Anh Lê Văn Huynh làm giàu từ nghề mộc

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/6/2019 | 7:57:13 AM

YênBái - Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay, anh Lê Văn Huynh - chủ xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất ở thôn Đồng Sâm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên trở thành tấm gương nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Xưởng sản xuất đồ gỗ của anh Huynh.
Xưởng sản xuất đồ gỗ của anh Huynh.

Được tiếp xúc và chứng kiến gia đình làm nghề mộc từ lúc nhỏ nên anh Huynh sớm có những kiến thức cơ bản về nghề mộc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi học hết phổ thông, anh đã nghỉ học và bắt tay vào nghề mộc. Bước vào nghề với biết bao khó khăn thử thách, kinh tế gia đình khó khăn, đồng vốn hầu như không có. 

Không nản lòng, anh chăm chỉ học tốt nghề rồi đi làm thuê cho nhiều xưởng mộc lớn trong huyện để học hỏi thêm về mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường cho đầu ra sản phẩm. Khi đã có kỹ thuật, tay nghề cao, lại được sự quan tâm của chính quyền địa phương, năm 2008 anh mạnh dạn mở xưởng sản xuất. 

Với số vốn ít ỏi tích lũy được và vay vốn từ ngân hàng 300 triệu đồng, anh Huynh bắt đầu xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc và nguyên vật liệu. Nhà xưởng của anh Huynh được thành lập với quy mô nhỏ, diện tích khoảng 300 m2, chỉ sản xuất hàng mộc dân dụng như: bàn, ghế, đồ thờ, cửa, tủ… Thời gian đầu, xưởng sản xuất của gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. 

Anh Huynh cho biết: "Ban đầu, chưa có khách hàng, tôi đem sản phẩm mình làm ra giới thiệu cho những người quen và đem sản phẩm đi bán tại các xã trên địa bàn huyện. Cứ như vậy, sau 3 năm (kể từ khi mở xưởng mộc), tôi đã tạo được lòng tin và có nhiều khách hàng trên khắp các xã, thị trấn trong tỉnh và trả hết nợ vay ban đầu, có vốn để quay vòng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình”. 

Bên cạnh đó, anh Huynh không ngừng tìm tòi, học hỏi để tạo ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp thị yếu của người tiêu dùng. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, năm 2014, anh đầu tư thêm 20 triệu đồng để mua máy xẻ gỗ. 

Năm 2018, anh vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, chương trình "Hỗ trợ giải quyết tạo việc làm” của xã để mở rộng quy mô xưởng thêm 80 m2

Nhờ dám nghĩ, dám làm, chịu khó tìm tòi học hỏi, sau 5 năm, gia đình anh Huynh không chỉ thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương mà còn có thu nhập bình quân mỗi năm đạt từ 100 - 150 triệu đồng khi trừ hết chi phí; giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên, lương 3 triệu đồng/ người/ tháng. 

Tâm sự về nghề, anh Huynh cho biết thêm, để có được thành công trong sản xuất, người làm mộc phải giữ được niềm tin vào nghề của mình. Muốn sản phẩm của mình có chỗ đứng trên thị trường phải lấy được lòng tin của đối tác và khách hàng bằng chất lượng sản phẩm, mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Điều quan trọng nhất là luôn đề cao chữ "tín” và đạo đức nghề nghiệp. Có như vậy thì mới sống được với nghề.

Đồng chí Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp cho biết: "Với sự quyết tâm và nỗ lực vượt khó, anh Lê Văn Huynh không chỉ vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn. Không chỉ năng động phát triển kinh tế, anh Huynh còn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người muốn học hỏi nghề làm mộc truyền thống”.

Hải Hà

Các tin khác
Anh Đặng Văn Nguyên đang chỉnh nhạc phục vụ

Những bản nhạc du dương được mở suốt 12 tiếng/ngày để phục vụ "thính giả" gà. Chuyện tưởng như đùa ấy lại có thật ở mô hình chăn nuôi gà của anh Đặng Văn Nguyên - người Dao ở thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình. Nhờ nghe nhạc, đàn gà giảm nhốn nháo, kích thích não làm tiêu hóa thức ăn tốt hơn, lớn nhanh hơn, cho gia đình anh Nguyên thu nhập cao.

Chị Đông (bên trái) hướng dẫn người dân xã Nghĩa Lợi chăm sóc cây cỏ ngọt.

Sau nhiều cuộc điện thoại, chúng tôi đã gặp được chị Phạm Thị Đông - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông – lâm, thủy sản TND, người đã mạnh dạn đưa giống cây cỏ ngọt về trồng thử nghiệm thành công trên đồng đất Nghĩa Lộ.

Thầy Nguyễn Ngọc Hoằng (giữa) trao đổi về hoạt động của nhà trường với tập thể cán bộ, giáo viên.

Năm học 2010 - 2011, thầy Nguyễn Ngọc Hoằng được phân công về làm Phó Hiệu trưởng tại Trường THCS Hoàng Văn Thọ (nay là Trường TH&THCS Hoàng Văn Thọ), xã Đại Lịch, Văn Chấn khi mới 27 tuổi. Trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề, hiển nhiên, thầy Hoằng khiến không ít cán bộ, giáo viên nghi ngại khi làm cán bộ quản lý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục