Người thầy giáo tiên phong

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Phương pháp giảng dạy ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những bước đột phá của Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên) nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời là một trong những phong trào thi đua của nhà trường thiết thực hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

 Trong đội ngũ cán bộ giáo viên, thầy giáo Phạm Đức Lương là một tấm gương sáng về lòng tận tụy, yêu nghề, tự học và sáng tạo, từng bước đưa công nghệ thông tin vào công việc thường nhật của nhà trường. Thầy được coi như người tiên phong mở đường vào lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn huyện Văn Yên.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cả bố và mẹ là giáo viên, cái tâm của người làm thầy đã được truyền sang Phạm Đức Lương. Anh đã theo học ngành sư phạm tiểu học và trở thành người thầy đứng trên bục giảng. Hằng ngày, giảng bài cho học sinh, thầy Lương nhận ra một điều rằng: muốn trò kính yêu thầy, trước hết thầy phải chinh phục trò bằng kiến thức. Nhận thấy tầm quan trọng của công nghệ thông tin đối với sự phát triển xã hội, năm 1988, thầy Lương là người đầu tiên của huyện Văn Yên theo học chương trình Tin học chứng chỉ A tại Trường Đại học Thái Nguyên.

Từ đó, niềm say mê Tin học đã bùng cháy trong anh. Anh mua sách về tự học và đã sáng tạo được một số phần mềm được đánh giá cao. Năm 2000, phần mềm tập gõ bàn phím ứng dụng trong công tác dạy học của thầy Lương được công nhận là công trình “Chào thế kỷ XXI” của thanh niên Yên Bái. Năm 2003, thầy được nhận bằng khen của Tỉnh Đoàn Yên Bái với thành tích đoạt giải Nhì Hội thi “Tin học khối cán bộ, công chức tỉnh Yên Bái”, giải Ba sáng tạo phần mềm. Năm 2004, thầy đoạt giải khuyến khích cuộc thi thiết kế phần mềm đào tạo Tin học trực tuyến cho thanh niên nông thôn và vùng cao Việt Nam do Trung ương Đoàn, Tạp chí Thanh Niên và Tập đoàn SaraCenter Việt Nam tổ chức.

Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục học đại học sư phạm, chuyên ngành Tin học. Năm 2006, anh chuyển về dạy Tin học tại Trường THPT Chu Văn An. Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn nỗ lực xây dựng hình ảnh mỗi thầy, cô giáo là tấm gương sáng về đạo đức "Trung thành - Gương mẫu - Sáng tạo - Tận tụy".

Phong trào thi đua của nhà trường đã thôi thúc thầy Lương có nhiều sáng kiến, đề xuất tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường đưa tin học vào ứng dụng trong giảng dạy, điều hành, quản lý, nhằm từng bước tin học hóa các khâu đoạn trong hoạt động của nhà trường, đồng thời tạo cho học sinh nguồn cảm hứng. Bằng việc sử dụng máy chiếu đa năng, giảng bài bằng giáo án điện tử, thông qua các hình ảnh minh họa sinh động đã có tác dụng làm bài giảng trở nên gần gũi, thu hút học sinh, giúp các em hiểu bài, tiếp thu bài nhanh hơn cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên.

Để quảng bá hoạt động trên mạng internet và tạo một kênh thông tin mới trong hoạt động dạy và học của nhà trường, thầy Lương và đồng nghiệp đã xây dựng cổng thông tin điện tử. Được giao nhiệm vụ Trưởng ban Quản trị mạng, điều hành toàn bộ hoạt động của website, thầy đã trực tiếp lựa chọn và xây dựng mã nguồn của website, thiết kế tổng thể, bổ sung nhiều mô-đun quan trọng như: hệ thống quản lý thi và báo điểm trên internet, hệ thống đăng ký thành viên tự động, hệ thống góp ý tự động của học sinh và giáo viên đối với nhà trường.

Sự sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin của thầy góp phần tạo dựng cơ sở quan trọng về con người, cơ sở vật chất phục vụ quá trình hiện đại hóa của Trường THPT Chu Văn An. Thầy Bùi Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết: trước khi thầy Lương về Trường giảng dạy, số cán bộ, giáo viên biết Tin học và ứng dụng trong công tác quản lý, giảng dạy chỉ có vài người. Chính thầy Lương đã trực tiếp giảng dạy một khóa Tin học dài hạn cho gần 50 cán bộ, giáo viên trong Trường.

Đến nay, có 100% cán bộ, giáo viên đã được trang bị những kiến thức kỹ năng cơ bản sử dụng máy tính trong soạn bài, thiết kế bài giảng điện tử, trình diễn, truy cập và trao đổi thông tin trên mạng internet. Bản thân thầy Lương đi đầu trong việc soạn bài trên máy tính, thực hiện gần 100% số giờ dạy có ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng thời, thầy cũng là người sáng tạo xây dựng hệ thống đồng bộ ứng dụng Tin học trong công tác tuyển sinh, thi học kỳ, thi tốt nghiệp, cộng điểm, xếp loại học sinh trên máy tính. Để ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn trường, thầy đã thiết kế, hoàn thiện hệ thống mạng nội bộ, kết nối tất cả các máy tính trong nhà trường thành hệ thống đồng bộ nhằm thực hiện việc trao đổi thông tin nội bộ nhanh chóng và hiện đại.

Sau hơn 10 năm giảng dạy Tin học ở các cấp học, thầy giáo Phạm Đức Lương đã đóng góp đáng kể vào công tác phổ cập tin học đối với cán bộ, công chức và học sinh trên địa bàn huyện. Ngoài công tác giảng dạy chính khóa trên lớp, nghiên cứu ứng dụng trong trường, dạy nghề phổ thông, mở lớp cho cán bộ, công nhân viên chức, thầy còn thường xuyên giúp các cơ quan, đơn vị khắc phục các lỗi kỹ thuật của máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn. Gần đây nhất, thầy giúp Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Yên lắp đặt phần mềm gọi số khám bệnh tự động tại Phòng khám, được Sở Y tế Yên Bái đánh giá cao và được nhiều bệnh viện trong tỉnh đến tham quan, học tập.

Hưởng ứng năm học "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin", hiện nay, thầy Lương cùng nhóm bộ môn Tin học và Ban Quản trị mạng tiếp tục duy trì có hiệu quả hoạt động của website; xây dựng hệ thống ngân hàng tư liệu giảng dạy trên Thư viện điện tử, hoàn thiện việc xây dựng Kỷ yếu điện tử của nhà trường trên mạng internet; xây dựng sổ liên lạc điện tử, sổ điểm điện tử, lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống mạng không dây, đồng thời tiếp tục bồi dưỡng cho giáo viên toàn trường để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác ứng dụng tin học, từng bước xây dựng môi trường giáo dục hiện đại.

Sống giản dị, chân thành, luôn vui vẻ, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, yêu nghề là điều dễ nhận thấy ở thầy Lương. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác, thầy Lương và đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường THPT Chu Văn An luôn khắc cốt ghi tâm lời dạy của Người: "Chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ là nhiệm vụ vẻ vang của cách mạng Việt Nam" và "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt".

Hồng Vân

Các tin khác
Chị Quách Thị Hành đang chăm sóc đàn lợn

YBĐT - Hơn ba giờ sáng, cả thôn 6 của xã Minh Quán (Trấn Yên) còn chìm trong giấc ngủ thì chị Quách Thị Hành đã trở giấc, lọ mọ xuống bếp, nhóm lửa chuẩn bị cho mẻ đậu kịp buổi chợ sớm.

Ông Lù đang chăm sóc đàn bò của gia đình.

YBĐT - Theo lời giới thiệu của đồng chí Giàng Sông Tu - Bí thư Đảng uỷ xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả của gia đình ông Sùng A Lù, thôn Tấu dưới, một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế từ cuộc vận động hạ sơn năm 1995.

YBĐT - Đến xã Việt Cường, huyện Trấn Yên (Yên Bái) hỏi tới gia đình lão nông Phan Văn Tý ai cũng biết. Năm nay ông đã bước sang tuổi 70 nhưng vóc dáng trông còn khỏe mạnh. Sinh ra ở miền quê nghèo huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) nhưng di cư lên Yên Bái.

YBĐT - Chi hội nông dân thôn Đầu Cầu, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên (Yên Bái) có anh Nguyễn Minh Trung, hội viên Hội Nông dân xã là một trong những hộ nông dân khá lên từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Với nghề mộc, xẻ mỗi năm gia đình anh có tổng thu nhập 90 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục