Những “cánh chim” không mỏi

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/12/2022 | 7:45:59 AM

YênBái - Văn hóa truyền thống là một kho tàng quý báu đa dạng, phong phú, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc. Để gìn giữ, bảo tồn, phát huy kho tàng quý báu ấy, những năm qua, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản trên địa bàn tỉnh như những “cánh chim” không mỏi đưa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thấm sâu trong đời sống cộng đồng, làm giàu thêm kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Bà Hà Thị Thanh Tịnh, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (hàng sau, thứ 6 từ trái sang) cùng thành viên các đội văn nghệ trong xã thường xuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn của địa phương.
Bà Hà Thị Thanh Tịnh, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (hàng sau, thứ 6 từ trái sang) cùng thành viên các đội văn nghệ trong xã thường xuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn của địa phương.

Nằm trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân của UBND tỉnh Yên Bái năm 2022, bà Hà Thị Thanh Tịnh - người có uy tín ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Tày ở địa phương. Năm 1982, bà Tịnh được lớp người cao niên trong xã truyền dạy lại các điệu hát, múa cổ của dân tộc Tày như dậm Cheo Rứa, dậm Vi, dậm Hầu, hát Khắp nôm, hát ru con ru cháu… 

Sau khi học, biểu diễn được thành thục từ năm 1995, bà Tịnh bắt đầu truyền dạy cho một số học viên có chung sở thích đam mê hát dân gian. Có 8 người đã học và tham gia biểu diễn tại nhiều hội diễn nghệ thuật quần chúng. 

Bà Hà Thị Thanh Tịnh chia sẻ: "Dù có học viên theo học nhưng con số 8 là quá ít so với số lượng dân tộc Tày trên địa bàn xã. Nhìn lớp trẻ ít biết về văn hóa truyền thống của dân tộc mình tôi rất buồn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở tôi quyết định thuyết phục một số bạn bè bắt đầu sưu tầm thêm những bài hát dân ca, điệu múa cổ từ những người cao tuổi trong xã làm nền tảng vững chắc truyền lại cho lớp trẻ. Rất may chúng tôi kịp thời học vì giờ những người cao tuổi, hiểu biết sâu rộng văn hóa truyền thống dân tộc Tày ấy hiện đã mất. 

Năm 2014, Câu lạc bộ Nghệ thuật truyền thống xã Kiên Thành được thành lập với 15 thành viên do tôi làm Chủ nhiệm. Câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên mỗi tuần 1 buổi, tất cả các thành viên đều hào hứng tập luyện. Đến năm 2018, tôi đứng giảng dạy 1 lớp dạy hát Then cho 17 thành viên, có những thành viên rất trẻ chỉ hơn 20, 30 tuổi. Thấy lớp trẻ ngày càng thích thú tìm hiểu về văn hóa dân tộc mình, tôi mừng lắm, vậy là công sức bao năm đã dần gặt hái được trái ngọt”. 

Cùng nằm trong danh sách được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân của UBND tỉnh Yên Bái năm 2022, ông Sùng Chà Lềnh, sinh năm 1964 ở bản Nả Háng, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải được nhiều người kính trọng và là người có uy tín ở địa phương. Ông đã dành cả cuộc đời mình để giữ gìn bảo tồn văn hóa của cha ông. 

Theo ông Sùng Chà Lềnh, khèn có vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Mông, khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ cũng vừa là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tình cảm. 

Đặc biệt, có những thứ lời nói không thể diễn tả được thì người Mông dùng tiếng khèn để thay cho tâm tư, lời nói. Cách ông đến, gắn bó với chiếc khèn như bao nhiêu người Mông khác, từ khi sinh ra, lớn lên, cái tai đã căng ra để giai điệu khèn đẫm sâu vào con người mình. Vì vậy, tình yêu, niềm say mê với chiếc khèn trong ông cứ lớn dần. 18 tuổi, ông Lềnh đã phân biệt rõ các loại khèn của từng dòng Mông. Không chỉ thành thục trong cách thổi, cách múa khèn Mông, ông Lềnh còn hiểu rõ lời từng bài khèn. 

Ông Lềnh cho biết: "Từ năm 1984 đến nay, tôi đã vận dụng những kiến thức được truyền dạy tham gia các hội diễn nghệ thuật quần chúng do huyện tổ chức hàng năm, đồng thời truyền dạy cho nhiều học trò, trong đó có 2 học trò rất ưu tú là Sùng A Cang và Sùng A Dông. Sùng A Cang thường xuyên tham gia múa khèn tại Hội diễn Nghệ thuật trình diễn trang phục các dân tộc do huyện tổ chức; tham gia múa khèn trong các ngày lễ, tết, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của xã tổ chức hàng năm. Sùng A Dông đã tham gia Hội diễn Nghệ thuật trình diễn trang phục các dân tộc huyện Mù Cang Chải và đạt Giải Trẻ tuổi nhất”.

Cùng với bà Hà Thị Thanh Tịnh, ông Sùng Chà Lềnh, năm 2022, tỉnh Yên Bái còn có 12 người được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Và còn rất nhiều những già làng, trưởng bản, người cao tuổi, người có uy tín và những người trẻ tuổi đam mê phát triển văn hóa truyền thống đã và đang nỗ lực phát huy tốt vai trò trong kế thừa, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Lê Thương

Tags nghệ nhân già làng trưởng bản văn hóa truyền thống

Các tin khác
Đồng chí Chu Quốc Hoàng - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phúc (thứ 2 từ phải sang) nắm bắt ý kiến, kiến nghị của người dân.

Phát huy sự năng động, nhiệt huyết của người trẻ, những cán bộ 8X lãnh đạo cấp ủy cơ sở ở thị xã Nghĩa Lộ đã thâm sâu tinh thần “lấy dân làm gốc” trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ, tạo những đột phá cho sự phát triển của địa phương.

Nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng.

Ở tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng hằng ngày, Nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng, trú tại thôn Đêu 1, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) vẫn nhiệt tình truyền dạy những làn điệu dân ca và điệu xòe truyền thống của dân tộc Thái cho thế hệ trẻ.

Anh Hảng A Thào tổ chức các hoạt động vui chơi trong ngày Hội tại xã Bản Công

Mong ước lớn nhất của Hảng A Thào - sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội là, thanh niên ở bản được học hành đến nơi đến chốn.

Ông Trần Văn Hùng tham gia vệ sinh môi trường cùng với người dân

Ở tuổi 60, ông Trần Văn Hùng ở thôn Khe Năm, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên có gần 10 năm làm Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Hưng Khánh và 15 năm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Mỹ Hưng. Ông đã nhiều lần được các cấp khen thưởng về học tập và làm theo Bác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục