YBĐT - Gặt xong lúa vụ mùa, chị Nguyễn Thị Vẽ ở thôn Bản Nả, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên cho trâu, bò ăn hết rạ rồi đưa nước vào ngâm toàn bộ diện tích ruộng của gia đình.
|
Ruộng của chị Nguyễn Thị Vẽ đang được ngâm nước để chuẩn bị cấy lúa đông xuân.
|
Chị đưa trâu vào cày ruộng khi đã ngâm nước đủ trong 20 ngày. Cày xong, chị tiến hành tháo hết nước. Sau khi nước rút cạn là chị lại đưa nước vào đầy ruộng để ngâm. Sau khi ngâm tiếp 15 ngày, chị sẽ bừa. Bừa xong chừng 5 ngày để cho lắng bùn, chị lại tháo hết nước. Nước rút hết thì chị sẽ lại đưa nước vào bưng đầy cho đến khi bừa lần nữa rồi cấy luôn sau đó.
Chị Vẽ cho biết: "Làm như vậy thì sẽ hết nước hăng rạ, loại trừ được mầm mống sâu bệnh gây hại cho cây lúa trong vụ xuân cũng như giảm được độc tố trong ruộng”.
Ở trong thôn, chỉ có nhà chị làm đất trồng lúa theo cách này và vụ nào chị cũng làm. Vì vậy, lúa nhà chị vụ nào vụ nấy đều phát triển tốt, ít bị vàng lá, đạo ôn, khô vằn… mà năng suất lại cao hơn hẳn so với các gia đình khác có ruộng cấy xung quanh. Như vụ mùa vừa thu hoạch, chân ruộng xấu nhất của nhà chị cũng thu về 1 tạ/sào, cao nhất được 1,8 tạ/sào trong khi các nhà khác chỉ là 70 - 80 kg/sào.
Hai vợ chồng là lao động chính, ruộng nhà chị Vẽ có 3,1 sào. Có những hộ trong thôn đi làm thuê, bỏ ruộng nên chị tiếc, hỏi mượn để trồng lúa. Thế là mỗi năm chị trồng 2 vụ lúa, mỗi vụ 1,2 mẫu ruộng, vụ đông trồng 2 sào ngô và khoai lang. Toàn bộ diện tích ruộng trồng lúa đều là hai vợ chồng chị với hai con trâu cày, bừa mỗi vụ chứ không thuê ai bao giờ bởi nhà nông chủ yếu lấy công làm lãi.
Việc làm đất chuẩn bị cho mỗi vụ trồng lúa luôn được nhà chị đặc biệt chú trọng vì nhận thấy có hiệu quả rõ rệt. Chị nuôi hai con trâu nái vừa làm sức kéo vừa gây giống.
Có trâu, chị tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng tiền thuê máy làm đất mỗi vụ. Khâu làm đất tốt cũng giúp giảm bớt tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại cho năng suất lúa cao nên chị vẫn có lãi từ cây lúa. Cụ thể như năm 2018, với 1,2 mẫu ruộng, ngoài để ăn và phục vụ chăn nuôi, vụ chiêm bán 1,4 tấn thóc, vụ mùa bán 1 tấn thóc, chị lãi hơn 15 triệu đồng.
Chị Vẽ nói: "Nhà tôi cứ theo nếp xưa của các cụ nên vẫn có đồng lãi nhờ tần tảo với ruộng đồng và cây lúa, nhất là phải quan tâm đến khâu làm đất thật tốt”.
Nguyễn Thơm
YBĐT - Lựa chọn phát triển kinh tế gia đình bằng sản xuất gạch không nung từ năm 2008, cơ sở sản xuất gạch không nung của chị Nguyễn Thị Thanh ở tổ dân phố số 8, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ đã thành địa chỉ tin cậy của nhiều người tiêu dùng khu vực phía Tây của tỉnh.
YBĐT - Đến xã Y Can, huyện Trấn Yên, nhắc tên ông Triệu Tiến Châu ở thôn An Phú thì bà con ai cũng dành cho ông lời ngợi khen, sự nể phục bởi ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là người luôn giúp đỡ những hộ nghèo, khó khăn về vốn, giống và kỹ thuật trồng cây ăn quả, trồng rừng, phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản.
YBĐT - Đào Đức Thành - sinh viên năm thứ 3, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái vinh dự là 1 trong 49 sinh viên tiêu biểu cả nước trong Cuộc vận động "Sinh viên Việt Nam - những câu chuyện đẹp", giai đoạn 2015 - 2018.
YBĐT - Cứ có thời gian rảnh, tranh thủ cả lúc tối muộn, chẳng ngại nắng mưa, rét mướt, gần thì đi bộ, xa hơn một chút thì đi xe máy, ông Liêu lại đến tận nơi tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và tự nguyện hiến đất làm đường.