“Pho sử sống” lưu truyền văn hóa dân tộc

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/5/2025 | 8:42:16 AM

YênBái - Trong xu thế hội nhập và sự phát triển của xã hội hiện nay, việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống có ý nghĩa quan trọng và cũng đặt ra những thách thức. Tuy nhiên, trong dòng phát triển đó vẫn có những con người tâm huyết bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Họ là những “pho sử sống” bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các nghệ nhân, văn nghệ sĩ có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong hoạt động văn học, nghệ thuật.
Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các nghệ nhân, văn nghệ sĩ có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong hoạt động văn học, nghệ thuật.

Chuyện của một nghệ nhân

Sinh năm 1959, ngay từ nhỏ, bà Nông Thị Kiệm, dân tộc Tày ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên đã được nghe những lời hát truyền thống của dân tộc mình từ bà, từ mẹ hay các cụ cao niên trong làng. Những câu hát đó đã dần ngấm vào tiềm thức khiến bà yêu câu hát đó tự bao giờ. Từ tình yêu đó, bà Kiệm đã tìm đến các cụ hiểu biết về văn hóa dân gian dân tộc Tày trong làng để học hỏi. Lớn lên, đi học, bà lại được hỗ trợ thêm từ những nghệ nhân trong huyện qua các đợt tham gia hội diễn. 

Những câu hát khắp Tày, lượn phong slư, lượn bụt, hát ví quan làng, hát then, hát ru "Ứ noọng nòn” dân tộc Tày cứ thấm dần vào bà. Khi xã hội ngày càng phát triển, bà thấy số người hiểu được và hát được các làn điệu dân ca Tày đang dần vơi đi vì lớp trẻ ngày nay hầu như không còn biết tiếng mẹ đẻ. 

Với những trăn trở ấy, bà đã chắt lọc từ những câu chuyện kể, từng câu hát của thế hệ cha ông rồi sắp xếp, biên soạn lại thành từng bài, từng làn điệu hoàn chỉnh nhất. Cứ như vậy, hàng chục năm dày công, tâm huyết của bà đã tạo nên một kho tàng sách về những làn điệu dân ca Tày ngay trong chính ngôi nhà của mình. 

Say sưa lật giở từng cuốn sách, bà Kiệm chia sẻ: "Trong dân gian thì chỉ có lưu truyền với nhau bằng miệng thôi, không có sách vở gì nên mình nghĩ mai mốt sẽ mất đi mà nhiều cụ già, nhiều người tài giỏi về văn hóa người Tày cũng sẽ mất đi. Vì vậy, mình cũng nghĩ phải sưu tầm lại, ghi chép lại để truyền cho con cháu sau này”.

Chính vì lẽ đó mà nghệ nhân Nông Thị Kiệm không chỉ lưu giữ, bảo tồn mà còn trở thành "hạt nhân” truyền dạy hát dân ca Tày cho thế hệ trẻ ở địa phương và Câu lạc bộ Dân ca Tày của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. "Qua lớp truyền dạy của bà Kiệm, mình rất tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc Tày, thêm yêu những câu khắp, lượn phong slư, lượn bụt, hát ví quan làng, hát then, hát ru "Ứ noọng nòn” của dân tộc mình”. 

Lời bài hát đều là những lời hay ý đẹp xoay quanh các chủ đề như tình yêu, quê hương, thiên nhiên và tín ngưỡng. Những làn điệu này không chỉ đơn thuần là những câu chuyện mà còn là những bài học về đạo lý, ứng xử và triết lý sống của người Tày” - chị Hoàng Thị Bài ở xã Mường Lai - học viên của bà Kiệm cho biết. 


Nghệ nhân Nông Thị Kiệm (thứ 3, trái sang) cùng Câu lạc bộ Dân ca Tày, xã Mường Lai, huyện Lục Yên thực hành hát then tại lớp truyền dạy. 

Bằng tâm huyết và ngọn lửa đam mê, hơn 50 năm qua, bà Kiệm đã tham gia thực hành di sản như: hát lượn khắp Tày, hát ví quan làng, hát lượn bụt, hát lượn Khảm Hải, hát then, hát phong slư và thổi sáo trúc. Bà còn sưu tầm, viết kịch bản các lễ hội truyền thống, các nghi lễ cưới, đầy tháng, nhà mới... của dân tộc Tày. 

Ghi nhận những cống hiến của bà, năm 2024, bà Nông Thị Kiệm đã được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Bà cũng giành được nhiều phần thưởng cao quý của Trung ương, tỉnh Yên Bái, huyện Lục Yên như: năm 1976 đạt Huy chương Vàng Hội diễn Nghệ thuật toàn quốc; đạt giải A Hội diễn Nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục các dân tộc huyện Lục Yên các năm 2005, 2007, 2011... 

Phần thưởng lớn nhất đối với bà là vinh dự được biểu diễn thổi sáo trúc tại Đại hội Đảng toàn quốc năm 1976. "Năm 17 tuổi, tôi được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lục Yên tuyển tham gia Hội diễn nghệ thuật toàn quốc và đạt Huy chương Vàng. Vì vậy, chúng tôi được biểu diễn thổi sáo trúc tại Đại hội Đảng toàn quốc, vinh dự và tự hào lắm!” - bà Kiệm xúc động chia sẻ.

Đưa nghị quyết vào cuộc sống

Bà Nông Thị Kiệm là một trong nhiều nghệ nhân của tỉnh Yên Bái luôn phát huy vai trò trong công cuộc gìn giữ và phát triển làn điệu dân ca truyền thống. Cùng với bà Kiệm, phải kể đến Nghệ nhân Ưu tú Nịnh Quang Thanh, dân tộc Cao Lan ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên có trên 41 năm tham gia thực hành di sản văn hóa. Ông đang nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Cao Lan với các điệu múa: Chim gâu, Xúc tép, Tắc sình, Lễ Cấp sắc, Lễ Mừng cơm mới… Năm 2015, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. 

Ông Vì Văn Sang, người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn có trên 53 năm tham gia thực hành di sản văn hóa với các hoạt động bảo tồn, bảo lưu các nét văn hóa truyền thống: nhà truyền thống, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, các lễ hội của dân tộc Khơ Mú như Lễ Cầu mùa, Cầu mưa, trò chơi dân gian… Ông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015.

 Bà Mai Thị Hồng Chắn, dân tộc Tày ở xã Minh Xuân, huyện Lục Yên có 24 năm tham gia thực hành văn hóa phi vật thể, hiện duy trì 2 câu lạc bộ dân ca Tày để lan tỏa văn hóa dân tộc Tày trong trường học. 

Bà đã sưu tầm nhiều bài hát then đàn tính, hát lượn, phong slư, hát coọi… Bà Chắn đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2022... Từ những nghệ nhân, các nét đẹp văn hóa của các dân tộc Yên Bái được bảo tồn, phát triển, ngày càng phong phú như: Nghệ thuật Xòe Thái; hát Khắp coọi, hát then của người Tày; sình ca của dân tộc Cao Lan; Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; múa khèn của người Mông... Trong đó, "Nghệ thuật Xòe Thái” đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Ông Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Yên Bái xác định bản sắc văn hóa là một tài sản hết sức lớn và các nghệ nhân chính là nhân tố cốt lõi để giữ hồn bản sắc văn hóa. Thời gian qua, Sở đã tham mưu cho tỉnh các chính sách về bảo tồn bản sắc văn hóa, trong đó có chính sách thành lập các đội văn nghệ và có nghệ nhân truyền dạy. Các nghệ nhân đã phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa”.

Để hỗ trợ các nghệ nhân truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc, thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, ngành  đã triển khai thành lập nhiều đội văn nghệ, trong đó có nghệ nhân trực tiếp truyền dạy. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 21 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể; có trên 1.500 đội văn nghệ, câu lạc bộ được thành lập, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. 

Nuôi dưỡng "pho sử sống”

Với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, Yên Bái đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân; phát huy giá trị văn hóa, xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Tỉnh cũng đã dành nguồn lực và tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ nghệ nhân ra sức sáng tạo, phát triển và cống hiến vì sự nghiệp phát triển địa phương. 

Vừa qua, Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu, xuất sắc trong hoạt động văn học, nghệ thuật tỉnh Yên Bái 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tạ Văn Long đã ghi nhận, biểu dương và tri ân sâu sắc đối với những nỗ lực cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ những năm qua; khẳng định tầm quan trọng của văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ, trong đó có các nghệ nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí cũng yêu cầu, các cấp ủy, chính quyền các cấp coi trọng việc tạo môi trường và các điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến, phát huy mạnh mẽ vai trò, tiềm năng của đội ngũ văn nghệ sĩ cho sự phát triển của tỉnh.

Theo dòng chảy của thời gian, những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh không bị mai một mà ngày càng được bảo tồn, phát huy nhờ sự đóng góp quan trọng của các "pho sử sống” trong cộng đồng. Đây chính là hành trang, là nền tảng để xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Minh Huyền

Tags Nông Thị Kiệm Nịnh Quang Thanh Mai Thị Hồng Chắn Vì Văn Sang

Các tin khác
Chị Trương Ngọc Hoàng giới thiệu mô hình nuôi tằm của gia đình.

Chị Trương Ngọc Hoàng ở thôn Sài Lương, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên là một trong những thanh niên tiêu biểu phát triển kinh tế nông thôn từ nghề trồng dâu nuôi tằm. Vượt qua khó khăn ban đầu chị đã gây dựng thành công Hợp tác xã (HTX) trồng dâu nuôi tằm xã Tân Đồng tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ dân trong và ngoài địa bàn.

Ở cái tuổi mà người ta thường nói "nghỉ ngơi là chính" thì ông Nguyễn Hữu Thìn – 73 tuổi ở Tổ dân phố số 6, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái lại là người tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số. Với ông Thìn, tiếp cận với công nghệ số không phải để trở thành một chuyên gia công nghệ mà đơn giản ông không muốn bị lạc hậu, muốn tìm hiểu những thông tin bổ ích về sức khỏe, đời sống thông qua “không gian mạng”. Mời quý vị cùng tìm hiểu câu chuyện về ông Nguyễn Hữu Thìn – người tiên phong trong phong trào chuyển đổi số ở Tổ dân phố số 6, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.

Đã 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, mặc dù tuổi đã cao, song ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của người lính trinh sát Đào Mai Xuân. Trong dòng hồi ức ấy không chỉ là những trận đánh cam go, khốc liệt của một thời hoa lửa đầy hào hùng mà ở đó còn là những ký ức hân hoan của ngày toàn thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975.

Em Nguyễn Ngọc Bảo An cùng thầy cô đến thăm, tặng quà cho các cựu chiến binh trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Nhỏ nhắn, xinh xắn, luôn nở nụ cười tươi là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp Nguyễn Ngọc Bảo An, sinh năm 2013. Là cô bé nhanh nhẹn, hoạt bát, ham học hỏi nên Bảo An có trong tay bảng thành tích học tập đáng nể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục