Từ trung tâm huyện lỵ Văn Yên, mất gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới tới trụ sở UBND xã Lang Thíp - một xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện. Mới đầu giờ chiều, nhưng trụ sở UBND xã đã khá đông người. Giải quyết xong một số việc liên quan đến các thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND xã Lê Minh Lập đã tiếp chúng tôi và thông tin nhanh về tình hình địa phương cũng như ở thôn Bo.
Ông Lập cho biết: "Những việc mà cấp ủy, chính quyền xã giao về thôn Bo đều hoàn thành trước thời hạn. Chúng tôi coi ông Thiều Văn Quý và các đảng viên trong Chi bộ thôn Bo thực sự là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền xã. Nhiều năm nay, Chi bộ thôn Bo luôn đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu”.
Chúng tôi về thôn Bo trong cái nắng gay gắt tháng 5. Trên nương, ngoài đồng không một bóng người. Mặt đất cây cối im lìm không một cơn gió. Nghĩ giờ này chắc ông Quý cũng như những người dân khác đang ở nhà tránh nắng, nhưng khi chúng tôi đến thì nhà cửa vắng hoe, phải gọi điện thoại tới mấy cuộc mới thấy ông bắt máy và phải chờ thêm khá lâu mới thấy ông Quý trở về.
Nhìn ngôi nhà giản dị nhưng khá ngăn nắp, những bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện, các ngành được ông treo trang trọng ở phòng khách cũng đủ để chúng tôi cảm nhận về những việc mà ông đã làm trong suốt thời gian qua.
Bỏ chiếc mũ bảo hiểm xuống ghế, rót vội cốc nước lọc uống cạn, ông Quý phân trần: "Mấy hôm nay, tôi phải đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ làm nhà văn hóa thôn để các đơn vị của huyện còn nghiệm thu công trình. Ngày hoàn thành hội trường đã ấn định, nhưng mấy hôm vừa qua trời mưa khiến việc thi công các hạng mục bị chậm tiến độ. Không yên tâm nên ngày nào tôi cũng phải có mặt ở đó để đôn đốc đơn vị thi công”.
Mặc dù đã được nghe kể nhiều về ông, nhưng chỉ khi trực tiếp gặp, trò chuyện chúng tôi mới cảm nhận được đầy đủ về phong cách, bản lĩnh và sự quyết liệt trong ông. Là người ở tỉnh Hà Nam, năm 1979, ông lên xã Lang Thíp xây dựng kinh tế mới theo chủ trương di dân của Đảng, Nhà nước.
Vốn là người năng động, nhanh nhẹn, đến năm 1993 ông được giao nhiệm vụ làm công an viên rồi làm phó trưởng thôn, rồi trưởng thôn. Không quản ngại gian khó, việc gì cấp ủy, chính quyền xã giao về thôn ông cũng hoàn thành.
Nhân dân tín nhiệm, cấp ủy, chính quyền tin tưởng, năm 2006, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ. Gánh trên vai thêm trọng trách mới, ông luôn tâm niệm và ý thức được rằng, mình phải làm tốt việc vì Đảng, vì dân.
Tuy nhiên, với một thôn đặc biệt khó khăn, cả thôn có 120 hộ thì một nửa thôn vùng trong là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, một nửa thôn vùng ngoài là người dân vùng xuôi lên xây dựng kinh tế mới, không đường, không điện, thông tin liên lạc hầu như không có và muốn tổ chức một cuộc họp thôn cũng rất khó khăn. Sinh kế của người dân chủ yếu phát rừng làm nương, cuộc sống phụ thuộc vào tự nhiên; tập quán sinh hoạt còn nhiều nét lạc hậu trong đời sống hàng ngày cũng là những rào cản khiến cái đói, cái nghèo cứ đeo bám lấy cuộc sống người dân.
Vì vậy, muốn người dân thoát nghèo, biết làm kinh tế để thay đổi cuộc sống thì việc đầu tiên là phải thay đổi tư duy, nếp nghĩ, nhất là vùng đồng bào dân tộc. Vậy là, một cuộc "cách mạng” lớn đã được ông bàn bạc trong Chi bộ và các buổi họp thôn.
Không quản ngại gian khó, tất cả mọi ngõ ngách, ông Thiều Văn Quý đều lặn lội đến tuyên truyền, vận động từ nhẹ nhàng đến quyết liệt để người dân hiểu. "Mưa dầm thấm lâu", tư tưởng người dân đã thông, đồng bào dân tộc và nhân dân trong thôn đã đoàn kết cùng nhau xây dựng đời sống mới, cùng nhau thực hiện tốt quy ước, hương ước thôn.
Với mục tiêu xây dựng thôn trở thành điểm sáng trong các phong trào để người dân có kiến thức và vốn vay phát triển kinh tế, ông đề xuất với UBND xã phối hợp với các phòng, ban của huyện tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, cử cán bộ chuyên môn huyện xuống tận thôn hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, kéo điện về thôn để người dân được mở mang kiến thức và tạo điều kiện cho người dân được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình.
Miệng nói tay làm, ông cùng với các đồng chí trong cấp ủy và Chi bộ đến trực tiếp các hộ có nhiều đất rừng, có sức lao động để vận động bà con phá bỏ vườn tạp, trồng rừng sản xuất; đặc biệt, ông giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước để người dân làm theo.
Để nhân dân tin tưởng và làm theo, với diện tích 5 ha đồi rừng của gia đình mình, ông đã tập trung khai phá, mua giống cây lâm nghiệp về trồng; những diện tích gò, đồi thấp ông trồng ngô, sắn, dẫn nước để cấy lúa lấy lương thực phục vụ sinh hoạt gia đình và phát triển chăn nuôi. "Lấy ngắn nuôi dài", đến khi rừng cây khép tán, cho thu hoạch, ông Quý khai thác bán lấy tiền lại tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế rồi tập trung chăn nuôi gia súc gia cầm.
Thấy ông làm cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, người dân đã đồng tình làm theo. Đến nay, thôn đã có gần 100 hộ tham gia trồng rừng sản xuất với tổng diện tích hơn 300 ha; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 35 triệu đồng/người/năm.
Cùng với đó, nhân dân trong thôn đã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm để tăng thêm thu nhập; nhờ đó, đến nay tỷ lệ hộ khá, giàu trong thôn chiếm trên 40%; tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa trên 85% mỗi năm. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, có kinh tế ổn định với mức thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng mỗi năm. Điển hình như gia đình ông Triệu Văn Quát, ông Triệu Văn Thanh, ông Đào Văn Thọ, ông Đặng Văn Láu... Thôn thành lập được 1 hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò với 20 thành viên, phát triển 7 mô hình nuôi dê quy mô 30 con trở lên theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.
Cuộc sống người dân khá lên và công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM) lại trở thành vấn đề tâm điểm khi mà cấp ủy, chính quyền xã giao về thôn. Vậy là, năm 2021 khi bắt tay vào XDNTM lại thêm một cuộc "cách mạng” nữa mà ông Quý cùng cán bộ, đảng viên trong thôn phải quyết tâm làm bằng được.
Với phương châm "Chi bộ nắm thôn, đảng viên nắm hộ”, trong các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng, ông dành nhiều thời gian để đảng viên báo cáo tình hình được giao phụ trách, đề xuất khắc phục tồn tại, hạn chế.
Phát huy tinh thần đảng viên gương mẫu đi trước, ông vận động các đảng viên trong thôn hăng hái đóng góp tiền, công, hiến đất ở, vườn tạp, để mở rộng lòng, lề đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa. Ngoài việc vận động thông qua họp thôn, ông vận động bằng cách "đi từng ngõ, gõ từng nhà” rồi phân tích rõ cái lợi ích của việc XDNTM với cuộc sống để người dân đồng tình hưởng ứng.
Căn cứ trên tình hình thu nhập của mỗi gia đình, ông cùng Ban Phát triển thôn bàn bạc xây dựng kế hoạch vận động mức đóng góp của mỗi hộ khác nhau, nhất quyết không để việc XDNTM trở thành gánh nặng của người dân.
Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, nhân dân trong thôn đã tự nguyện hiến gần 2.000 m2 đất, đóng góp hơn 2.000 công và hơn 1 tỷ đồng để bê tông hóa gần 3 km đường nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng và kéo điện thắp sáng đường làng, ngõ xóm. Ngoài ra, trong năm 2022, mỗi hộ còn đóng góp thêm 1,2 triệu đồng cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng nhà văn hóa thôn trị giá 700 triệu đồng.
Thôn Bo giờ đây đã thay da đổi thịt, không chỉ với dáng vẻ bên ngoài mà ngay trong tâm thức của người dân và ở đâu, lúc nào cũng có thể nghe người dân nói chuyện về NTM khi mà trong quý III năm 2023 này, thôn hoàn thành và đón bằng công nhận đạt chuẩn thôn NTM.
Hình ảnh người Bí thư Chi bộ với dáng người nhỏ nhắn, sạm đen vì nắng gió lặn lội khắp thôn hỗ trợ bà con trong sản xuất, đời sống, dường như đã quá đỗi thân quen với người dân thôn Bo. Đã 17 năm làm Bí thư Chi bộ, 63 tuổi đời - cái tuổi ở vùng cao như ông Thiều Văn Quý đã có nhiều người muốn nghỉ ngơi quây quần bên con cháu, nhưng bước chân của ông Quý vẫn không ngừng nghỉ khi mà Đảng, nhân dân vẫn còn tín nhiệm. Và ông vẫn luôn tâm niệm, phải cố gắng hết mình để đưa thôn Bo ngày thêm ấm no, hạnh phúc.
Thanh Tân