Cách học của cô bé nhà nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 3/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Chắc bạn đọc không tưởng tượng nổi, hiện nay, nhiều người phải tập thể thao, ăn kiêng giảm béo thì lại có người gầy đến thế! Đó là chị Nguyễn Thị Tin ở thôn Chiến Khu, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên. Chị cao 1m56, nặng 32 kg. Gia đình chị là một trong số ít sộ nghèo ở Bảo Hưng quê tôi.
|
Chồng mất sớm, chị được “thừa kế” món nợ hơn 9 triệu đồng. Ở nông thôn, nghèo như Bảo Hưng, món nợ ấy khó bề trả nổi. Phải nuôi ba con ăn học, gánh thêm món nợ của chồng, cháu Xuyên lại mắc bệnh khớp chạy tim, thuốc thang rất tốn kém. Chị trả nợ bằng cách: bán lúa non, vay chỗ nọ đập chỗ kia, kiểu “giật gấu vá vai”. Chỗ nóng, phải vay lãi ngày. Nợ cũ chồng nợ mới, vì vậy nghèo lại càng nghèo. Chị nói:
-Nhiều lúc ngồi xuống đứng lên cũng hoa mắt. Có buổi làm cỏ lúa, tôi phải bò lên bờ đấy cô ạ. Yếu thế, nên gắng đến mấy cũng chỉ bằng người ta làm rốn thôi.
-Cháu chào cô! Cô đến chơi ạ!
Một cô bé chừng 14 tuổi đeo sọt chè lễ mễ lên hè. Chị mau mắn nói:
-Cháu Xuyên đấy cô ạ! Tôi ốm yếu, cháu cũng khổ lây.
-Cháu học lớp mấy rồi chị? Cháu học có khá không? Hỏi xong, tôi nghĩ mình lỡ lời. Học sinh nông thôn, đi học về, cất cặp là lên đồi, ra đồng, tám giờ tối mới ăn cơm chiều. Không đúp là may, học thế, khá làm sao được! Nhà nghèo, nhỡ chị không cho con đi học thì sao?
Không ngờ, chị bảo:
-Cháu học lớp 8 Trường PTCS xã Bảo Hưng. Từ lớp 1 đến giờ, năm nào cháu cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cháu ham học nhưng không có thời gian học, cô ạ. Con người ta, bố mẹ mắng vì lười học. Còn cháu, cháu bị mắng vì chăm học. Nhiều hôm, cháu đang cắm cúi làm bài, tôi quát: “Bỏ sách đấy! Đi hái chè!”. Rõ khổ!
Chào khách xong, Xuyên lẳng lặng bốc chè dưới đất dồn vào bao. Nhìn cô bé thông minh, chăm chỉ, ngoan ngoãn, tình cảm quý mến trào dâng trong tôi. Vừa bệnh khớp, bệnh tim, sáng đi học, chiều làm đồng vất vả là thế, bảy năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, Xuyên là tấm gương cho nhiều bạn khác học tập.
Tôi nói ý định viết bài về cháu với chị. Chị bảo các con:
-Khoa đi bán chè cho em. Còn Xuyên, con lấy tất cả giấy khen bảng điểm cho cô xem.
Chị nói:
-Từ năm 2004 đến nay, Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em huyện Trấn Yên thưởng cho cháu mỗi năm 200.000 đồng. Trạm Khuyến nông Trấn Yên tặng cho ba cháu học sinh nghèo học giỏi của xã (trong đó có cháu Xuyên) mỗi cháu 100.000 đồng và 25 quyền vở. Họ giáo Bảo Long thưởng cho mỗi học sinh giỏi 5 quyển vở. Được động viên, cháu càng chăm học hơn.
Tôi hỏi Xuyên:
-Sáng học, chiều làm mọi việc giúp mẹ, cháu học vào lúc nào mà giỏi thế?
Xuyên bẽn lẽn một lúc rồi nói:
Trên lớp, cháu chú ý nghe giảng nên gần như đã thuộc bài tại lớp. Về nhà, tranh thủ trưa, tối, cháu làm bài tập về nhà và bài tập nâng cao. Các bài thuộc lòng, cháu học lúc đi làm.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
-Học phải ngồi vào bàn, mở vở ra mới học được. Lên đồi hái chè, xới cỏ, cháu học thế nào?
Xuyên giải thích:
-Buổi trưa, cháu xếp sách vở theo thời khóa biểu ngày hôm sau. Khi xới cỏ, hái chè, cháu vừa làm vừa nhớ lại giờ giảng trên lớp, thầy cô nói gì. Cháu còn hình dung, giảng bài đó, cử chỉ của thầy cô thế nào, thầy viết bảng ra sao nữa. Thế là cháu thuộc.
Tôi xem bảng điểm các năm của Nguyễn Thị Xuyên, các môn học đều có điểm trung bình từ 8,0 trở lên. Các môn khó như: Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa đều đạt từ 8,5 - 9,9.
Chao ôi, tôi cứ thấy tiếc vẩn vơ! Chưa cần phải học thêm trên lớp, hay mời gia sư kèm riêng tại nhà như nhiều trò ở thành phố, chỉ cần không phải lao động vất vả, có thời gian tự học thì kết quả học tập của Xuyên chắc chắn còn cao hơn nữa.
Nguyễn Thị Lũy
Các tin khác
YBĐT - Đất nước chuyển mình mạnh mẽ và thanh niên đang trở thành lực lượng xung kích đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới. Mỗi người một ý nghĩ, một cách làm, nhưng tất cả đều thể hiện sự năng động, lòng quyết tâm cho những điều mình tâm huyết. Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh ở Yên Bái đã có rất nhiều người thành đạt. Phạm Anh Chiến, Hoàng Đức Kiên là những điển hình như thế.