Tốt nghiệp Đại học Quân y, bác sỹ Lê Hồng Đức được điều về công tác và tiếp tục học chuyên khoa I tại Bệnh viện Quân y 108 giữa lúc không quân Mỹ leo thang bắn phá Hà Nội. Là bác sỹ quân y, lại có bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ thế hệ chống Mỹ cứu nước, nên Lê Hồng Đức không ngại gian khó, nguy hiểm, bất kể ngày hay đêm túc trực tại bệnh viện hoặc có mặt trên trận địa phòng không để cứu chữa thương binh và người dân Hà Nội khi bị bom Mỹ sát hại.
Được các bậc đàn anh đi trước dìu dắt, không ngừng học hỏi vươn lên để chữa lành biết bao vết thương hoặc dành lại sự sống cho cán bộ, chiến sỹ khi trọng thương nhờ bàn tay và trí tuệ của tập thể y bác sỹ nói chung và người bác sỹ trẻ Lê Hồng Đức nói riêng.
Chiến dịch "Điện Biên phủ trên không” kết thúc thắng lợi, chiến dịch Tây Nguyên và sau đó là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mở ra, bác sỹ Lê Hồng Đức khoác ba lô hành quân theo những binh đoàn vượt Trường Sơn mở toang Tây Nguyên rồi xông thẳng xuống đồng bằng giải phóng thành đô, thống nhất đất nước. Những ca mổ dưới tán rừng già, bên hang sâu hay trong lòng địa đạo với điều kiện hết sức thiếu thốn về thuốc men và trang thiết bị, nhưng những bác sỹ quân y trên chiến trường đã vượt qua tất cả bằng ý trí, nghị lực vừa tinh thần của "Bộ đội Cụ Hồ”.
Sau ngày giải phóng miền Nam, bác sỹ Lê Hồng Đức ra Bắc làm việc tại Quân y viện 108 và tham gia Tổ I (phục vụ các chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước). Với bác sỹ Đức, đây là thời gian ông có điều kiện tiếp tục học tập để nâng cao trình độ chuyên môn và sau giai đoạn này, ông đã được quân đội cử đi Liên Xô học chuyên sâu về ngành gây mê.
Đầu những năm 1980, bác sỹ Lê Hồng Đức về nước giữa lúc tình hình biên giới Việt - Trung rất nóng bỏng và ông lại nhận lệnh lên mặt trận Hà Giang ác liệt nhất trực tiếp cứu chữa thương bệnh binh và người dân khi bị pháo kích của quân Trung Quốc sát hại.
Nơi địa đầu cực Bắc, ông còn trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là kiến thức trên lĩnh vực gây mê, hồi sức cấp cứu cho các chiến sỹ quân y và ngành y tế địa phương.
Tình hình chiến sự tạm lắng, bác sỹ Đức được cấp trên điều động về Quân Y viện 103 vừa làm công tác giảng dạy, vừa làm Chủ nhiệm nhà mổ của Bệnh viện. Với Đại tá Lê Hồng Đức, đây là giai đoạn ông vừa được trực tiếp tham gia bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội vừa làm công tác giảng dạy để đào tạo cho đất nước và quân đội lớp lớp thế hệ bác sỹ quân y.
Hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó, Đại tá, bác sỹ Lê Hồng Đức về nghỉ chế độ được một thời gian thì ông nhận lời lên Yên Bái làm việc và đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Bệnh viện ĐKHN 103 Yên Bái. Biết tin ấy, không ít anh em, bạn bè đã khuyên nhưng bác sỹ Đức chỉ cười và ông không muốn giải thích với mọi người khi mà ở tuổi đời, tuổi nghề như ông, đặc biệt đã kinh qua nhiều trận chiến ác liệt, nơi sự sống và cái chết hết sức mong manh thì cái danh thật sự bé nhỏ.
Bác sỹ Lê Hồng Đức tâm sự: "Ở góc độ người bác sỹ quân y, mình lên Yên Bái sẽ giúp sức tháo gỡ những vướng mắc của một cơ sở y tế mới thành lập, một địa phương còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ở khía cạnh người thầy giáo, tôi tiếp tục được giảng dạy, được chỉ bảo các bạn trẻ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Và hơn hết, nhận lời lên Yên Bái, vì nơi đây có sự gắn bó, hòa quyện”.
Khi được hỏi về những kỷ niệm trong sự nghiệp thầy thuốc áo lính của mình, bác sỹ Đức chia sẻ: "Kỷ niệm thì nhiều lắm, như giành lại sự sống cho bộ đội nơi chiến trường; cùng với đồng chí, đồng đội tham gia ca ghép thận và ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam - công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ do Giáo sư Lê Thế Trung và Phạm Gia Khánh làm chủ nhiệm (Đại tá Lê Hồng Đức tham gia với vai trò là bác sỹ gây mê). Thành công của 2 ca ghép tạng này mở đầu cho ngành ghép tạng ở Việt Nam cách đây gần 30 năm và đưa y học Việt Nam sánh ngang với các nền y học tiên tiến của thế giới”.
Tới Bệnh viện ĐKHN 103 Yên Bái là thấy Đại tá, bác sỹ Lê Hồng Đức đang chăm chú làm việc; đang tận tình chỉ bảo đội ngũ y bác sỹ trẻ hoặc ân cần thăm hỏi, giải thích bệnh tật cho bệnh nhân. Chất lính vẫn vẹn nguyên trong phong cách của một người thầy thuốc giỏi, mộc mạc, chân thành, ngay thẳng và hết lòng với công việc của người đã và đang "Vững tiền phương, chắc hậu phương".
Lê Xuân Trường