YênBái - Chị Nguyễn Thị Hoa - hội viên Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố Đồng Phú, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái được biết đến là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, luôn nhiệt tình trong mọi công việc, đồng thời là một điển hình trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
|
Mô hình chăn nuôi lợn thịt của chị Nguyễn Thị Hoa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm.
|
Cũng như bao người phụ nữ khác, khi mới lập gia đình, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa ở Tổ dân phố Đồng Phú, phường Nam Cường gặp rất nhiều khó khăn do không có thu nhập ổn định. Nhưng với bản tính chăm chỉ, chịu khó, vừa làm vừa tích luỹ kinh nghiệm, sau khi có chút vốn liếng, vợ chồng chị quyết tâm đầu tư nuôi lợn thịt để phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Chị Hoa chia sẻ: "Ban đầu tôi cũng chỉ đầu tư chuồng trại, chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô đàn khoảng chục con lợn. Vừa làm vừa tự học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, tivi, cũng được Hội Phụ nữ phường tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn nên mô hình bước đầu cũng đem lại hiệu quả. Đến nay, chuồng trại cũng đã được quy hoạch đầu tư bài bản, đúng kỹ thuật hơn, đảm bảo vệ sinh môi trường với khu vực nuôi lợn riêng biệt, mật độ trung bình chỉ khoảng ba đầu lợn/ô”.
Với kinh nghiệm của bản thân và qua tìm hiểu nhu cầu thị trường, chị Hoa đã lựa chọn nuôi hai giống lợn là giống lợn rừng và giống lợn Lục Yên với đặc tính có sức đề kháng cao với môi trường, hạn chế nhiễm dịch bệnh. Chị Hoa cũng tận dụng rau cỏ sẵn có xung quanh nhà để làm thức ăn chính cho đàn vật nuôi, vừa giảm được chi phí chăn nuôi lại giảm nỗi lo về nguồn gây bệnh. Đến nay, mô hình chăn nuôi của chị Hoa đang duy trì khoảng 70 con lợn trong có 7 con lợn nái, 35 con lợn rừng, gần 30 con lợn mán với giá bán ra thị trường là 120 nghìn đồng/kg thịt hơi.
Chia sẻ về phương pháp chăn nuôi, chị Hoa cho biết: "Để đàn vật nuôi khỏe mạnh, gia đình tôi chú trọng vệ sinh chuồng trại, đặc biệt là phát triển chăn nuôi song song với việc đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhờ nuôi lợn từ nguồn thức ăn sạch nên việc tiêu thụ của gia đình luôn thuận lợi, giá trị cao. Trung bình một năm sau khi trừ chi phí, mô hình mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng”. Ngoài chăn nuôi lợn, chị Hoa tận dụng diện tích đất sẵn có của gia đình để nuôi gà đen, trồng 100 gốc bưởi da xanh, bưởi diễn, 150 gốc đào cảnh và 3 ha rừng keo… Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình chị Hoa có nguồn thu trên 200 triệu đồng.
Chị Đinh Thị Hảo - Chủ tịch Hội Phụ nữ Phường Nam Cường cho biết: "Với nỗ lực vươn lên, nhiều năm qua, gia đình chị Hoa luôn là một trong những hộ phụ nữ tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Lựa chọn ngành nghề để phát triển kinh tế tuy không mới nhưng chị Hoa có được sự thay đổi trong tư duy, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó mà nuôi con gì, trồng cây gì đều gặt hái những thành công. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Hoa và các thành viên trong gia đình còn thường xuyên hướng dẫn, phổ biến kiến thức sản xuất, hỗ trợ giúp đỡ các hộ khó khăn tại địa phương vươn lên thoát nghèo…”.
Hiệu quả kinh tế từ mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình mà còn là động lực để nhiều hội viên phụ nữ và người dân trong xã học tập và làm theo, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Thu Trang
Tags
gương phụ nữ
phát triển kinh tế
phường Nam Cường
thành phố Yên Bái
chị Hoa
làm kinh tế giỏi
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, trở về quê nhà sau chiến tranh, ông Nguyễn Trọng An, thương binh 4/4 ở thôn Cao 2, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn đã vượt lên nỗi đau thương tật, tích cực phát triển kinh tế xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Đó là thầy giáo Lại Thế Anh - giáo viên Toán, Khoa học tự nhiên (KHTN) của Trường THCS thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên. Điều đáng ghi nhận ở thầy chính là việc thúc đẩy giáo dục STEM trong trường học, truyền cảm hứng sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) cho học sinh trong những ứng dụng thực tiễn rút ra ngay từ bài học.
Bà Lương Thị Hạnh - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ 9, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình không chỉ nhiệt tình, gương mẫu trong công tác Hội mà còn là “đầu tàu” trong phát triển kinh tế địa phương, cùng hội viên xây dựng Chi hội vững mạnh.
Người đàn ông đó là ông Kiềng Văn Dương, ở thôn An Thịnh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên đã dũng cảm bơi thuyền, vượt nước lũ, cứu thoát 2 em nhỏ bị đuối nước.