Trấn Yên với những mô hình truyền cảm hứng giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/12/2024 | 7:51:49 AM

YênBái - Phát huy vai trò của các điển hình tiên tiến trong việc truyền động lực, cảm hứng, năm 2024, huyện Trấn Yên đã triển khai hiệu quả mô hình truyền cảm hứng giảm nghèo giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, khuyết tật không có sinh kế ổn định trên địa bàn nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Nguyễn Thị Chanh ở thôn Bản Chiềng, xã Hồng Ca (người thứ nhất, bên trái) truyền kinh nghiệm nuôi tằm cho các hộ.
Bà Nguyễn Thị Chanh ở thôn Bản Chiềng, xã Hồng Ca (người thứ nhất, bên trái) truyền kinh nghiệm nuôi tằm cho các hộ.

Bươn trải nhiều nghề khác nhau nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Tươm ở thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh vẫn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2012, anh vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để nuôi 5 con lợn nái theo mô hình khép kín. Vừa làm vừa học và thấy có hiệu quả, anh tăng dần số lợn nái. 

Đến nay, gia đình anh Tươm đã có 30 lợn nái, ngoài cung cấp lợn giống thì bình quân mỗi năm xuất bán 600 con lợn thịt, tương đương gần 60 tấn lợn hơi. Gia đình anh đã trở thành hộ khá của xã. Có kinh nghiệm chăn nuôi, năm 2024, anh đăng ký trở thành hộ truyền cảm hứng cho 6 hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo. 

Anh Tươm cho biết: "Muốn giảm nghèo bền vững thì kiến thức là điều quan trọng nhất của người chăn nuôi, trồng trọt hay kinh doanh. Chính vì vậy, tôi đã truyền kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ đồng thời giúp đỡ con giống để mọi người có điều kiện, động lực thoát nghèo”. 

Đến nay, 6 hộ đã tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi của anh Tươm, xây dựng chuồng trại nhận lợn giống về nuôi và đàn lợn phát triển tốt.

Cũng như anh Tươm, bà Nguyễn Thị Chanh ở thôn Bản Chiềng, xã Hồng Ca vốn là hộ nghèo. Cuối năm 2022, sau khi tham khảo mô hình trồng dâu nuôi tằm, bà chuyển đổi 5 sào đất nông nghiệp kém hiệu quả và thuê thêm 7 sào đất soi bãi để trồng dâu nuôi tằm. 

Bà tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc cây dâu, chăn nuôi tằm theo phương pháp mới như: cách phòng bệnh cho tằm, nuôi tằm trên nền nhà, sử dụng né ô vuông thay né tre truyền thống… Năm 2023, gia đình bà Chanh và 3 hộ khác thành lập nhóm chăn nuôi. Bà Chanh đã có 1 ha dâu, thu về 100 triệu đồng/năm từ trồng dâu, nuôi tằm. Có nguồn thu ổn định, cuối năm 2023, gia đình bà tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. 

Bà Chanh đã nhận truyền cảm hứng cho 2 hộ là bà Hà Thị Ngạn mới thoát nghèo và bà Hà Thị Thơm là hộ nghèo đều ở thôn Đồng Đình. Ngoài truyền cảm hứng bằng kinh nghiệm trồng dâu, nuôi tằm, bà Chanh thường xuyên tuyên truyền về sự quyết tâm, phát huy nội lực của gia đình và tìm hiểu kiến thức, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước… để mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập. 

Bà Hà Thị Ngạn cho biết: "Từ những kỹ thuật bà Chanh truyền đạt, gia đình tôi đã áp dụng để chăm sóc tốt ruộng dâu, con tằm được Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ. Năm 2024, thu nhập từ bán kén tằm của gia đình được gần 30 triệu đồng”. 

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng về định hướng giảm nghèo bền vững và Phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, ngay từ đầu năm 2024, huyện Trấn Yên đã chọn 20 mô hình truyền cảm hứng giảm nghèo. Đây cũng là hoạt động thiết thực triển khai Kế hoạch số 24-KH/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 của Huyện ủy Trấn Yên, trong đó tập trung lan tỏa, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Các địa phương đã lựa chọn những mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, mạnh dạn đưa khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, phù hợp với địa phương và bảo đảm phù hợp với những trường hợp nhận truyền cảm hứng. 

Ông Nguyễn Thành Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Để mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, huyện có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân như: tham quan học tập mô hình thực tế, tổ chức các hội nghị tọa đàm, đối thoại, tư vấn trực tiếp, kết nối các đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo với các mô hình, điển hình… Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở, nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và vai trò của người đứng đầu trong triển khai thực hiện mô hình truyền động lực, cảm hứng. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, giúp các đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Mô hình truyền cảm hứng giảm nghèo mới triển khai song đã mang lại hiệu quả thiết thực, Trấn Yên phấn đấu hết năm 2025 có ít nhất 50 hộ xây dựng được kế hoạch phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện thực tế, mang tính khả thi và huy động được các nguồn lực. Qua đó giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, khuyết tật không có sinh kế ổn định nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình được triển khai thí điểm tại 8 xã: Cường Thịnh, Hồng Ca, Lương Thịnh, Việt Cường, Vân Hội, Hưng Khánh, Hưng Thịnh, Y Can với 13 mô hình truyền cảm hứng, 43 trường hợp nhận truyền cảm hứng. Đến nay, mô hình đã nhân rộng tới gần 50% số xã, thị trấn trong huyện, góp phần để năm 2024 Trấn Yên giảm 194 hộ nghèo và 95 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm còn 0,93%.

Minh Huyền

Tags Nguyễn Văn Tươm Trấn Yên truyền cảm hứng thoát nghèo

Các tin khác
Cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông số 3, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh hỗ trợ các đoàn từ thiện và người dân khi thiên tai xảy ra.

Cách đây chưa lâu, cộng đồng mạng đã chia sẻ mạnh mẽ đoạn video clip ghi lại cảnh lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Yên Bái nhiều lần ra tín hiệu dừng xe ô tô trên quốc lộ 70 (đoạn qua huyện Yên Bình) để mời tài xế vào... nghỉ ngơi, ăn cơm!

Từ một thôn nghèo, 100% là đồng bào Mông, đời sống của bà con thôn Khe Ron, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đến nay ngày càng phát triển, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, Khe Ron đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Có được kết quả đó không thể không nhắc tới công lao của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn "8X" Vàng A Sò.

Trần Thị Mai Anh - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, chế biến, thương mại và dịch vụ Nhật Khuê.

Trên hành trình chung sức xây dựng quê hương, không phải lúc nào cũng là những gương mặt nổi bật hay câu chuyện thành công vang dội. Có những con người bình dị mang trong mình một nghị lực phi thường, khát vọng mãnh liệt, lặng lẽ cống hiến cho cộng đồng, góp sức cho quê hương phát triển. Cô gái Trần Thị Mai Anh ở tổ dân phố số 1, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái là một minh chứng điển hình cho sức mạnh của một con người tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại có thể tạo ra những thay đổi bằng sự kiên cường, lòng yêu thương và tinh thần sẻ chia.

Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, các cuộc vận động xã hội tại địa phương. Bà cũng là người tiên phong giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Người mà chúng tôi muốn nói tới ở đây là bà Nguyễn Thị Nguyệt – Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hơn, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục