Cô giáo Chu Thị Tú Liên - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Hoàng Văn Thụ (thị xã Nghĩa Lộ) là cái tên quen thuộc của những đổi mới, sáng tạo trong ngành giáo dục thị xã nhiều năm qua, nay đang bắt đầu dần được nhắc đến và thân quen gắn với cái tên Chulienhome - homestay mới mẻ và và một lớp học dạy 3 thứ tiếng: tiếng phổ thông, tiếng Mông và tiếng Anh nơi bản Pang Cáng - xã Suối Giàng.
Chính cô Tú Liên cũng chẳng ngờ con đường bê tông nho nhỏ nối từ địa phận xã Phù Nham (thị xã Nghĩa Lộ) tới đỉnh Suối Giàng với những đoạn mà độ dốc cũng được coi là thử thách tay lái giờ lại trở thành cung đường quen thuộc của mình mỗi ngày. Sáng ra vẫn công việc ở trường học dưới thị xã Nghĩa Lộ, chiều tối lại trở về homestay của gia đình và lớp học ngay ở bản Pang Cáng, đều đặn và thường xuyên.
Đầu năm 2021, cô Tú Liên đã có nhiều cơ hội nghiên cứu về văn hóa dân tộc Mông ở Suối Giàng để viết sách về chương trình giáo dục địa phương cho Sở Giáo dục và Đào tạo. Tìm hiểu, nghiên cứu rồi lại bị đất và người làm "say” lại lòng mình, cô Liên mỗi lúc thêm "mê” cái sự thanh bình, trầm mặc trong mộc mạc trên đỉnh non Suối Giàng.
Ý định về chuyện làm du lịch trên mảnh đất này cũng thêm đó mà ra. Thế là đầu tư mua 8.000 m2 đất ở bản Pang Cáng. Trên 2.000 m2 là không gian của 2 nếp nhà sàn và khu ẩm thực để phục vụ ăn nghỉ của du khách đang mỗi ngày một hoàn thiện; trên 6.000 m2 là vùng trà cổ thụ và trang trại để du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên rất đặc trưng của Suối Giàng từ việc trải nghiệm hái chè Shan tuyết đến tận hưởng tiết trời mát lành và không gian hoang sơ giữa bản làng, gặp gỡ cả những con người bản địa chân chất, giản dị nơi này…
Một sự kết hợp, pha trộn hài hòa, hợp lý giữa nếp nhà sàn người Thái và bài trí không gian với những nét đặc trưng của văn hóa Mông ở homestay này. Bếp lửa đá làm không gian thưởng trà thêm phần hư ảo, cho hương vị của chén trà Shan tuyết thêm đậm nét văn hóa…
Trong trang phục dân tộc Mông, sau ánh lửa bếp đá, giới thiệu từng loại trà với khách và thuần thục trong cách pha trà, cô Tú Liên không khác nào một phụ nữ Mông bản địa giàu tình yêu với văn hóa trà Shan nơi này.
Biết đến Chulienhome qua zalo, facebook, chị Phạm Thanh Mai - du khách Hà Nội đã lựa chọn tour 3 ngày 2 đêm tại đây những mong được trải nghiệm cuộc sống bản làng hoang sơ, mộc mạc. Mọi điều đều đã không làm chị Thanh Mai thất vọng.
"Tận tay hái những búp chè non xanh trên những cây chè cổ thụ; được thăm quan các bản làng người Mông, thăm động Thiên Cung; trong bảng lảng sương sớm xa xa, được thưởng thức hương vị của một chén trà Shan tuyết bên bếp lửa đá thấy thật thanh bình; tối đến, được hòa mình vào lớp chữ Mông, được trò chuyện với những đứa trẻ Mông hồn nhiên - cuộc sống đôi khi cần những lúc sống chậm như vậy. Và đó quả là những ngày rời xa ồn ào thành phố ý nghĩa của tôi và gia đình” - chị Thanh Mai bày tỏ.
Ngay với bản thân cô Tú Liên, con người bản địa nơi này đều là những điều đưa lại sự thân thiện, gần gũi, giản đơn. Họ mang qua nhà cho cô có khi là mớ rau, bắp ngô, cân gạo, cây măng… Sự dễ mến của người vùng cao khiến cô muốn nói nhiều điều hơn với họ nhưng vướng rào cản ngôn ngữ.
Ý định học tiếng Mông cho chính bản thân mình cũng khởi nguồn từ đó. Lại vốn là người say mê với bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Văn Chấn, Mường Lò trong suốt nhiều năm làm nghề giáo với rất nhiều những hoạt động sáng tạo trong bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, Mường… vùng Mường Lò của cô Tú Liên đã được ghi nhận, nên ý định về việc góp phần công sức gìn giữ nét văn hóa dân tộc Mông trong chữ viết lại nhen nhóm trong người phụ nữ này. Rồi mong muốn trang bị tiếng Mông, tiếng Anh cho nhân lực của homestay; muốn những đứa trẻ vùng cao được trang bị tiếng Anh khi du lịch trên Suối Giàng còn tiếp tục phát triển sau này…
Lớp học do cô Chu Thị Tú Liên mở tại homestay.
Quá nhiều lý do để cô Tú Liên không chần chừ mà bắt tay vào khởi động một lớp học miễn phí tại chính homestay của mình. Được chính quyền địa phương ủng hộ, cô Liên kết nối với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Đoàn Thanh niên để mọi người biết đến lớp học, nhất là phụ nữ và các cháu học sinh.
Ông Vàng A Mang - nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Suối Giàng nhiệt tình ủng hộ cô Tú Liên khi trực tiếp đứng lớp dạy tiếng Mông. Phần tiếng Anh thì được các cô giáo ở dưới thị xã dạy trực tuyến, có sự trợ giảng trực tiếp của các bạn trẻ giỏi tiếng Anh cũng đang làm du lịch ở Suối Giàng. Nội dung giảng dạy chủ yếu là văn hóa giao tiếp và giới thiệu về bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Cô Tú Liên trực tiếp đảm nhận phần dạy tiếng phổ thông, cơ bản là ôn lại kiến thức cho các em học sinh và luyện chữ. Bắt đầu từ tháng 5/2022, mỗi tuần 3-4 buổi lớp học âm vang tiếng thầy và trò. Đến nay, hơn 20 học sinh của bản Pang Cáng và bản lân cận đã trực tiếp tham gia lớp học cùng nhiều người khác tham gia học trực tuyến.
Cậu bé Vàng A Tu - người bản Pang Cáng mỗi buổi đi bộ hơn cây số đến lớp học đều đặn. A Tu bảo: "Các thầy cô ở đây dạy dễ hiểu lắm. Em thích học tiếng Anh. Em thích được nói chuyện với người nước ngoài, giới thiệu về nơi mình sinh sống”. Biết đâu, rồi sẽ có những điều trở thành ước mơ lớn lao hơn nữa của những cậu bé như Vàng A Tu được bắt đầu từ lớp học này.
Vẫn một tình yêu với bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, như khi xưa từng tham gia đưa dân ca, dân vũ Thái, Mường vào trường học, rồi làm cố vấn cho màn đại xòe của thị xã Nghĩa Lộ, nay trên đất Suối Giàng, cô Tú Liên lại khơi thêm sức sống của những điệu dân ca, dân vũ Mông. Từ khi có cô Liên đứng ra tổ chức tập luyện, đội văn nghệ bản Pang Cáng đã khôi phục được nhiều điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông như múa khèn, múa khăn, múa dệt thổ cẩm....
Chị Mùa Thị Hằng - Đội trưởng Đội văn nghệ bản Pang Cáng cho hay: "Đội văn nghệ của bản được thành lập từ trước nhưng tập luyện ít và chủ yếu phục vụ biểu diễn trong các ngày hội của bản và của xã. Từ khi có homestay này và cô Liên là người đứng ra huy động tổ chức, hướng dẫn tập luyện, chị em tích cực tập luyện hơn và sinh hoạt đều đặn hơn nên biểu diễn hay hơn. Ngoài phục vụ biểu diễn cho homestay của cô Liên, chị em còn nhận biểu diễn cho các chương trình du lịch cộng đồng khác, vừa có thêm chút thu nhập vừa được múa hát cho tinh thần phấn khởi, vui vẻ”.
Khát vọng trên đỉnh non cao của cô giáo khi đã ở hơn phần nửa cuộc đời ấy mới đang là những bước khởi đầu. Sẽ còn đó những khó khăn, thử thách nhưng ước mong về một homestay giàu bản sắc văn hóa, hòa mình trong thiên nhiên xanh thuần khiết cùng trang trại trồng rau sạch có thể cung cấp lượng rau cho một thị trường rộng lớn đã và đang hối thúc người phụ nữ ấy không ngại tuổi tác, không chờn khó khăn.
Khát vọng ấy không chỉ là để muốn làm giàu cho mình mà còn muốn những người dân bản địa dễ mến nơi này có thêm việc làm, những đứa trẻ hồn nhiên, trong trẻo ở bản được có kiến thức, biết có ước mơ… Và tinh thần khởi nghiệp lúc đã lưng chừng đời của người phụ nữ ấy có thể là nguồn cảm hứng, nhất là cho những người trẻ đang ấp ủ ước mơ về con đường lập thân, lập nghiệp.
Thu Hạnh