Lý A Dèn - Tỷ phú vùng đất khó

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/9/2018 | 1:51:37 PM

YBĐT - Từ những cánh rừng hoang vu toàn cây gai, cỏ dại, ít người đặt chân tới, nay đã nhường chỗ cho rừng quế xanh ngút tầm mắt, những thửa ruộng nặng trĩu bông… với tổng trị giá trên 27 tỷ đồng, thu nhập mỗi năm đạt trên 500 triệu đồng khiến tôi dù đã "mục sở thị” rồi mà vẫn thật khó tin. 

Ông Lý A Dèn chăm sóc đàn trâu của gia đình.
Ông Lý A Dèn chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Người làm nên điều kỳ diệu ấy là ông Lý A Dèn, thôn Cài, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên.

 
Cơn mưa mùa hạ khiến cho con đường vào thôn Cài trở nên khó khăn hơn, vừa dắt xe lội qua con suối, Bí thư Chi bộ thôn Cài vừa tâm sự: "Con đường này trước đây ít người đi lắm, bởi nơi đây bị bỏ hoang, chỉ có lau lách, cỏ dại, lại có nhiều con suối chia cắt, mùa mưa lũ rất nguy hiểm, không một ai có ý định vào nơi hoang vu, hẻo lánh này mà lập nghiệp cả”.
 
Mải nói chuyện, chúng tôi đã đến được nhà ông Lý A Dèn. Đó là ngôi nhà đơn sơ, đồ đạc cũng chả có gì nhiều. Ông Dèn không có nhà, chỉ có bà Đào - vợ ông đang ngồi khơi bếp củi. Bà Đào thủng thẳng bảo:

- Ông ấy đi chăn trâu từ sáng sớm trên đồi, phải đến tối mới về. Nôn nóng muốn gặp nhân vật của mình, chúng tôi quyết định ngược dốc, leo đồi tìm ông Dèn.

- Ông Dèn kia rồi! Bí thư Chi bộ thôn Cài phấn khởi reo lên. Đó là một lão nông khá ấn tượng ngay từ vẻ ngoài với vóc dáng nhỏ bé, đôi mắt sáng, vầng trán rộng và nụ cười sảng khoái. Trông ông khá trẻ so với tuổi ngoài lục tuần.
 
Ông Dèn tâm sự: Tôi vốn là người dân tộc Dao Tuyển, năm 1980 do chiến tranh biên giới phía Bắc nên đã cùng vợ con rời quê hương xã Đồng Tuyền, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai về đây định cư. Ngày trước, nơi đây là khu rừng rậm rạm, giao thông đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ thì gần như bị cô lập. 

Quyết tâm chinh phục vùng đất hoang vu, toàn cây gai, cỏ dại và khắc ghi lời Bác Hồ dạy "Rừng là vàng”, ngày ngày vợ chồng tôi cùng các con phá bỏ cây dại để trồng lúa nương, trồng ngô, trồng sắn.
 
Những ngày đầu vất vả lắm! Tờ mờ sáng vợ chồng con cái đã ra khỏi nhà để khai hoang, tay chân lúc nào cũng rớm máu vì vết cào của gai, vết cứa của nứa, của dao, cuốc. Làm đến khi người muốn mệt lả mới tạm nghỉ để uống hớp nước, ăn củ sắn, củ khoai rồi lại tiếp tục đến tận tối mịt mới trở về nhà. 

"Dù vậy, gia đình vẫn không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Ngày thì làm mệt, đêm về lại trăn trở nghĩ cách làm ăn. Nhiều lúc nằm nhìn các con đen cháy, gầy guộc ôm nhau ngủ mà lòng quặn thắt, xót xa!” - ông Dèn nhớ lại.
 
Và rồi, với suy nghĩ làm sao để khai thác tiềm năng thế mạnh của đất rừng, ông Dèn đã mạnh dạn đưa cây quế vào trồng. Những năm quế còn nhỏ ông trồng xen lúa, ngô, sắn vừa tiện cho việc chăm sóc, vừa có lương thực để ăn và chăn nuôi. Diện tích quế của gia đình ông đã mở rộng dần theo từng năm, đến nay đã là 30ha, tổng trị giá 25 tỷ đồng; mỗi năm thu hoạch chặt tỉa cũng đạt gần 300 triệu đồng.

Thấm thía câu nói "tấc đất, tấc vàng”, không chỉ phát triển rừng quế, ông Dèn tiếp tục công cuộc khai hoang khu vực thung lũng dưới chân những đồi quế để canh tác lúa nước. Hiện, với 2 mẫu ruộng được gieo cấy 2 vụ trong năm bằng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, mỗi năm cho thu hoạch  4 - 5 tấn lúa. Chưa dừng lại ở đó, có chút vốn liếng ông lại tiếp tục phát triển chăn nuôi trâu.
 
Thời điểm đầu ít vốn, chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, ông chỉ nuôi 10 con, sau đó dần nhân đàn, đến nay đàn trâu của gia đình ông đã có 40 con, mỗi năm bán ra thị trường 10 con trâu bao gồm cả trâu thương phẩm và trâu giống, trừ tất cả chi phí, thu về cũng được 200 - 250 triệu đồng.
 
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, với cách làm và thành quả đạt được, ông Dèn đã không ngần ngại vận động mọi người làm theo. Bao nhiêu kinh nghiệm tích luỹ, học tập được trong cách làm, cách quy hoạch, chọn con giống, chăm sóc, phòng bệnh, ông Dèn đều truyền đạt lại cho bà con dân bản để cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
Anh Nguyễn Văn Tâm - người cùng thôn cho biết: "Trước đây cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, ít đất sản xuất, cái đói cái nghèo cứ đeo đuổi mãi. Từ khi được ông Dèn chỉ cho cách làm ăn, tôi cùng vợ con vào đây khai hoang thêm được nhiều ruộng đất, học ông Dèn trồng quế, trồng cỏ nuôi gia súc tập trung, cấy giống lúa mới và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nên cuộc sống giờ đã khá giả”.
 
Ngoài anh Tâm, còn có hàng chục hộ gia đình khác trong thôn được ông giúp đỡ vốn, cây con giống đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông luôn tâm niệm và sẵn lòng giúp đỡ bà con thôn Cài và các thôn lân cận cùng vươn lên thoát nghèo, làm giàu và đặc biệt là góp sức cùng nhân dân xây dựng xã Lâm Giang đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Ông Đặng Văn Hoan - Bí thư Chi bộ thôn Cài cho biết: "Chi bộ đánh giá cao về những nỗ lực vượt khó của ông Dèn. Là người đầu tiên đưa cây quế về trồng ở thôn, cũng là người khởi xướng phong trào khai hoang vỡ đất, từ đó nhiều người học, làm theo để vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nhờ thế mà bộ mặt nông thôn của thôn Cài chúng tôi những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực".

Chia tay thôn Cài mà trong lòng tôi mãi thầm cảm phục ý chí và tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm của người đàn ông ấy. Ông đã tiên phong biến đồng đất hoang thành khối tài sản giá trị, khai sáng cả một vùng đất khó để bà con cùng học tập và làm theo. Đó cũng chính là việc làm thiết thực nhất, đáng biểu dương nhất trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thu Nhài - Mỹ Vân

Các tin khác
Ông Lò Minh Tâm đang triển khai công việc của tổ dân phố.

YBĐT - Với vai trò là Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố bản Noọng, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ, ông Lò Minh Tâm luôn là tấm gương sáng về mọi mặt, được nhân dân tin tưởng noi theo. Nhờ có ông mà các công việc trong tổ đều được thực hiện nhanh chóng, nhân dân đoàn kết, đồng lòng.

Mỗi năm, anh Phạm Thanh Toàn đạt lợi nhuận khoảng 550 triệu đồng từ cây ăn quả có múi.

YBĐT - Đó là quan điểm của anh Phạm Thanh Toàn ở thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên về con đường mà mình đã lựa chọn để gắn bó: trồng cây ăn quả.

Anh Nguyễn Chí Châu chăm sóc đàn hươu sao.

YBĐT - Từ hai bàn tay trắng, qua 6 năm kiên trì, bền bỉ, người thanh niên dân tộc Tày Nguyễn Chí Châu ở thôn Đồng Cáy, xã Yên Thắng (Lục Yên) đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Mô hình phát triển kinh tế của gia đình Thôn đội trưởng Nguyễn Trí Tuệ mang lại hiệu quả cao.

YBĐT - Anh Nguyễn Trí Tuệ - Thôn đội trưởng kiêm Trưởng thôn 5, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên luôn được bà con yêu mến. Không chỉ trách nhiệm trong công việc chung mà gia đình anh còn là một tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục