Một gia đình người Mông hiếu học

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Khi ông mặt trời lùi xuống sau những dãy núi cao ngất, nhường lại cả bầu trời Trạm Tấu cho ngàn vạn ngôi sao nhấp nháy thì cũng là lúc ánh điện le lói được thắp lên trong những ngôi nhà trên đỉnh núi ở thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ. Đó cũng là lúc gia đình anh Mùa A Lao chuẩn bị ăn cơm tối.

Không như nhiều gia đình người Mông cùng bản, thường khi ăn xong, những người phụ nữ Mông, không kể trẻ hay già, lo cho công việc của ngày mai mà với nhà anh Lao thì năm đứa con cả gái lẫn trai lại chuẩn bị sách vở để ngày mới đến trường. Chúng chỉ giúp đỡ bố mẹ việc nhà những lúc rỗi rãi và những khi được nghỉ học.

Anh Lao tâm sự: "Trước đây, mình chưa biết làm thế nào để đẻ ít được nên mình đã năm đứa con, trong đó có ba con trai và hai con gái. Với mình, con nào cũng là con, mình đều thương và đối xử công bằng với các con. Mình biết, cuộc đời mình không được đi học là thiệt thòi lắm rồi nên cho tất cả chúng nó đi học để biết cái chữ và còn biết làm giàu, không phải khổ như mình nữa". Đúng như lời anh nói, cậu con trai cả Mùa A Khua năm nay đang theo học cấp III tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Yên Bái đặt tại thị xã Nghĩa Lộ; cậu hai là Mùa A Lử vừa học xong lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Trạm Tấu; cô con gái thứ ba là Mùa Thị Giông và cô tiếp theo Mùa Thị Pàng năm học này là nữ sinh Trường Phổ thông Liên cấp II - III Trạm Tấu; cậu con trai út Mùa A Dình năm nay vào lớp 8 của Trường PTCS xã Xà Hồ.

Cuộc sống của đồng bào Mông còn lắm khó khăn, nhiều em học sinh vì thế đã trở thành lao động chính trong nhà. Song, anh Lao thì khác, anh quan niệm: "Bố mẹ khổ thế nào cũng được nhưng phải cho con đi học, vì có đi học thì cuộc sống của con cháu sau này mới không khổ như ông bà, bố mẹ nó. Nhiều lúc trong nhà hết gạo ăn, mình đành lấy thêm ngô, sắn cho các con ăn thay cơm. Dù trong nhà không có người làm, mình vẫn cố gắng để các con được đi học". Tư tưởng đã thông là làm được, chẳng bao giờ bố Lao lại bắt các con phải nghỉ học để đi làm nương làm rẫy.

Em Mùa Thị Giông, con gái thứ ba của anh Lao tâm sự: "Năm nay, em 18 tuổi rồi. Bằng tuổi của em, các bạn ở bản đã có nhiều người bị bố mẹ giục lấy chồng. Bố mẹ em thì không như thế, bố bảo cứ học xong đi đã. Em thấy bố mẹ khổ rồi nên em cố gắng học, mong sau này có công việc ổn định, còn giúp được bố mẹ". Cũng giống như cô chị, cô em Mùa Thị Pàng đang tuổi trăng tròn. Em nói: "Đi học, em có thêm nhiều bạn bè, có thêm nhiều kiến thức để làm một người tốt, một người có ích cho bản làng". Ngay cả cậu con trai út Mùa A Dình cũng vậy, Dình có đôi mắt sáng và thông minh. Em cho biết: "Dù chơi có vui đến đâu, em cũng không quên việc học". Còn Mùa A Lử thì giãi bày: "Em thi trượt tốt nghiệp, rất buồn. Nhưng năm sau, em sẽ thi tiếp để không phụ công bố mẹ đã vất vả cho em đi học. Và vì em muốn mình có kiến thức để biết cách sống, cách làm việc, không phải vất vả như bố mẹ mà vẫn không bị thiếu đói".

Cả năm người con của anh Lao đều thông thạo tiếng Kinh và ngay từ nhỏ đều đã thích đến trường mà không cần các thầy cô giáo phải vận động. Thầy Nguyễn Văn Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường PTCS xã Xà Hồ, nơi cả năm con của anh Lao đã và đang theo học, kể: "Từ khi các con của gia đình anh Lao đến tuổi đi học, các thầy cô giáo trong Trường không phải mất công đi vận động như các học sinh khác. Vì ngay khi đến tuổi đi học thì anh Lao đã đăng ký cho con mình đến lớp. Cả năm em khi học ở Trường đều rất chăm học, rất hiếm khi các em nghỉ học".

Cuộc sống của gia đình tuy còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng anh Lao cũng đã đi học xóa mù. Chị Mỷ, vợ anh Lao cho biết: "Tôi biết ít chữ nên thiệt thòi rồi, tôi cũng muốn cho các con gái của tôi đi học để biết cách làm một người phụ nữ tốt". Vì tâm huyết với cái chữ nên cả gia đình anh quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đến trường. Gia đình anh Lao cũng được công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Chia tay gia đình anh Mùa A Lao, chúc cho ước mơ của các con anh sớm trở thành hiện thực để bản làng có thêm nhiều trí thức trẻ, để góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, giàu mạnh hơn!

Phương Thùy

Các tin khác

YBĐT - Được sự giới thiệu của đồng chí Hoàng Ngọc Yên - Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Ái, huyện Văn Yên (Yên Bái), chúng tôi tìm đến xưởng chế biến gỗ rừng trồng của gia đình ông Nguyễn Duy Đông, thôn Chăn Nuôi, là một trong số rất nhiều hộ điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.

YBĐT - Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1970, anh thanh niên 18 tuổi Lê Hồng Săn - người dân tộc Cao Lan ở thôn Khuôn Giỏ, xã Tân Hương, huyện Yên Bình (Yên Bái) viết đơn xin đi bộ đội khi người anh trai mới hy sinh trên chiến trường. Lo rằng bố mẹ sẽ không tạo điều kiện cho đi ngay lúc này vì anh trai mới hy sinh nên anh đã giấu bố mẹ tự đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

YBĐT - Nhắc đến anh Sùng A Tỉnh, người dân bản Lềnh, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) không khỏi tự hào về một người con ưu tú, đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở bản làng.

Chị Vàng Thị Chư đang may hàng thổ cẩm.

YBĐT - Đến xã vùng cao Sùng Đô, huyện Văn Chấn (Yên Bái), thấy được cuộc sống no ấm như ngày hôm nay của các chị em hội viên Hội Phụ nữ, chẳng mấy ai được biết trước đây cuộc sống của chị em có muôn vàn khó khăn. Là xã vùng cao, chị em hội viên 100% là người dân tộc Mông, dân trí còn thấp. Thêm vào đó, nhiều gia đình hội viên có người nghiện, đông con, thiếu vốn sản xuất nên càng khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục