Năm 2020, gia đình chị Điêu Thị Vân đã đầu tư 500 triệu đồng để làm DLCĐ. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2021, nhưng cũng như nhiều gia đình làm du lịch khác, hoạt động kinh doanh du lịch của gia đình chị bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19. Đó cũng là quãng thời gian khó khăn, song chị và gia đình vẫn kiên trì hướng phát triển kinh tế này.
Sau khi trở lại thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, gia đình chị tiếp tục đón khách và tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường kết nối với các công ty lữ hành để nhận các tour du lịch. Từ tháng 3/2022 đến nay, gia đình chị đã đón hơn 100 lượt khách du lịch.
"Làm homestay cũng là để góp phần xây dựng thôn Sà Rèn thành thôn VHTT gắn với DLCĐ. Bởi vậy, tôi sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm homestay của gia đình” - chị Vân chia sẻ.
Chị Điêu Thị Vân được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Sà Rèn từ năm 2019. Là người có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm, nên chị luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động của Chi bộ, đoàn thể và của thôn.
Bám sát nghị quyết đại hội Đảng bộ xã các nhiệm kỳ qua, nhất là nhiệm kỳ 2020 - 2025, chị Vân đã cùng Chi bộ, thôn ra nghị quyết và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng thôn Sà Rèn thành thôn VHTT gắn với DLCĐ.
Từ việc trực tiếp làm mô hình DLCĐ, bản thân chị Vân đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các hộ làm DLCĐ trong thôn về việc trang trí khuôn viên, nhà ở theo VHTT, chế biến ẩm thực… Chị cũng là thành viên tích cực trong đội văn nghệ truyền thống của thôn và đã thu hút được đông đảo chị em thường xuyên tập luyện các điệu xòe cổ, dân ca dân tộc Thái để phục vụ các sự kiện cũng như biểu diễn phục vụ du khách cho các hộ làm homestay trong thôn.
Đồng thời, chị phối hợp với các nhà trường trong xã tổ chức cho học sinh trải nghiệm mô hình DLCĐ tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại gia đình mình. "Đây cũng là một cách làm hay trong tuyên truyền, giáo dục người dân, nhất là thế hệ trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” - chị Vân tâm sự.
Cùng với những việc làm cụ thể của bản thân, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của thôn, chị Vân trực tiếp chỉ đạo và tham gia cùng các đoàn thể trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường gắn với bảo vệ môi trường sinh thái tại thôn xóm. Đều đặn hàng tháng, chị cùng hội viên các đoàn thể tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa; thực hiện công trình thắp sáng đường quê, trồng hoa trên tuyến đường đê của thôn.
Từ việc tích cực tham gia trực tiếp công việc cùng các hội viên, nên khi chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện các nhiệm vụ, chị Vân nắm chắc những việc đã làm và chưa làm, hiệu quả hay chưa hiệu quả để chỉ đạo thôn, các đoàn thể thực hiện.
Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ và kế hoạch, việc làm cụ thể của thôn, các hộ dân nơi đây đã giữ gìn và bảo tồn, phát huy được các giá trị VHTT đặc sắc như: kiến trúc nhà sàn của người Thái, các phong tục, tập quán tốt đẹp trong lễ hội và trong sinh hoạt hàng ngày từ trang phục đến tiếng nói, chữ viết, ẩm thực.
Thôn đã thành lập các đội văn nghệ dân gian phục vụ DLCĐ; duy trì các câu lạc bộ thể thao truyền thống như: bắn nỏ, đẩy gậy, tó mắc lẹ để vừa rèn luyện sức khỏe vừa có thể trình diễn và mời du khách trải nghiệm cùng. Cảnh quan môi trường trong thôn được giữ gìn sạch, đẹp. Đến nay, thôn Sà Rèn có 10 hộ làm DLCĐ hiệu quả.
Chị Vân cho biết thêm: "Thời gian tới, Chi bộ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thôn xây dựng, nâng cao chất lượng các hộ làm DLCĐ; xây dựng các sản phẩm trải nghiệm mới như các điểm chụp ảnh gắn với thiên nhiên, cảnh quan thôn xóm, hoa, lúa; đi bè mảng đánh bắt cá trên suối Thia, đi xe đạp quanh thôn; giao lưu văn hóa văn nghệ; xây dựng các mô hình nông sản sạch vừa cung cấp cho các hộ làm du lịch vừa là điểm tham quan, trải nghiệm; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo nâng cao các tiêu chí nông thôn mới gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc”.
Thu Hạnh