Trở về cuộc sống đời thường, mang trong mình niềm tự hào và nghị lực của người lính Cụ Hồ - hành trang đó đã giúp ông vượt qua khó khăn, thử thách, tạo dựng được mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cho thu nhập cao. Điều đáng nói, cơ sở sản xuất của ông còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định. Người cựu chiến binh ấy là Nguyễn Hùng Cường, thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.
Năm 1967, 18 tuổi chàng trai trẻ Nguyễn Hùng Cường xung phong lên đường nhập ngũ tham gia vào chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Sau 3 tháng huấn luyện tại Tiểu đoàn Yên Ninh II, ông cùng đồng đội hành quân vào Nam, tham gia chiến đấu tại Đội M2-V102 (Cục 2, Phòng 2, Quân báo của miền Đông Nam Bộ).
9 năm quân trường, ông đã trải qua nhiều mặt trận khốc liệt như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Biên Hòa, Long Khánh, Bình Dương, Phước Long… và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn Miền Nam. Năm 1976, trở về quê hương, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hùng Cường chuyển ngành công tác tại Trường Y tế Hoàng Liên Sơn và năm 1992 ông được về nghỉ chế độ.
Đây là thời điểm khó quên nhất đối với ông, ông kể: "Ngày đó, gia đình chuyển từ phường Nguyễn Phúc đến thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái xây dựng cuộc sống mới. Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, làm lụng vất vả quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Nhiều đêm trăn trở, cũng xoay xở đủ thứ nghề để kiếm thêm thu nhập từ buôn bán rau, chở hàng thuê, chạy xe chở khách, rồi chuyển sang đi thu mua phế liệu nhôm, đồng, sắt, nhựa cũ hỏng... Duyên nợ từ công việc thu mua phế liệu, đã mở ra cho mình ý tưởng sản xuất chế biến sản phẩm dây khâu, dây buộc từ đồ nhựa phế thải, cũ hỏng. Cũng nhờ đó cuộc sống bắt đầu khá lên”.
Năm 1994, sau khi tìm hiểu, nắm bắt thị trường, ông Cường mở điểm thu mua phế liệu tại gia đình sau đó nhân rộng thêm các đại lý thu mua phế liệu tại các xã, phường lân cận rồi vận chuyển sang hai tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên bán kiếm tiền chênh lệch.
Trong những lần đi giao hàng, ông thường quan sát các cơ sở sản xuất sản phẩm đồ nhựa tại tỉnh Vĩnh Phúc, tìm hiểu học hỏi kỹ thuật, cách làm và học được nghề tái chế sản phẩm dây khâu, dây buộc từ những đồ nhựa phế thải. Khi đã nắm vững được kỹ thuật, cách thức và quy trình sản xuất, ông Cường bàn bạc cùng gia đình bỏ vốn tích cóp, vay thêm ngân hàng hơn 500 triệu đồng đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị mở xưởng sản xuất.
Hàng ngày, vợ chồng ông cùng những người thợ miệt mài thu gom phế liệu, phân loại, sơ chế nhựa sản xuất dây khâu, dây buộc. Sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết theo đơn đặt hàng. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của ông sản xuất trên 600 kg dây khâu, dây buộc cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, với giá 15.000 đồng/kg.
Ông Cường chia sẻ: "Nguồn nguyên liệu từ nhựa phế thải tại địa phương luôn có sẵn, đầu tư kinh doanh, buôn bán mặt hàng này vốn đầu tư không nhiều. Tôi mua sắm dây chuyền máy nghiền, máy trộn, máy kéo và cuộn dây khoảng gần 1 tỷ đồng, chủ yếu các công đoạn sản xuất phải chặt chẽ, đúng quy trình. Ngoài việc nắm vững kỹ thuật, người lao động phải có kinh nghiệm để chọn, phân loại các loại nhựa phù hợp cũng như tỷ lệ pha trộn, sử dụng các loại phẩm màu để cho ra sản phẩm chất lượng”.
Những năm gần đây, hoạt động sản xuất ổn định, mỗi năm gia đình ông Cường thu lãi hơn 100 triệu đồng. Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân, cơ sở sản xuất của ông Cường còn giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương, với thu nhập ổn định từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Người công nhân trẻ tên Tuấn, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên cho biết: "Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhờ người thân giới thiệu và ông Cường tạo điều kiện cho làm việc tại xưởng, giờ tôi đã có thu nhập ổn định, cuộc sống đã bớt khó khăn”.
Ông Trần Hồng Hải - Chủ tịch Hội CCB xã Tuy lộc cho biết: "Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Hùng Cường còn là Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Minh Long, có tổng số 45 hội viên. Đây là một trong số các chi hội luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động của Hội, hội viên sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Nhiều năm qua, Chi hội CCB thôn Minh Long đã được nhận giấy khen của chính quyền thành phố và xã Tuy Lộc”.
Chia tay CCB Nguyễn Hùng Cường, cảm nhận những người lính kiên cường, không quản ngại gian khổ cả trên chiến trường lửa đạn cũng như trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội hôm nay thực sự là những tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo.
Vũ Đồng