Người con Yên Bái làm rạng danh nước Việt

  • Cập nhật: Thứ bảy, 13/2/2021 | 8:32:04 AM

YênBái - Vừa là nhà khoa học tài năng lại vừa là nhà giáo tâm huyết, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã kinh qua nhiều cương vị chủ chốt và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở Đại học Quốc gia Hà Nội theo định hướng đại học nghiên cứu tiên tiến, gắn kết chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu...

Giáo sư Nguyễn Đình Đức luôn dành tâm huyết cho việc giảng dạy, định hướng nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức luôn dành tâm huyết cho việc giảng dạy, định hướng nghiên cứu khoa học cho sinh viên.


Giáo sư Nguyễn Đình Đức là cựu học sinh Chuyên Toán khóa 1 của tỉnh Hoàng Liên Sơn (1977-1980), nay là Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Năm 1984, ông tốt nghiệp cử nhân ngành Toán - Cơ tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. 

Năm 1991, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán - Lý tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow và bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ khoa học về Khoa học kỹ thuật tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga vào năm 1997. 

Năm 1999, khi mới 36 tuổi, ông được công nhận, cấp bằng phát minh về quy luật ứng xử của các vật liệu composite 3 pha có cấu trúc không gian 3Dm (nền, hạt và sợi) và được bầu là thành viên nước ngoài (viện sĩ) của Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Nga. 

Khi về Việt Nam công tác, giáo sư Nguyễn Đình Đức tham gia giảng dạy và giữ các cương vị lãnh đạo tại nhiều trường đại học, tích cực tham gia công tác sáng lập và trở thành một trong những Phó Chủ tịch đầu tiên của Hội Trí thức Khoa học Công nghệ trẻ Việt Nam.

Ông là thành viên nước ngoài (viện sĩ) của Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga và Viện Hàn lâm Phát minh và Sáng chế quốc tế (từ năm 1999); nguyên là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga (1999 - 2001). 



Giáo sư Nguyễn Đình Đức và tác giả.

Đặc biệt, ông không ngừng nghiên cứu khoa học, đã công bố 300 bài báo, báo cáo, công trình khoa học; trong đó, hơn 150 bài báo, báo cáo đăng ở các tạp chí xuất bản ở nước ngoài, các hội nghị quốc tế và trong số đó có hơn 100 bài báo công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín có trong danh mục các tạp chí ISI (SCI và SCIE). 

Ông có 1 bằng phát minh về quy luật ứng xử các đặc trưng cơ học vật lý của vật liệu composite 3 pha 3Dm (1999), 1 patent về polyme nanocomposite gia cường bởi sợi thủy tinh và hạt nano titanium dioxide. 

Công thức phi tuyến dạng giải tích cho phép xác định được các mô đun đàn hồi cho vật liệu composite hạt nano đã được cộng đồng khoa học biết đến qua các công bố quốc tế gắn với tên tuổi của ông và nhà khoa học nổi tiếng người Nga - Giáo sư Vanin. 

Công thức này mang tên "Vanin - Nguyen Dinh Duc” và trở thành thuật ngữ quốc tế trong ngành khoa học vật liệu (giáo sư, tiến sĩ khoa học G.A Vanin là nhà khoa học lỗi lạc của Nga về composite - Trưởng phòng Thí nghiệm vật liệu composite của Viện Nghiên cứu chế tạo máy - Viện Hàn lâm Khoa học Nga). 

Những năm gần đây, năng lượng xanh, sạch và năng lượng tái tạo là vấn đề được thế giới và Việt Nam đặc biệt quan tâm, Giáo sư Đức đã nhanh chóng tiếp cận hướng nghiên cứu này, phối hợp thành công với nhóm nghiên cứu về Vật lý của Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội bổ sung một cách hợp lý các hạt nano để nâng cao tính năng cơ lý của vật liệu nanocomposite polymer, như khi chế tạo vật liệu phát quang hữu cơ OLED, hoặc để nâng cao hiệu suất chuyển đổi năng lượng của các tấm pin năng lượng mặt trời và kết hợp liên ngành Vật lý - Cơ học để nghiên cứu ổn định của các kết cấu composite 3 pha này (bao gồm nền polyme, sợi gia cường và các hạt nano) dưới các loại tải trọng khác nhau. 

Kết quả nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp theo hướng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo không chỉ được đăng, công bố trên các tạp chí quốc tế ISI mà còn được vinh dự là báo cáo mời tại nhiều hội nghị quốc tế lớn tại Mỹ, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia...

Ngày 8/11/2020, Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ công bố danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới có ảnh hưởng lớn nhất năm 2020. Trong công bố này, có 22 nhà khoa học người Việt, đang công tác tại Việt Nam. Theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, đứng đầu trong các nhà khoa học Việt Nam là Giáo sư Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội), một người con của quê hương Yên Bái được xếp hạng 5.798 thế giới, ông cũng là 1 trong số 3 người Việt Nam lọt vào top 10.000 nhà khoa học xuất sắc nhất của thế giới 2019.


Vừa là nhà khoa học tài năng lại vừa là nhà giáo tâm huyết, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã kinh qua nhiều cương vị chủ chốt và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở Đại học Quốc gia Hà Nội theo định hướng đại học nghiên cứu tiên tiến, gắn kết chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học và tiếp cận với trình độ và chuẩn mực quốc tế. 

Đồng thời, việc mở các ngành mới, thành lập phòng thí nghiệm mới, bộ môn mới, khoa mới trong lĩnh vực vật liệu kết cấu tiên tiến và công nghệ kỹ thuật xây dựng - giao thông, kỹ thuật hạ tầng của Giáo sư Nguyễn Đình Đức mang ý nghĩa của sự sáng lập, đặt nền tảng vững chắc cho những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao hoàn toàn mới ở Đại học Quốc gia Hà Nội, góp phần quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của Đại học Công nghệ, Đại học Việt Nhật và Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Đó cũng là những đóng góp to lớn của ông cho sự phát triển bền vững của ngành cơ học Việt Nam, ngành xây dựng, ngành giao thông, kỹ thuật hạ tầng và cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước trong các lĩnh vực này. 

Với những cống hiến lớn, để đời như thế, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã thực hiện được hoài bão của mình, góp phần trong việc chuyển đổi chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội từ đại học chỉ có nghiên cứu cơ bản sang đại học vừa nghiên cứu đỉnh cao với các chuẩn mực quốc tế lại vừa gắn kết chặt chẽ với thực tiễn với các ngành nghề cụ thể, với kỹ thuật và công nghệ cao - góp phần thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy bận rất nhiều công việc như quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học nhưng Giáo sư Nguyễn Đình Đức vẫn dành tình cảm đặc biệt với quê hương Yên Bái bởi nơi đây không chỉ là mảnh đất mà ông gắn bó suốt thời thơ ấu mà còn có mái Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành thân thương, thầy cô và các bạn cùng trang lứa. 

Tôi may mắn có cuộc trò chuyện với Giáo sư Nguyễn Đình Đức tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào một ngày cuối năm. Ông chia sẻ: "Tôi cảm thấy may mắn và tự hào vì mình là người Việt Nam đã có những đóng góp cho nền khoa học, thấy vui mừng vì kết quả trong học tập và nghiên cứu, sáng tạo của mình đã trở thành tấm gương, là động lực cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên. Rất nhiều bạn trẻ khi đạt được nhiều thành công trên lĩnh vực học tập, nghiên cứu, kinh doanh… đã tâm sự rằng, tôi là tấm gương, là động lực để các em ấy vươn lên. Quê hương Yên Bái có rất nhiều trò giỏi, đặc biệt là Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Các em có khả năng, có ước mơ, có hoài bão, đáng mừng hơn là gia đình các em, ngành giáo dục - đào tạo và lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã và đang có nhiều giải pháp giúp đỡ các em nuôi dưỡng hoài bão ấy. Tỉnh và ngành giáo dục - đào tạo cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các em được tiếp cận với thầy giỏi; có kiến thức rộng mở hơn. Có như thế, các em mới thi đậu vào các trường đại học danh tiếng và có cơ hội để trở thành các chuyên gia giỏi, doanh nhân thành đạt, đóng góp trí tuệ, sức lực cho nước nhà và cho quê hương”.
    
 Lê Phiên

Các tin khác
Cùng các em nhỏ vùng cao vượt khó trong từng bữa ăn để tới trường tìm cái chữ.

Vượt qua vô vàn khó khăn trong cuộc sống, những cô giáo trẻ người Mông, ngày qua ngày, vững vàng bám trụ nơi có những điểm trường "4 không" ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).

Ông Nghiêm Xuân Thành bên rừng keo gỗ lớn.

Từ ý chí và sức lao động, mỗi ngày trồng vài chục cây, 8 năm sau, ông ông Nghiêm Xuân Thành ở thôn Ngòi Bang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình đã có những cánh rừng xanh ngát.

Bí thư Chi bộ Sùng A Cớ (bên phải) cùng thanh niên trong bản góp sức làm đường.

Nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, Nả Háng - bản xa nhất, khó khăn nhất của xã Chế Tạo, Mù Cang Chải, cách trung tâm xã gần 20 km đường mòn dốc, núi đá với 31 hộ dân, 158 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Mông. Ở nơi khó khăn ấy, trong số những người con trưởng thành, có kiến thức, có chí hướng và nhiệt huyết mang lại những đổi thay cho quê hương phải kể đến là Bí thư Chi bộ thế hệ 9X Sùng A Cớ.

Hai Bí thư Đoàn: Đại úy Phạm Minh Tuấn và Thượng úy Đỗ Thanh Hoàn (Công an tỉnh Yên Bái) tham gia hiến máu cứu bệnh nhân La Thị Lịch tại BVĐK tỉnh.

Ngày 20/1, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Yên Bái tiếp nhận bệnh nhân La Thị Lịch, 85 tuổi được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do bị bỏng khi sử dụng túi sưởi nóng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục