề kinh doanh vật liệu xây dựng và sản xuất gạch xi.

Xưởng gạch xi của gia đình ông Đồng Văn Ngọc -  Trưởng thôn Bản Lố, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Xưởng gạch xi của gia đình ông Đồng Văn Ngọc - Trưởng thôn Bản Lố, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.

Chúng tôi vào thăm cơ ngơi của ông Đồng Văn Ngọc thấy kho bãi khá rộng rãi, công nhân thì đang tập trung vào công việc của mình. Tuy đã là ông chủ nhưng ông Ngọc vẫn dép lê, quần xắn làm việc cùng với công nhân. 

Ông Ngọc tâm sự: "Trước đây, hai vợ chồng lấy nhau "vốn liếng” chỉ là 5 sào ruộng khoán, rồi làm đủ thứ nghề khác như bán hàng tạp hóa, xay xát gạo nhưng nghèo khó vẫn luôn đeo bám. Nếu chỉ làm ruộng và buôn bán nhỏ lẻ thì không thể thoát nghèo được chứ chưa nói tới chuyện làm giàu. 2 năm trở lại đây, nhiều đêm trăn trở, tôi thấy rằng, lâu nay bà con trong thôn mua vật liệu xây dựng, đặc biệt là gạch xây nhà qua các đại lý nhỏ rất đắt đỏ và khâu vận chuyển thì khó khăn. 

Tại sao mình không mở xưởng làm gạch và chở nguyên liệu đến tận chân công trình? Ở thời điểm đó, gạch xi lại là một vật liệu xây dựng còn khá mới mẻ nhưng nhu cầu của bà con địa phương đối với loại gạch này rất cao, mà trong thôn chưa cơ sở nào sản xuất. Ông tự nhủ, đây là cơ hội "trời cho”, nếu nắm bắt được, ông sẽ thoát nghèo”. 

Từ suy nghĩ đó, ông bàn bạc với gia đình và quyết định vay 70 triệu đồng từ người thân, ngân hàng và 60 triệu đồng là vốn có sẵn để mua máy móc và mở cơ sở sản xuất gạch xi. Ngay từ những ngày đầu, với tiêu chí chất lượng là trên hết và giá cả phù hợp với mức sống của bà con nên gạch tiêu thụ rất nhanh nhưng ngặt nỗi, khách hàng mua chịu khá nhiều nên ông bị kẹt vốn. Đôi chút nản lòng nhưng ông nghĩ, dẫu sao đây cũng là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm. Cuối cùng, sau bao cố gắng, không chỉ bà con trong thôn, mà thị trường tiêu thụ gạch của gia đình ông Ngọc được mở rộng sang tận các thôn lân cận trên địa bàn xã Hạnh Sơn. 

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, năm 2016, ông mở rộng xưởng sản xuất với quy mô 400 m2 và mạnh dạn đầu tư mua thêm một máy ép gạch, một xe tải chuyên chở vật liệu đến công trình. Để viên gạch đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng, ông Ngọc luôn sát sao trong từng công đoạn sản xuất.
 
Với 2 máy ép gạch, cơ sở sản xuất gạch xi của ông Ngọc cho ra gần 3.000 viên/ngày, trung bình mỗi ngày bán được 2.000 viên nhưng tần suất công việc chỉ dao động trong khoảng 4 -5 tháng/năm, giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên (thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng). Trừ chi phí, mỗi năm cơ sở sản xuất của ông Ngọc cho thu nhập trên 400 triệu đồng. Theo ông Ngọc thì kinh doanh nghề này muốn lâu bền phải luôn đảm bảo chất lượng viên gạch.
 
Ông chia sẻ: "Chúng tôi luôn đề cao tính chất lượng của sản phẩm, không ham lợi nhuận mà thêm bớt những nguyên liệu không cần thiết vào sản phẩm. Dự định tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, mở rộng thị trường, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn là người tham gia tích cực hoạt động của tập thể với gần 10 năm làm trưởng thôn Bản Lốm. Ông Ngọc luôn quan tâm đến đời sống người dân, động viên bà con phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Lò Văn Hó - Chủ tịch UBND xã Hạnh Sơn cho biết: "Ông Đồng Văn Ngọc là một trưởng thôn xuất sắc, không chỉ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gương mẫu trong hoạt động mà còn nỗ lực phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, ông Ngọc còn tích cực ủng hộ vật liệu xây dựng làm đường giao thông, xây nhà văn hóa thôn. Ngoài ra, ông luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, động viên bà con phát triển kinh tế, là tấm gương tiêu biểu cho người khác học tập và làm theo”.

Hải Hà

Các tin khác
Xưởng sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng của thương binh, giáo dân Nguyễn Duy Khiêm tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương.

YBĐT - Đến thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, hỏi về ông Nguyễn Duy Khiêm ở khu phố 5, ai cũng tấm tắc khen ngợi bởi ông là một thương binh tiêu biểu, một giáo dân điển hình đi đầu trong phát triển kinh tế cũng như tích cực tham gia các phong trào, hoạt động, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Anh Nguyễn Đức Tiến (bên trái) cùng đồng nghiệp kiểm tra lưới điện.

YBĐT - Đến Văn Chấn vào một ngày đầu tháng 12, tôi có dịp gặp anh Nguyễn Đức Tiến - Phó Đội trưởng Đội Quản lý và Vận hành đường dây và trạm Văn Chấn - Điện lực Nghĩa Lộ. Anh kỹ sư có dáng vẻ rắn rỏi, khuôn mặt hiền lành này đã hơn 10 năm gắn bó với ngành điện. Ở đâu xảy ra sự cố, anh luôn nỗ lực tìm cách khắc phục bởi đó chính là bài học để anh khẳng định mình.

Nghệ nhân Lò Văn Biến cùng với thầy giáo Lê Thanh Tùng dạy chữ cho các em học sinh.

YBĐT - Không phải là người con của đồng bào dân tộc Thái nhưng thầy giáo Lê Thanh Tùng luôn say mê tìm hiểu, sưu tầm các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái Mường Lò – Nghĩa Lộ để truyền bá cũng như gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp riêng có của vùng đất tổ người Thái đen.

Anh Giàng A Măng hướng dẫn phụ nữ trong thôn sử dụng máy dệt thổ cẩm.

YBĐT - Đó là Giàng A Măng, thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên- chủ  xưởng thêu thổ cẩm  người Mông tại gia đình với 6 công nhân là lao động địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục