Như nhiều hộ dân trong thôn, trước đây, kinh tế gia đình chị Cậy rất khó khăn, chỉ trông vào mấy sào lúa, trồng ngô theo mùa vụ. Bình thường không sao, khi đau ốm cần tiền là chị phải chạy đôn, chạy đáo vay mượn. Khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, chị mạnh dạn nhận 7 ha đất đồi rừng để canh tác. Lúc đầu chưa có vốn nên chị canh tác các loại cây ngắn ngày như sắn, chè…
Sau khi tìm hiểu thực tế các mô hình phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ trong xã, chị thấy nếu cứ luẩn quẩn với những loại cây ngắn ngày sẽ không có hiệu quả kinh tế và cơ hội thoát nghèo sẽ rất khó khăn. Nhận thấy quế là cây có giá trị kinh tế hơn hẳn, vậy là đầu năm 1990, chị mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích đất đồi sang trồng cây quế. Không quản ngày đêm sớm tối, chị cùng gia đình đánh hốc, trồng cây.
Không có tiền thuê nhân công, vợ chồng chị cứ làm dần từng bước, tự lấy hạt quế về gieo ươm để trồng. Chỗ nào có giống thì trồng trước, chỗ nào chưa có giống thì tiếp tục trồng ngô, sắn, đậu lấy lương thực phát triển chăn nuôi, cứ thế cho đến khi những đồi quế khép tán thì cuộc sống gia đình chị cũng dần ổn định. Không muốn dừng lại ở đó, nhận thấy nguồn nước khá dồi dào, chị lại cùng gia đình đắp đập, đào ao thả cá rồi nuôi gà thả vườn. Hiện tại, gia đình chị có gần 1 ha nuôi cá trắm cỏ, trôi, chép, rô phi. Mỗi năm, chị xuất bán 5 tạ cá, thu nhập trên 20 triệu đồng và hơn 200 con gà cho thu hơn 10 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, chị Cậy cho biết: "Để có được thành công, điều cốt lõi nhất là tôi đã cần cù chịu khó, tâm huyết, không nôn nóng. Tôi xác định đầu tư đồi rừng ít nhất cũng phải 10 năm mới có hiệu quả kinh tế, hơn nữa phải biết tính toán để có thu nhập trong khi chờ rừng cho hiệu quả chứ nếu không cũng rất khó khăn”.
Năng động, sáng tạo, giờ đây, chị Cậy đã là chủ của mô hình kinh tế tổng hợp với 7 ha quế từ 2 - 30 năm tuổi, 1 ha mặt nước nuôi cá, hơn 200 con gà/lứa, tổng thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ biết làm giàu cho gia đình mình, chị còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất của bản thân cho nhiều chị em phụ nữ trong thôn vươn lên thoát nghèo.
Tính riêng năm 2017, chị đã giúp chị em nghèo trong thôn gần một vạn cây quế giống không lấy tiền và cho vay không lấy lãi 120 triệu đồng để hội viên khó khăn trong chi hội có vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, chị Cậy cho biết sẽ tiếp tục phát triển cây quế, mở rộng quy mô nuôi gà thả vườn kết hợp với nuôi cá. Điều đó vừa nâng cao thu nhập cho gia đình, mặt khác có điều kiện giúp chị em phụ nữ trong chi hội, trong xã vươn lên thoát nghèo. Chị suy nghĩ đơn giản rằng, nếu mình có kinh tế sẽ giúp đỡ được nhiều chị em vươn lên thoát nghèo và làm giàu, cùng nhau xây dựng Hội vững mạnh.
Bà Vũ Thị Huyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Thịnh cho biết: "Chị Nguyễn Thị Cậy là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào phụ nữ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no. Là người đầu tiên trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bản thân chị Cậy không những giỏi việc nhà mà các hoạt động, phong trào của Hội cũng đều tích cực tham gia, có nhiều đóng góp, đề xuất tích cực xây dựng hội. Những đóng góp của chị đã giúp cho Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã có những định hướng sâu sát để chỉ đạo các chi hội thực hiện tốt hơn. Từ tấm gương của chị Cậy, chúng tôi đang phát động phong trào phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xây dựng phong trào Hội ngày càng vững mạnh”.
Thanh Tân