Bà Thêm “cây giống”

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/6/2018 | 7:58:25 AM

YBĐT - Bà Thêm "cây giống", đó là cái tên mà nhiều người vẫn thường gọi khi nhắc đến bà Hoàng Thị Thêm ở tổ 33, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái. 

Bà Hoàng Thị Thêm chăm sóc vườn ươm cây giống.
Bà Hoàng Thị Thêm chăm sóc vườn ươm cây giống.

Đã ở tuổi lục tuần – lứa tuổi được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, song với tình yêu lao động, hàng ngày, bà Thêm vẫn chăm chỉ chăm sóc vườn cây giống, góp phần mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình và tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. 

Bà Thêm nguyên là Đội trưởng Vườn ươm cây thuộc Viện Quy hoạch kinh tế nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh. Sau khi được về nghỉ chế độ, nhận thấy phong trào trồng rừng trên địa bàn tỉnh ngày phát triển, trong khi nguồn cung ứng cây giống vẫn còn ít, người trồng rừng hầu hết đều phải mua giống từ các tỉnh khác về, nên với kiến thức, kinh nghiệm sẵn có, bà Thêm đã mạnh dạn thuê đất làm vườn ươm cây giống.
 
Ban đầu, nhiều người thân, bạn bè  không ủng hộ vì thấy bà tuổi đã cao, lại chọn công việc làm thêm vất vả nên đã ngăn cản. Song, với niềm đam mê và sự nhạy bén, bà Thêm vẫn quyết tâm làm và đã gặt hái được nhiều thành công. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, vườn ươm của bà Thêm chủ yếu ươm giống 2 loại cây là quế và keo. Hạt giống quế được bà nhập từ  "thủ phủ” quế Văn Yên, còn keo là giống nội địa.
 
Theo bà Thêm, sở dĩ hạt giống của 2 loại cây này được bà lựa chọn, là bởi đây là những loại giống tốt, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được người trồng ưa chuộng vì có khả năng sinh trưởng tốt, chống sâu bệnh cao.
 
Bà Hoàng Thị Thêm chia sẻ: "Để có giống tốt, không chỉ xới đất lên rồi gieo hạt giống là cây sẽ phát triển, mà tùy từng loại cây cần có cách làm đất khác nhau. Trong quá trình gieo ươm thì quan trọng nhất là nắm chắc kỹ thuật và đặc tính của từng loại cây”.
 
Đối với cây quế, hạt giống trước khi gieo, bà sàng sạch cát, cho hạt vào rổ đãi trong nước lã, vớt bỏ hạt nổi, hạt thối, hong hạt trong bóng râm cho se nước rồi mới gieo hạt hoặc tiếp tục ngâm hạt trong nước ấm 30 - 40oC trong 3 giờ đồng hồ, vớt ra để ráo nước rồi ngâm tiếp vào thuốc tím nồng độ 0,01% trong 15 phút rồi đem ủ với cát ẩm (tỷ lệ 1 hạt + 2 cát).
 
Trong quá trình ủ hạt, bà Thêm thường xuyên kiểm tra và tưới nước đủ ẩm cho hạt, đến khi hạt nứt nanh, đem đãi sạch cát rồi tra hạt vào bầu. Ruột bầu, bà Thêm chọn loại đất mùn tơi xốp trộn với 2% phân lân hoặc phân NPK, gieo 1 hạt/bầu ở độ sâu từ 1 - 1,5 cm và phủ kín hạt bằng đất tơi mịn. Sau khi tra hạt xong, bà phủ bạt lên luống để đủ độ ẩm cho cây phát triển, khi cây nhú mầm thì dỡ bạt che để cây đón ánh nắng. 
 
Tương tự, đối với cây keo, quá trình tạo cây con cũng được bà Thêm thực hiện đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật từ khâu xử lý hạt giống, chuẩn bị bầu đất, gieo hạt, chăm sóc cây con đến phòng trừ sâu bệnh. Cây keo giống thường nhiễm một số loại nấm như: sương mai, nấm rễ, do đó khi phát hiện có dấu hiệu của bệnh, bà Thêm sử dụng thuốc đặc trị để tiêu diệt ngay và cách ly 7 - 10 ngày mới cho công nhân tác động vào vườn ươm để tránh độc.
 
Nhờ được chăm sóc cẩn thận nên vườn ươm cây giống của gia đình bà Thêm mùa nào cũng phát triển xanh tốt, cây khỏe mạnh, được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Người đến mua cây của bà Thêm không chỉ ở trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh bạn như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La… 

Hàng năm, vườn ươm cây giống của bà Thêm xuất bán khoảng 35 vạn cây giống, mang về  nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng và sau khi trừ các loại chi phí, thu về từ 120 - 150 triệu đồng tiền lãi, tạo việc làm thời vụ cho 15 - 20 lao động với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

"Sống vui, sống khỏe, sống có ích” là tiêu chí phấn đấu của tuổi già. Vậy nên, tôi chỉ mong sao luôn giữ được sức khỏe, ít ốm đau bệnh tật để con cái được nhờ và có điều kiện để hiện thực hóa "niềm vui sống” của tuổi già, giúp quên đi những mệt mỏi, ưu phiền, lo toan, vất vả trong cuộc sống thường ngày” - bà Thêm vui vẻ bày tỏ.

Hồng Oanh

Các tin khác
Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên).

YBĐT - Năm 1990, tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, cô giáo Vũ Thị Hạnh được phân công về công tác tại Trường cấp 3 Văn Yên, nay là Trường THPT Chu Văn An. 

Khèn là niềm đam mê của nghệ nhân Thào Cáng Súa.

YBĐT - Ông Thào Cáng Súa ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải không chỉ được biết đến là người có tài thổi khèn hay, múa khèn giỏi mà còn là một người thợ chế tác khèn Mông tài hoa. Nghề làm khèn đã mang đến cho ông một cuộc sống đủ đầy, bồi đắp trong ông niềm đam mê, tâm huyết một đời gìn giữ giá trị văn hóa đặc sắc của khèn Mông.

Chị Trương Thị Hà chăm sóc đàn lợn.

YBĐT - Thời điểm lợn xuống giá kỷ lục, nhiều người bỏ nghề nuôi lợn nhưng người phụ nữ dân tộc Dao - chị Trương Thị Hà ở thôn Hợp Thành, xã Yên Thái (Văn Yên) không những từ bỏ mà còn xây dựng chuồng trại hiện đại với quy mô chăn nuôi hơn 100 con lợn. 

Ông Triệu Văn Sượi chăm sóc diện tích bưởi da xanh mới trồng.

YBĐT - Với tâm niệm học Bác từ những việc làm nhỏ nhất, thiết thực nhất, những năm qua, ông Triệu Văn Sượi - tổ dân phố Bản Ten, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình theo mô hình nông lâm kết hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục