Vượt lên nỗi đau da cam

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/8/2018 | 1:50:50 PM

YBĐT - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương chiến tranh thì chẳng thể phai mờ nhất là với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Dù vậy, bằng nghị lực và sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, các nạn nhân da cam đã vượt qua nỗi đau, tích cực tham gia công tác xã hội, vươn lên làm kinh tế giỏi nơi trận tuyến mới.

Tháng 12/1971, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Tạ Trần Tín lên đường nhập ngũ và được biên chế tại đơn vị C18- E124 F304, Quân chủng Thông tin, rồi tham gia chiến dịch Bình Trị Thiên, tại đây ông bị nhiễm chất độc da cam nhưng không hề hay biết. Tháng 12/1976, ông được điều về Quân khu II, tham gia chiến dịch biên giới phía Bắc.
 
Năm 1983, ông chuyển ngành về Công ty Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, công tác đến năm 1993 thì nghỉ hưu. Bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe giảm sút nhưng khi di chứng sang đời thứ ba ông mới được đề nghị giám định y khoa và tỷ lệ mất sức lao động là 61%.
 
Đến năm 2010, ông mới chính thức được công nhận hưởng chế độ nạn nhân da cam/ dioxin. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng với nghị lực và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, sau khi nghỉ hưu, ông luôn tích cực tham gia công tác xã hội, được bà con trong Khu dân cư tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ Khu dân cư, 2 khóa tham gia đại biểu HĐND, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường và hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Yên Ninh.

Cũng với tinh thần vì nhân dân phục vụ, tháng 1/1973, chàng thanh niên Bùi Văn Toản đã hăng hái lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, ông từng tham gia nhiều mặt trận tại chiến trường miền Nam và chiến trường nước bạn Lào. Năm 1976, ông chuyển sang ngành xây dựng, đến năm 1993 nghỉ mất sức, trở về quê hương tại tỉnh Lai Châu cũ.
 
Cuộc sống gia đình khó khăn, con còn nhỏ, sức khỏe yếu, ông Toản phải ngược xuôi mưu sinh, lo cho kinh tế gia đình. Năm 1990, do thiên tai lũ lụt, nhà cửa và nhiều tài sản của gia đình ông bị lũ cuốn trôi, cuộc sống vốn đã chật vật lại càng khó khăn hơn. Năm 1998, được sự động viên của đồng đội, ông cùng vợ con chuyển về định cư tại tổ 33 phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái.
 
Mặc dù sức khỏe yếu do bị di chứng chất độc hóa học, nhưng không cam chịu đói nghèo, ông Toản đã cùng với gia đình tích cực tăng gia sản xuất vươn lên thoát nghèo. Hiện với việc duy trì 5 con trâu sinh sản, cùng với chăn nuôi gà, gia đình ông đã thu nhập trên dưới 60 triệu đồng/ năm.
 
Với hội viên Hà Ngọc Xô - Chi hội trưởng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Giới Phiên và Phúc Lộc, thành phố Yên Bái, dù đã mất sức lao động 61%, nhưng ông vẫn luôn tích cực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trở thành hộ khá giàu tại địa phương.
 
Với việc duy trì tốt hơn 3 ha gỗ rừng trồng, hơn 1 sào ao, 1 mẫu ruộng cấy lúa và trồng rau màu cùng hơn 300 khóm chuối tây ở 5 sào màu dọc sông Hồng, mỗi năm gia đình ông thu về từ 70 đến 100 triệu đồng.
 
Đây chỉ 3 trong số rất nhiều hội viên thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Yên Bái đã luôn phát huy phẩm chất của người lính, vượt qua nỗi đau, vươn lên làm kinh tế giỏi và tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần xây dựng quê hương. Hiện, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Yên Bái có 256 hội viên, sinh hoạt tại 11 chi hội.
 
Dù mới thành lập được hơn 2 năm, nhưng với tình cảm, tấm lòng tri ân của mình Thường trực Hội đã luôn tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương tạo mọi điều kiện thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho các hội viên. Đồng thời, làm tốt công tác huy động, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, nhà hảo tâm để kịp thời chia sẻ, động viên hội viên vượt qua khó khăn, những đau đớn thể chất, vươn lên trong cuộc sống.
 
Ông Lê Hồng Cường - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Yên Bái cho biết: Vượt qua mặc cảm và nỗi đau về thể chất, nhiều hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin thành phố Yên Bái đã luôn phát huy phẩm chất của người lính, gương mẫu tham gia công tác xã hội làm bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể khu dân cư, công tác tại phường, khu dân cư, tổ dân phố…
 
Với tinh thần trách nhiệm của mình các cán bộ, hội viên luôn được nhân dân tín nhiệm, yêu mến và kính trọng. Bên cạnh đó, nhiều hội viên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tiên phong trong phát triển kinh tế trở thành điển hình trong lao động, sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, làm giàu cho gia đình và xã hội.

  Lê Hương - Thanh Nghị (Trung tâm TT&VH thành phố Yên Bái)

Các tin khác
Ông Vi Văn Đạt chăm sóc ao cá.

YBĐT - Rời quân ngũ, ông Vi Văn Đạt - cựu chiến binh (CCB) ở thôn 3, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên đã đầu tư phát triển kinh tế trang trại đồi rừng để đến nay, ông là chủ của mô hình kinh tế trang trại tổng hợp với mức thu nhập gần 600 triệu đồng/năm. 


Nhiều gia đình ở xã Thượng Bằng La có thu nhập cao nhờ trồng cây ăn quả.

YBĐT - Với tinh thần người lính không chịu khuất phục khó khăn, cựu chiến binh Lê Đình Thước quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế bằng cách trồng cây ăn quả có múi.

Ông Nguyễn Hữu Lưu trao đổi với công nhân trong quá trình sản xuất gạch bê tông.

YBĐT - Con cái đã phương trưởng và thành đạt, cuộc sống không còn cần nhiều lo toan kinh tế, cũng đã ở tuổi được phép ngơi nghỉ, nhưng đến giờ, ông Nguyễn Hữu Lưu ở tổ 7, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ - hội viên Hội Người cao tuổi phường chưa một ngày ngơi tay, nghỉ việc làm kinh tế.

YBĐT - Ông Lương Xuân Mai ở thôn Núi Vì, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên là thương binh hạng ¼. Sau thời gian đi an dưỡng ở Hà Nội và đi thăm bạn bè ở Ba Vì, thấy những nơi đó người dân cắt cỏ nuôi bò nên ông cũng nảy ý định làm theo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục