Từ lâu, chàng thanh niên Lâm Văn Huỳnh đã ấp ủ giấc mơ làm giàu từ chính nơi mình sinh ra và lớn lên. Là một thanh niên năng động, dám nghĩ, dám làm, sau khi đi học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế của địa phương, năm 2019, anh biết đến chăn nuôi dúi nhờ tình cờ xem được chương trình trên truyền hình. Nhận thấy mô hình phát triển kinh tế này không quá khó, ít tốn kém mà đem lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn thức ăn có thể tận dụng tại địa phương, Huỳnh đã quyết định quyết định đầu tư và tìm hiểu dần.
Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa có kỹ thuật nuôi, Huỳnh gặp không ít khó khăn và từng có ý định bỏ cuộc. Nhưng với khát khao lập thân, lập nghiệp, ý chí và bản lĩnh, anh đã nỗ lực vượt qua những khó khăn ban đầu. Đặc biệt, năm 2021, qua sự kết nối, tư vấn của tổ chức Đoàn thanh niên, Lâm Văn Huỳnh đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, từ 4 con ban đầu lên gần 200 con.
"Nuôi dúi không khó, nếu tìm hiểu rõ đặc tính của chúng để chăm sóc thì chúng phát triển và sinh sản tốt. Bên cạnh đó, thức ăn hoàn toàn đơn giản phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên không tốn kém” – Lâm Văn Huỳnh chia sẻ.
Tuy nhiên, khi nuôi dúi cần chú ý đến thức ăn của dúi, đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong kỹ thuật chăn nuôi dúi. Thức ăn cho dúi vô cùng đa dạng, tuy nhiên để đảm bảo cho tiêu hóa cũng như để dúi phát triển tốt, nên cho dúi ăn thân mía, tre, trúc, nứa, bánh tẻ, bông lau, măng,… Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các loại thức ăn dinh dưỡng khác cho dúi như ngô, khoai, sắn,… Đặc biệt, tuyệt đối không được cho dúi ăn các loại cỏ như cỏ voi, cỏ ghi-lê vì các loại cỏ này có hại cho hệ tiêu hóa của dúi.
Đặc biệt, khẩu phần ăn của dúi cũng rất quan trong. Ví dụ dúi từ 2-3 tháng tuổi ngoài ăn một lượng rau rau củ quả nhỏ vẫn phải bổ sung thức ăn hỗn hợp và một chút tinh bột như thóc, bắp, đậu các loại. Khi dúi được 3-6 tháng tuổi, tăng lượng rau củ quả, thức ăn tinh bột cũng tăng thêm và cho dúi ăn thêm các loại dầu từ hạt lạc, cùi dừa. Khi dúi trưởng thành, thì lượng rau củ quả tối đa từ 250g-350gam, thêm thức ăn tinh bột vào bữa chính và các loại thức ăn từ các hạt có dầu để dúi đảm bảo cân nặng và chất lượng thịt thơm ngon hơn.
Bên cạnh đó, để phòng bệnh trên dúi, chuồng trại nuôi dúi phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Con dúi là động vật hoang dã mới được thuần hóa trong những năm gần đây, sức đề kháng mạnh vì thế nên ít mắc dịch bệnh.
Đặc biệt, nếu dúi sinh sản thì càng chú ý vệ sinh chuồng trại, thức ăn và cho thêm rơm, hoặc rác mềm vào để dúi cái bện tổ nuôi con. Khoảng một tháng sau khi ghép đôi thành công dúi mẹ sẽ sinh sản.
Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 3 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con. Mỗi con non từ khi sinh ra khoảng 2 - 3 tháng, có trọng lượng từ 4-500 gram, bán từ 8 đến 1 triệu đồng/cặp con giống. Những con dúi thương phẩm sau 6 - 7 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg. Việc tiêu thụ cũng khá thuận lợi vì người mua đến tận nơi để mua dúi thịt với giá dao động 600.000 đến 800.000 đồng/kg. Giá cả như thời điểm hiện tại cho thu nhập của gia đình anh Huỳnh ổn định hơn 100 triệu đồng/năm.
"Hiện, nhiều thực khách khắp nơi rất ưa thích món thực phẩm được chế biến từ dúi, nên các nhà hàng trong và ngoài tỉnh đều đăng ký đặt hàng thường xuyên. Nguồn thu cũng vì thế mà cũng tăng lên theo số lượng và nhu cầu của thực khách" – Huỳnh cho biết thêm.
Mô hình nuôi dúi của Huỳnh đã đem lại hiệu quả khả quan, mang lại nguồn thu nhập tốt. Không chỉ phát triển kinh tế cho chính mình mà với tinh thần cởi mở, Huỳnh luôn tích cực hướng dẫn, giúp đỡ nhiều gia đình trong thôn, đặc biệt là đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn muốn học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi để cùng nhau nhân rộng mô hình.
Anh Lý Ton Sỹ - Bí thư đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Ngòi A huyện Văn Yên thông tin: "Mô hình nuôi dúi của đoàn viên Huynh tuy mới đi vào hoạt động nhưng phát triển rất nhanh, bước đầu đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Đây cũng là một điển hình đoàn viên trẻ làm kinh tế được đông đảo đoàn viên trong xã học tập, làm theo”.
Thủy Thanh