Theo chân Đại tá Nguyễn Trọng Thuần - Chính ủy Trường Quân sự tỉnh Yên Bái, chúng tôi tới thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn vào một ngày cuối xuân trời mưa lất phất. Vượt lên con dốc cao ngất là ngôi nhà hai tầng xinh xắn nằm giữa vườn cây ăn quả đang đậu hoa sai trĩu. Trước mắt chúng tôi là một ông già có dáng người cao to, nước da hồng hào, khỏe mạnh xách xô cám đang bước đi thoăn thoắt. Đại tá Thuần giới thiệu trân trọng:
- Thiếu tướng Sa Minh Trắc - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 đấy, nhà báo ạ!
- Trời, ông cụ quần xắn móng lợn, đang xách chiếc xô kia ư? - tôi ngạc nhiên!
- Đúng vậy, giờ về nghỉ hưu, thủ trưởng của chúng tôi lại trở thành cựu chiến binh làm kinh tế giỏi nhất, nhì của xã đấy!
Điều ngạc nhiên đầu tiên ấy của tôi đã được cô hàng xóm giải thích ngay khi xuống xe: Ông bà làm kinh tế giỏi lắm! Trước đây, ông bà nuôi lợn lai rừng, gà rừng, nuôi nhím, nuôi dúi, chim bồ câu rồi trồng cây ăn quả, đủ cả, không thiếu thứ gì. Nay sức khỏe yếu hơn, quay sang nuôi lợn, nuôi gà rừng và nuôi cá. Chúng tôi vui vẻ bước vào sân sau cái bắt tay vồn vã và nụ cười đôn hậu của vị tướng già.
Bà Quàng Thị Pho - vợ ông, một phụ nữ người dân tộc Thái thông minh, xinh đẹp từng là lính thông tin của Tỉnh đội Sơn La năm xưa vừa ân cần nhắc chồng đi thay quần áo vừa vui vẻ mời chúng tôi ra chiếc lầu giữa vườn cây ngồi uống nước. Nhìn hai vợ chồng Thiếu tướng đĩnh đạc, khỏe khoắn trong bộ quân phục sĩ quan từ nhà lớn bước ra, ai cũng trầm trồ: "Ông bà đúng là người nhà binh có khác, nhanh nhẹn, hoạt bát vô cùng".
Thiếu tướng Sa Minh Trắc sinh ngày 24 tháng 11 năm Nhâm Ngọ, ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Tuổi thơ của ông gắn liền với những ngọn núi Cườm, dãy Ba Chẽ, Ba Chum cùng những ngày theo mẹ lên nương, theo cha vào rừng đào củ nâu, củ sắn, hái măng sặt nuôi các em ăn học. Mùa xuân năm 1962, theo tiếng gọi của quê hương, chàng thanh niên dân tộc Thái tròn 20 tuổi ấy đã hăng hái lên đường nhập ngũ, đóng quân trên cao nguyên Nà Sản thuộc địa phận xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Tháng 10/1966, ông có tên trong danh sách vào Nam chiến đấu nhưng được cán bộ Sư đoàn giữ lại, điều đi làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào. "Hồi đó, được đi vào Nam chiến đấu là vinh dự lắm, nếu chiến sĩ nào vi phạm khuyết điểm hoặc bị đánh giá thấp không cho đi thì buồn vô cùng" - Tướng Trắc trầm ngâm.
Chỉ đến khi lãnh đạo Trung đoàn phân tích, động viên rằng, tham gia chiến đấu giúp các bạn Lào anh em cũng là nhiệm vụ cao cả và quan trọng không kém gì vào Nam, bởi đó còn là nhiệm vụ quốc tế của người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam yêu nước thì anh lính trẻ tuổi đôi mươi ấy mới hết cảm thấy "tủi thân".
Thế rồi từ Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 chiến đấu kiên cường trên đất bạn Lào, sau trận đánh oanh liệt phía Tây Nam Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng trên đồi gianh PuPaKha năm 1964, anh lính trẻ vừa tròn hai tuổi quân Sa Minh Trắc đã vinh dự được kết nạp và đứng trong hàng ngũ của Đảng. Dưới cờ Đảng quang vinh, lời dạy của Bác Hồ dành cho đảng viên mới được ông khắc ghi từng câu, từng chữ, làm hành trang cho mình suốt cuộc đời: "Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp".
Nhắc lại lời dạy của Bác, vị tướng già trăn trở: "Rất nhiều người trong chiến đấu, trên chiến trường, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc cũng không hề biết sợ. Vậy mà, khi về với đời thường lại bị chết bởi những viên đạn bọc đường".
Quay sang đồng chí Chính ủy Trường Quân sự tỉnh, ông vỗ vai, ân cần: "Vì vậy, các anh là Chính ủy, là những người thầy, người đứng đầu mái trường quân sự đang là những người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp càng phải thấm nhuần những lời dạy đó của Bác về Đảng và đảng viên".
Rồi như một người anh, người cha, người Hiệu trưởng năm xưa lại hỏi thăm về mái trường Quân sự thân yêu; về tình hình hiện tại của Ban Giám hiệu có bao nhiêu người, có mấy khoa, ban; về chức năng, nhiệm vụ, kết quả, chất lượng công tác; số cán bộ, giáo viên đã trưởng thành có anh nào làm to nhất, học viên thiếu sinh quân trưởng thành là những ai...
Rồi ông gật gù, tâm đắc dưới gọng kính trắng nghe Chính ủy nhà trường báo cáo cụ thể từng tên của giáo viên, học viên đã trưởng thành như các đồng chí: Phó Chính ủy Quân khu 2, các đồng chí hiện là chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) các huyện, thị của tỉnh. Khi nhắc đến tên các học viên thiếu sinh quân trưởng thành đang giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, của Trung ương, ông rất vui và tự hào vì trong đó có đồng chí Hầu A Lềnh hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Kể về những khó khăn ngày đầu thành lập Trường (năm 1978) với tên gọi là Trường Quân sự Ấp Bắc, phục vụ cho 17 huyện, thị khu vực miền núi phía Bắc, có cả học viên tỉnh Tuyên Quang và một số huyện của tỉnh Sơn La, Điện Biên cũng sang học, Thiếu tướng Sa Minh Trắc nhớ lại những kỷ niệm đẹp cũng như việc ông đã trưởng thành nhờ luôn học và làm theo Bác kính yêu. Đó là thời kỳ cả nước đang chuẩn bị tiến hành chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Trường Quân sự Ấp Bắc được thành lập để làm nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh Hoàng Liên Sơn. Khi đó, chúng tôi được Bộ Quân khu Tây Bắc điều động về các đơn vị của Hoàng Liên Sơn và tháng 4/1982, tôi được điều về làm Hiệu phó nhà trường, đến năm 1984 làm Hiệu trưởng - vị tướng già nhớ lại. Tất cả mọi thứ ban đầu đều khó khăn, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy cho đến đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa có chuyên môn. Song, tập thể Ban Giám hiệu nhà trường đã đoàn kết, khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó cũng là thời điểm ông vừa làm quản lý vừa tích cực "rèn quân, chỉnh cán" theo lời Bác dạy một cách nghiêm túc nhất.
Ông tâm sự: "Khi đó, cháu cả nhà tôi cũng đang học thiếu sinh quân ở Trường. Một lần, cả lớp tham gia lấy củi ở hồ Thác Bà, nhìn mãi không thấy con đâu, tôi hỏi đồng chí Đại đội trưởng lý do cháu không tham gia và chỉnh đốn cán bộ của mình ngay. Tôi bảo, con tôi cũng như các bạn học khác, không thể coi con lãnh đạo hơn con của nhân dân. Đồng thời, yêu cầu đồng chí gọi ngay cậu con cả vào tham gia đội quân đi lấy củi hôm đó".
Lần khác, ông đi công tác ghé qua nhà, nhìn thấy xe ô tô, cậu con út reo lên: "Xe của bố hôm nay đẹp quá", ông cũng phải dạy con ngay, rằng đây là xe của nhà trường chứ không phải xe của bố. Nhắc lại những kỷ niệm đó, vị tướng già chậm rãi: "Muốn giáo dục tốt một thế hệ, trước hết phải giáo dục chính con em mình. Trong mỗi gia đình, bố mẹ phải gương mẫu trước. Đảng ta cũng vậy. Cái được lớn nhất của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) lần này chính là làm từ trên xuống, kết hợp với Chỉ thị số 05 với tinh thần "vừa răn, vừa giáo" mới rèn được cán bộ, đảng viên".
Năm 1988, ông Sa Minh Trắc được điều động vào huyện Văn Chấn làm Huyện đội trưởng, rồi tham gia Chủ tịch HĐND huyện. Năm 1991, ông ra công tác tại Bộ CHQS tỉnh, năm 1993, được điều về Quân khu 2, đến năm 2007 mới nghỉ chế độ trở về quê hương. 45 năm trong quân ngũ, đến nay, vị tướng già vẫn vô cùng biết ơn Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã giáo dục, rèn luyện cho mình lý tưởng, đạo đức và nhân cách sống.
Với ông, "trong chiến đấu nếu không có lý tưởng chính trị, đạo đức và nhân cách của người chiến sỹ cộng sản thì sẽ không thể chiến thắng kẻ thù. Còn trong hòa bình, nếu nhận thức lệch lạc, sống phai nhạt lý tưởng thì cán bộ, đảng viên, kể cả người đứng đầu sẽ làm hại đất nước gấp mười, gấp trăm lần". Vì thế, sau khi rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, ông vẫn tham gia tổ chức Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, giữ vững lập trường, tư tưởng, bản lĩnh "Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực phát triển kinh tế gia đình để cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo.
Là người con của dân tộc Thái, Thiếu tướng Sa Minh Trắc vô cùng tinh tế và nghiêm khắc trong việc "rèn quân, chỉnh cán và dạy con". Noi gương cha mẹ, cả bốn người con trai (Chính, Nghĩa, Trung, Thành) của ông bà đều là bốn đảng viên, bốn sỹ quan trưởng thành trong quân đội. Đó là: Thượng tá Sa Minh Chính, Chính ủy Trung đoàn 121; Trung tá Sa Minh Nghĩa, Phó Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 316; Thiếu tá Sa Minh Trung, Tiểu đoàn trưởng, Ban CHQS thành phố Yên Bái và Thượng úy Sa Minh Thành, trợ lý Kế hoạch Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh.
Giờ đây, gia đình Thiếu tướng đã có đầy đủ các con dâu và các cháu nội, song mỗi lần sum họp đông đủ, ông vẫn không quên dạy bảo con, cháu phải biết sống có nhân cách, biết hy sinh vì mọi người và tôn trọng mọi người trong gia đình nhỏ của mình trước, sau đến bà con lối xóm, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, cơ quan, đơn vị. Phải chăng, đó chính là cốt lõi hình thành tư tưởng, đạo đức và nhân cách cho từng cá nhân trong mỗi gia đình mà người chủ trong gia đình ấy cần thường xuyên duy trì, vun đắp?
Chia tay vợ chồng vị tướng già, bên tai tôi vẫn văng vẳng lời tâm sự như nhắc nhở, như dạy bảo của ông với thế hệ trẻ: "Bác Hồ đã dạy: "Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình". Vì thế, quan tâm tới gia đình chính là quan tâm tới xã hội và tôn trọng người thân trong gia đình cũng chính là tôn trọng nhân dân. Tôi rất tâm đắc tư tưởng gần dân, trọng dân và thương dân đó của Bác. Bởi đó chính là nền tảng để xây dựng một xã hội nhân văn, dân chủ và công bằng".
Thanh Hương
Cát Thịnh, tháng 4/2018