Nghĩa Lộ: Ông Phạm Văn Minh với mô hình nhãn quả muộn

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/9/2024 | 2:38:12 PM

YênBái - Mạnh dạn trồng giống nhãn quả muộn, ông Phạm Văn Minh ở thôn 9, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu thành công trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Phạm Văn Minh (bên trái) giới thiệu vườn nhãn ra quả muộn của gia đình.
Ông Phạm Văn Minh (bên trái) giới thiệu vườn nhãn ra quả muộn của gia đình.

Đến thăm gia đình ông Phạm Văn Minh những ngày đầu tháng 9, chúng tôi đi thăm vườn nhãn chín muộn của gia đình, giữa những hàng cây thẳng tắp, với những chùm nhãn chín mọng, trĩu quả. Ông Minh tự hào khoe: "Vụ nhãn năm nay, gia đình tôi thắng lớn, nhãn sai quả, được giá. Vườn nhãn nhà tôi ra quả muộn nên lại càng được giá hơn. Không phải tự dưng tôi có được như này đâu, có bí quyết cả đấy!”. 

Với tay hái một chùm nhãn chín mọng mời chúng tôi, ông Minh tủm tỉm cười chia sẻ chuyện làm ăn của gia đình. Vợ chồng ông đều sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xã Nghĩa Lộ này, nơi đây cây chè được nhân dân trồng phổ biến để phát triển kinh tế. Toàn bộ diện tích đất sản xuất của gia đình ông cũng trồng chè. Tuy nhiên, gắn bó với cây chè quanh năm suốt tháng mà cuộc sống gia đình vẫn không dư dả là bao. Do vậy, ông luôn trăn trở suy nghĩ muốn dựa trên lợi thế đất đai rộng rãi của gia đình tìm một loại cây phù hợp để chuyển đổi cơ cấu, làm giàu. 

Đang loay hoay tìm hướng làm ăn thì cây nhãn đến với ông Minh như một cơ duyên. Một lần đến nhà người bạn cùng xã chơi, ông bất ngờ khi thấy những cây nhãn trong vùng đều đã chín, thu hoạch xong từ lâu mà cây nhãn ở góc vườn nhà người bạn lại mới bắt đầu đến vụ thu hoạch. Hỏi ra được biết đó là giống nhãn ra quả muộn bạn ông trồng thử nghiệm. 

Trong đầu ông chợt lóe lên suy nghĩ: có lẽ đây chính là giống cây trồng mình vẫn tìm bấy lâu nay. Về nhà, ông tìm hiểu thêm về giống nhãn này trên mạng Internet, trên sách, báo. Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương phù hợp, giống cây này sẽ là cơ hội giúp cho gia đình, ông đã bàn với vợ mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng chè của gia đình sang trồng nhãn.

Ông Minh bảo: "Tôi tính toán, nếu nhãn ra quả muộn hơn so với nhãn bình thường thì sẽ rất được giá dù vụ nhãn ấy giá có cao hay thấp. Vì vậy, tôi không trồng thử nghiệm như nhà người bạn mà chặt bỏ toàn bộ cây chè thay thế bằng giống nhãn ra quả muộn. Họ hàng, bà con trong xóm ai cũng bảo gia đình tôi liều quá, nhỡ không thành công thì sao, nhưng tôi không nhụt chí, cơ hội đến mình phải đi trước đón đầu”. 

Vừa trồng, vừa nghiên cứu, ông Minh biết điều quan trọng nhất để có một vụ mùa thắng lợi là phải bảo đảm kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước kết hợp hài hòa với nhau. Ông Minh bảo, cách bón tốt nhất theo khuyến cáo là xới đất theo tán cây, rắc đều phân xuống rồi lấp đất lại để dinh dưỡng ngấm xuống đất dần dần. 

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi, chịu khó nghiên cứu để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc mà vườn nhãn của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh, đem lại cho gia đình ông những mùa quả ngọt. Nâng niu từng chùm nhãn, khuôn mặt ánh lên niềm hạnh phúc, ông Minh chia sẻ thêm, với giá cả dao động khoảng 40.000 đồng/kg như năm nay thì 300m2 nhãn của gia đình ông cho nguồn thu gần 300 triệu đồng. Với số tiền này, ông dự tính để một phần sửa sang lại nhà cửa, còn lại là thêm vào khoản tích lũy sau này cho hai vợ chồng khi tuổi già.

Nói về ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Lộ Bùi Đức Thắng khẳng định: "Ông Minh xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Câu chuyện đi đúng hướng, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông Minh là động lực để các hộ nông dân khác không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng một cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Minh còn rất năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương, luôn sẵn sàng chia sẻ cách làm kinh tế với những hộ nông dân khác trên địa bàn”.

Lê Thương

Tags Nghĩa Lộ mô hình nhãn quả muộn

Các tin khác
Cựu chiến binh Vũ Minh Thuấn (bên phải) giới thiệu quy trình sản xuất nước tinh khiết.

Xuất thân từ sĩ quan chỉ huy kỹ thuật ô tô, Trường Lái xe Quân khu 2, nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Minh Thuấn ở xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ là chủ cơ sở sản xuất nước tinh khiết và sản phẩm đũa, tăm tre, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 10 con em CCB, cựu quân nhân cùng hàng chục lao động thời vụ.

Lần theo tiếng kêu cứu của người dân bị kẹt trong nước lớn, anh em trong các CLB đã nỗ lực để đưa người dân ra khỏi vùng lũ đến trú ẩn ở nơi an toàn trong những ngày mưa bão.

Trước hình ảnh chấp chới những cánh tay kêu cứu, những thân người nửa chìm nửa nổi, những gương mặt hoảng sợ, thất thần của những người đang bị mắc kẹt khi nước lũ bao vây, 80 anh em trong Câu lạc bộ (CLB) thể thao nước hồ Thác Bà và đội xuồng hơi CLB xe ô tô bán tải địa hình Việt Nam đã lao đi trong nước xiết để cứu giúp hơn 3.000 người dân trong vùng ngập lụt tại thành phố Yên Bái) và huyện Yên Bình đến nơi an toàn.

Từ sự chung tay cộng đồng, hàng vạn suất ăn “0 đồng” đã được đưa đến tay người dân vùng ngập lụt và lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Trong ảnh: Bếp ăn “0 đồng” tại Nhà hàng Hải sản Thủy Cường (thành phố Yên Bái).

Tỉnh Yên Bái đang trải qua một khoảng thời gian rất khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3. Song chính lúc đó, tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào lại được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Hàng ngàn tấm gương dũng cảm, không quản hiểm nguy lao vào dòng nước lũ; hàng ngàn nhà hảo tâm nhiệt tình đóng góp sức người, sức của để hỗ trợ, sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh cùng nhân dân vượt qua khó khăn.

Chị Bàn Thị Khách chăm sóc từng cây quế.

Làm mẹ đơn thân của cậu con trai 11 tuổi, có một căn nhà nhỏ làm nơi che mưa nắng, có một chiếc xe máy làm phương tiện đi lại, có ít đồi rừng để làm sinh kế và nhất là biết chữ, tiếng phổ thông - ngần ấy “gia sản” ở tuổi 31, với Bàn Thị Khách - người phụ nữ dân tộc Dao ở khu Làng Mới, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn là cả một hành trình dài của nỗ lực vượt khó, đặc biệt là vượt qua nhiều định kiến giới vốn ăn sâu, bám rễ nơi bản làng vùng cao này mà có được. Cuộc sống giản đơn như thế thôi mà với Khách đã là một niềm hạnh phúc đong đầy, qua cả thanh xuân tủi hờn trong nước mắt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục