Làng Mảnh là thôn đặc biệt khó khăn nhất của Sùng Đô - một trong những xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn của huyện Văn Chấn. 60 cây số tính từ trung tâm huyện Văn Chấn, 30 cây số từ trung tâm xã Sùng Đô mới là đất của Làng Mảnh. Hơn 50 hộ ở Làng Mảnh bây giờ đều là đồng bào dân tộc Mông.
Trong ký ức của Hờ A Trừ những ngày còn là cậu bé Mông vẫn còn rõ lắm sự đeo bám của cái nghèo khó khắp trong thôn.
"Cả thôn bấy giờ chỉ có 5 ngôi nhà kê, là nhà có tường được làm bằng tấm ván gỗ pơ mu được cưa xẻ tử tế, mái cũng lợp bằng tấm pơ mu. Còn lại, toàn những nhà mái lợp lá cọ, tường bằng những miếng gỗ tự bổ, tự chẻ thôi. Vào khoảng những năm 1990 đến 2005, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình trong thôn đều khó khăn, hàng ngày cơm không đủ ăn, lâu lâu mới có được một bữa thịt cải thiện, nhiều lúc phải ăn cơm độn với sắn; mùa đông không có đủ áo ấm để mặc, phải ngồi bên bếp lửa tránh rét; 2 đến 3 năm vẫn một bộ quần áo cũ, mốc, rách” - Hờ A Trừ bùi ngùi nhắc lại cuộc sống những năm khốn khó. Nhưng đó đã là năm tháng của những ngày xưa cũ!
Giàng A Chảo - một trong những người tiên phong trồng quế ở Làng Mảnh kể chuyện cuộc sống ngày một khấm khá. A Chảo ngời niềm vui trong con mắt mà kể: "Nhà mình bây giờ có độ 4 - 5 ha quế. Từ quế, nhà có của ăn của để, sắm được máy cày, máy bừa, máy xay xát hết rồi. Sắm các loại máy làm ruộng đỡ vất vả hẳn. Mình có tiền lo được cho con học hành, không bị thiếu thốn như trước nữa, có cả xe máy để đưa con đi học, đi ra bên ngoài thôn”.
Nói đến chuyện xe máy của dân Làng Mảnh, Hờ A Trừ khoe: "Cả bản giờ đều có xe máy hết rồi, chỉ còn 2 hộ do già yếu họ không đi được xe máy nên không có”.
Con đường từ Làng Mảnh tới thôn Giàng Pằng cùng trong xã Sùng Đô nay dân làng Mảnh "cưỡi” xe máy là đi được. Dẫu 9 km nối 2 thôn vẫn còn những đoạn khó đi, nhưng vậy là đã không phải vượt đỉnh núi Giàng Pằng khi muốn ra khỏi Làng Mảnh như xưa nữa. Với dân Làng Mảnh, ấy là điều hằng mơ ước.
"Ngày trước, chỉ có con đường rừng từ Làng Mảnh đến thôn Giàng Pằng, leo qua ngọn núi Giàng Pằng cao cao ấy mà đi, cỡ độ 2 tiếng đi bộ mới đến được Giàng Pằng, còn từ Làng Mảnh ra được đến trung tâm xã Nậm Mười cỡ độ nửa ngày đi bộ; từ Nậm Mười, mới đi Nghĩa Lộ, Văn Chấn được. Giờ thì đi xe máy trên 9 km đường mới, ai đi chậm mất độ một tiếng thôi” - Hờ A Trừ kể thế.
Chuyện người trẻ như Giàng A Chảo năm nay mới 31 tuổi mà có kinh tế gia đình khấm khá; chuyện cả dân Làng Mảnh hầu như hộ nào cũng có xe máy đi, chuyện có con đường mới đi được xe máy… là những điều ngày trước người Làng Mảnh chả dám nghĩ đến, giờ thì đã hiện hữu hiển nhiên, mà như Giàng A Chảo bảo, đó là bởi: "Học Bí thư Hờ A Trừ, nhờ Bí thư Hờ A Trừ cả đấy!”.
Lời Giàng A Chảo nói chả sai vào đâu, đó cũng là suy nghĩ của cả thảy dân Làng Mảnh dành cho một người của Đảng nơi bản làng mình - hẳn là thế rồi, khi không ai khác mà chính là Bí thư Chi bộ Hờ A Trừ tiên phong làm và cũng là để người dân học mà làm theo, từ chuyện trồng quế, đến chuyện làm lúa nước, phát triển cây măng sặt, sa nhân, thảo quả, cả chuyện vận động nhân dân làm đường - chẳng gì khác là cho một cuộc sống ấm no hơn hiện hữu ở nơi này!
21 tuổi, Hờ A Trừ vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng khi vẫn đang theo học trung học phổ thông, trở thành đảng viên trẻ nhất Chi bộ Làng Mảnh. Trở thành đảng viên, điều đầu tiên A Trừ nghĩ đến là muốn cùng Chi bộ giúp dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. "Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông trở về thôn, tôi đã được đi một số nơi học tập các dân tộc khác phát triển kinh tế, cũng thấy và học nhiều cách làm hiệu quả của họ, song thực tế, khi áp dụng tại thôn Làng Mảnh của mình là rất khó, không phù hợp. Sau rất nhiều trăn trở, suy nghĩ, tìm hiểu, tôi nhận thấy cây quế là một loại cây thích hợp với thời tiết, khí hậu, đất đai thổ nhưỡng của địa phương.
Với diện tích quế sẵn có từ trước của gia đình khoảng 2 ha, tôi đã mạnh dạn trồng thêm trên 5 ha quế, từ cây quế đã giúp gia đình có một khoản thu nhập tương đối ổn định, xóa được đói, giảm được nghèo” - A Trừ kể chuyện "duyên phận” với cây quế trên đất Làng Mảnh.
Trừ làm, rồi vận động bà con làm. Thấy Trừ trồng quế có tiền, lại được Trừ thường xuyên vận động, hướng dẫn, những người trẻ như Giàng A Chảo hay cao tuổi hơn như ông Hờ A Lâu, Giàng A Sen… cũng theo đó mà trồng quế trên diện tích những cây trồng kém hiệu quả.
Anh Hờ A Trừ là người tiên phong làm ruộng nước ở Làng Mảnh.
"Gia đình nào chưa biết mua cây giống ở đâu, chưa biết kỹ thuật trồng, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tỉa cành cho quế thì tôi và những người đi trước đều chỉ bảo nhiệt tình với mục đích cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo” - A Trừ sẻ chia về mục đích duy nhất đó. Đến giờ, Làng Mảnh đã phát triển được 35 ha quế. Nhưng để vận động được người dân trồng quế cũng là để cho chính gia đình mình chờ được đến ngày cây quế trở thành cây "làm giàu”, Hờ A Trừ đã sớm tính chuyện "lấy ngắn nuôi dài”.
A Trừ tính rõ: "Cây quế là một cây dài ngày, thời gian từ lúc bắt đầu trồng đến lúc có được sản phẩm thu được từ cành, lá cũng phải mất 4 - 5 năm, được thu hoạch chính cũng phải 15 - 20 năm, khi đó mới thành cây làm giàu. Trong khi đó, người Làng Mảnh không có thu nhập nào khác để có tiền mua gạo ăn hàng ngày ngoài trông vào việc trồng lúa. Nhưng người Làng Mảnh lúc bấy giờ hầu như chỉ biết làm lúa nương, mà làm lúa nương thì tốn công sức nhiều nhưng thu hoạch chả được là bao. Tôi bàn với các đồng chí đảng viên trong Chi bộ và xác định việc có đủ gạo ăn là việc cần làm đầu tiên để xóa đói cho người dân, phải làm cho người dân no bụng mới bàn đến việc giảm nghèo, làm giàu”.
Do đó, cùng với tuyên truyền các hộ trong thôn phát triển trồng cây quế, A Trừ đã quyết tâm vận động gia đình, anh em họ hàng trong dòng tộc, người dân trong thôn khai hoang, khai phá các khu đất trống; đồng thời, chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả sang làm ruộng nước vừa giữ được nguồn nước sạch để dùng trong sinh hoạt vừa phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp, mang lại năng suất, hiệu quả cao hơn so với việc trồng lúa nương, bảo đảm đủ gạo ăn, kỳ giáp hạt không phải xin hỗ trợ cứu đói của huyện.
Đến nay, các gia đình ở Làng Mảnh đều có ruộng nước, mỗi hộ có từ 800 đến trên 1.500 m2 lúa nước, có hộ khai phá đến 0,5 ha, không còn hộ thiếu gạo ăn. Từ việc có đến 50% số hộ nghèo trong thôn phải đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói thời điểm giáp hạt những năm trước, giờ đây chỉ còn những hộ neo đơn, không có sức lao động mới phải Nhà nước hỗ trợ. Đó là một đổi thay lớn ở Làng Mảnh!
Nhưng để có được 800 - 1.500 m2 lúa nước mỗi hộ như bây giờ cũng chính là Hờ A Trừ tiên phong gương mẫu đi trước, làm trước. Ngày gia đình Trừ cấy ruộng nước, mua phân chăm lúa, nhiều người bàn ra tán vào rằng tập quán người Mông bao đời nay là làm lúa nương, rằng đất này sao mà làm được ruộng nước...
Với A Trừ, chưa rõ ruộng nước kết quả ra sao, nguyên chuyện làm lúa nương mất bao công chăm sóc, cả năm được một vụ, cho được vài ba bao thóc chả thể đủ ăn, đói là chuyện đương nhiên, thế thì phải thay đổi chứ! Vụ ruộng nước đầu tiên, rồi vụ hai, vụ ba đã cho câu trả lời rõ ràng. "Ruộng nước chỉ vài tháng một vụ, cho thu vài chục bao thóc. Gia đình mình chỉ cần làm một vụ là dư thóc ăn. Mình có thêm thời gian chăm sóc cây trồng khác” - A Trừ kể. Vậy là, dân theo Trừ làm ruộng nước.
Năm 2017, được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Làng Mảnh, A Trừ càng ý thức rõ trách nhiệm với Chi bộ, với nhân dân. Bí thư Chi bộ Hờ A Trừ bày tỏ: "Tôi luôn nghĩ với cương vị là một người đứng đầu Chi bộ, mình phải nói đi đôi với làm; luôn sát sao, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; phải nỗ lực hơn nữa trong việc lãnh đạo Chi bộ và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Toàn Chi bộ hiện nay có 16 đồng chí đảng viên. Chi bộ đã phân công cụ thể cho từng đảng viên phụ trách các hộ dân, làm tốt công tác tuyên truyền người dân trồng cây lâm nghiệp. Hiện, ngoài 35 ha quế, toàn thôn còn trồng chè Shan tuyết 20 ha, trồng măng sặt 5 ha, cây sa nhân 15 ha.
Cùng đó, Chi bộ chỉ đạo các đảng viên và đoàn thể tích cực tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước; không để Làng Mảnh tiếp diễn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và đặc biệt là tuyên truyền cho người dân quan tâm việc học của con em, coi việc đầu tư cho con em học hành là một nhiệm vụ góp phần vào xây dựng và phát triển thôn Làng Mảnh ngày một tiến bộ”.
Trẻ tuổi mà sao A Trừ đã có thể làm được những điều trước kia ở Làng Mảnh chưa ai làm được? Sẻ chia về điều này, A Trừ bảo: "Ngay từ khi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, mặc dù còn trẻ, lại đang đi học, nhưng bản thân tôi luôn tâm niệm mình là người của Đảng nên phải không ngừng suy nghĩ làm thế nào để xứng đáng là người đảng viên, làm tròn nhiệm vụ người đảng viên; đồng thời, tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, là đảng viên rồi phải gương mẫu, tiên phong trong các hoạt động của địa phương”.
Rất nhiều khó khăn, thử thách mà đảng viên trẻ, Bí thư Chi bộ Hờ A Trừ đã đi qua để cùng Chi bộ và dân Làng Mảnh bước đến cuộc sống hôm nay. Đó chắc chắn là nhờ tinh thần trách nhiệm với Chi bộ, với nhân dân của người Bí thư Chi bộ Làng Mảnh và còn nhờ cả ý chí vượt khó trong người thanh niên Hờ A Trừ, như cái cách Trừ từng vượt khó từ ngày còn đi học. 10 tuổi, A Trừ mới được gia đình cho đi học lớp 1 tại xã Nậm Mười.
Nhà cách trường 15 km, chủ yếu đi bộ vượt rừng, ở trọ để học lên được bậc trung học phổ thông tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Văn Chấn và được kết nạp Đảng khi học lớp 12. Không ngừng nỗ lực, A Trừ còn học trung cấp chuyên ngành công tác xã hội tại Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, rồi học trung cấp lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh.
"Mình đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân là luôn rất cần thiết” - Hờ A Trừ tư duy như thế!
Làng Mảnh hôm nay vẫn còn những khó khăn vượt quá sức có thể làm của người dân mà Bí thư Chi bộ Hờ A Trừ luôn đau đáu, là chuyện chưa có đường ô tô đến thôn, chưa có điện lưới quốc gia… 9 km từ Làng Mảnh đến Giàng Pằng, Hờ A Trừ cùng dân Làng Mảnh nỗ lực cũng chỉ có thể bê tông hóa được đôi cây. Thế nên, trước mắt, Hờ A Trừ mong, dân Làng Mảnh mong 7 km đường đất trong 9 km đó được bê tông hóa trong một ngày không xa, để Làng Mảnh còn có thể "đi xa” hơn nữa trong hành trình đổi thay, ngày một ấm no, hạnh phúc!
Thu Hạnh