Ký ức của Khách những ngày thơ bé chỉ là một màu đen đặc của hủ tục vây quanh. Là chị của 2 đứa em, một trai, một gái, Khách đã sớm khổ cực từ tấm bé. Đến giờ, nhắc chuyện những ngày ấu thơ xưa xửa, lời kể của chị vẫn lẫn trong nước mắt chát mặn: "Bố cứ say rượu là mắng vợ, chửi con, thậm chí là không ít lần dùng bạo lực. Mẹ thì cam chịu, nhẫn nhịn. Mình chỉ biết khóc. Nhưng khổ nhất là không được đến trường, trong khi nhà mình khi đó chỉ cách trường học vài bước chân”.
Sâu trong tâm khảm của Khách, chị chẳng bao giờ quên được câu nói của người cha: "Con gái thì không cần đi học, cứ ở nhà, thêu thùa, làm nương rẫy là khắc lấy được chồng giàu”.
Khát khao được đến trường trong cô bé Khách lớn bao nhiêu thì bị người cha dập tắt bấy nhiêu. Cô bé Khách là 1 trong hai đứa trẻ của cái bản đó không được đi học lúc bấy giờ.
Không được đi học, Khách đã phải sớm trông nom em. Lúc không phải trông em nữa thì đi chăn trâu. "Chưa đến 10 tuổi, đã phải đi chăn trâu. Cơn đói triền miên nên người mình bé nhỏ lắm mà ngày nào cũng lẽo đẽo dắt trâu đi chăn ở khu ruộng, nương của nhà, cách nhà tầm 3, 4 cây số. Sau em trai lớn hơn thì hai chị em cùng nhau chăn trâu. Trâu đi chăn là phải đi cả ngày, hai chị em sáng ăn được tí cơm xong là đi đến tối về mới có cơm ăn. Lúc nào cũng đói lắm. Một lần, đi chăn con trâu có chửa, sau khi cho ăn xong thì buộc vào một chỗ, chẳng ngờ con trâu lại sinh con lúc đó, con trâu mới sinh bị rơi xuống vực. Hai chị em lúc đó sợ hãi vô cùng.
Bố đánh và bảo: "Trâu mà chết thì đừng trách tao”. May sao, cuối cùng con trâu con cũng vẫn còn sống” - lời kể của Khách vẫn cay xè nước mắt. Ký ức tủi hờn, cơ cực đã quá hằn sâu trong tâm trí! Những ngày không theo đuôi trâu, thì cô bé Khách lại theo bố mẹ làm nương đồi. "Chân đất leo đồi nương, tay tra ngô, cắt lúa; vai gùi bầu cây thông. Khách bảo, chân bị rách, bị ngứa nhiều lắm. Vai tím bầm vì gùi bầu thông đi trồng. Hai mẹ con mà làm chậm là bị bố mắng” - Khách kể.
Thương mình, Khách cũng thương cả cậu em trai. "Em trai giáp mình bố cũng không cho đi học. Bố bắt em trai học chữ của người Dao. Có mỗi em gái út là bố cho đến trường” - Khách kể.
Ngôi nhà cấp bốn tự tay gây dựng của chị Bàn Thị Khách.
Trong bao tủi hờn suốt năm tháng tuổi thơ, nỗi tủi hờn lớn nhất với Khách là mù chữ. Tầm 13, 14 tuổi, thậm chí tiếng phổ thông Khách cũng chỉ bập bõm. Những thiệt thòi đó ghìm Khách lại trong nỗ lực vươn lên. Khách vẫn nhớ rõ: "14 tuổi, mình theo chú đi làm phụ hồ ở Hà Nội. Tiếng Kinh không được bao nhiêu. Khi làm ở trên tầng cao, người ta sai mình đi lấy một thứ gì đó ở bên dưới nhưng lúc đó mình không biết nhiều tiếng Kinh, không hiểu là cần lấy cái gì, xuống đến phía dưới, không biết phải làm thế nào, cứ đứng đó cả tiếng đồng hồ, đi lên tay không, bị họ nói xối xả. Làm được 7 ngày thì họ đuổi về.
15 tuổi, mình lấy tiền bóc chít, bán măng mua hồ sơ, nhờ người làm hồ sơ để đi làm công nhân ở Bắc Ninh nhưng cũng không được nhận vì không biết chữ”. Nhắc lại những năm tháng đó, trong chị vẫn như nguyên nỗi bất lực ngày nào.
Khát khao học cái chữ cũng vì thế mà quyết liệt trong lòng Khách. Lấy vở của em gái út, nhờ em chỉ bảo, mày mò học từng chữ cái, Khách dần vỡ vạc từng từ, từng chữ. Khách bảo rằng không hiểu sao mà thấy mình học rất nhanh. Rồi khi đó, bố có cái điện thoại đen trắng, Khách hay lấy để tập soạn tin. Từng con chữ, theo cách riêng của mình, đã dần ngấm vào người Khách. Biết chữ, hiểu tiếng phổ thông, Khách có được sự tự tin trước giờ hằng mơ ước.
Nhưng nỗi tủi hờn này đi qua thì nỗi tủi hờn khác lại tìm đến. 19 tuổi, cái ngày chỉ còn ít bữa là đến ngày Khách cưới chồng cũng là lúc chị phát hiện chồng sắp cưới qua lại với người bạn gái thân nhất của mình. Nỗi đau nhân đôi nhưng người phụ nữ ấy cũng vẫn mạnh mẽ quyết từ bỏ người đàn ông phản bội mình. Khi phát hiện một mầm sống đang hình thành trong cơ thể, Khách đối diện với định kiến xã hội rõ rệt ăn sâu ở bản làng.
Bố của Khách không ngại buông những lời cay nghiệt ra bắt Khách bỏ đứa con trong bụng, bởi cả bản này trước giờ chưa ai từng thế. Khách nhẫn nhục từng phút giây để ngày qua ngày bảo vệ đứa con trong bụng.
"Ngày sinh con, cơn vượt cạn khiến Khách vật vã hết một đêm nhưng bố Khách không cho người nhà được phép đưa đến trạm y tế, cũng không cho gọi người đến giúp. Có lẽ trời vẫn thương nên cuối cùng vẫn cho mình mẹ tròn con vuông” - giọt nước mắt lại ầng ậc trào ra từ đáy mắt người phụ nữ quá nhiều khổ đau ấy khi nhớ lại những phút giây vượt cạn sinh tử và đớn đau cả thể chất, tinh thần.
Vẫn không chấp nhận mẹ con Khách, bố Khách không cho hai mẹ con ở trong nhà. Một cái chòi vô cùng tạm bợ dựng lên sau nhà cho Khách ở đó với đứa con đỏ hỏn, cho đến tận cái đêm mưa gió bão bùng tầm 1 tuần sau đó thổi bung cái chòi, Khách mới được đưa con vào nhà sau sự van xin của mẹ Khách với bố.
Người mẹ đơn thân vùng cao nhẫn nhục trước những dè bỉu của người đời, chịu khó làm lụng tất cả những công việc có thể nơi vùng cao này để nuôi con thơ bé. Ngày được bố chia cho một ít đồi rừng, Khách quyết chí gây dựng cho hai mẹ con một cuộc sống riêng. Vừa không nề hà bất cứ công việc làm thuê nào vừa cần mẫn tự tay trồng từng bầu quế, đến giờ, Khách có cho mình đồi quế với gần 2.400 cây quế.
Thứ tài sản đầu tiên có giá trị mà Khách sắm được cho mình là chiếc xe máy tay ga trị giá 27 triệu đồng mà chị một mình đi ra tận thành phố Yên Bái để mua, là một chiếc xe cũ mà chị đã năn nỉ người ta để lại cho mình. Bây giờ, mẹ con Khách đã có một ngôi nhà cấp 4 nho nhỏ ở khu Làng Mới, là nỗ lực gom góp từ tiền làm thuê, tiền bán quế, tiền vay mượn và quan trọng nhất là từ quyết chí làm chủ cuộc đời mình, làm chỗ dựa cho con của người phụ nữ vùng cao nhiều thiệt thòi ấy.
Hôm nay, trên khuôn mặt nâu sạm vì mưu sinh trong mưa nắng vùng cao, người phụ nữ ấy đã thêu đôi chân mày cho thêm phần sắc nét, cho nét mặt thêm phần tươi mới. Dẫu vất vả vẫn sẽ còn nhiều nhưng tủi hờn đã lùi lại. Chị tự nhủ với lòng sẽ không bao giờ dừng lại nỗ lực để có thể tự tay tiếp tục "thêu” nên những nét tươi mới của cuộc đời, cho mình, cho con!
Thu Hạnh