Hà Thị Dương - Người phụ nữ Thái giỏi kinh doanh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dưới nhà sàn của vợ chồng anh chị Hà Thị Dương, Lò Văn Xuân ở trên Chao Hạ 1 xã Nghĩa Lợi, (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái), tiếng khung cửi, tiếng máy khâu và máy thêu đều đều. Qua đôi bàn tay khéo kéo của chị em phụ nữ, các hoa văn tinh tế hiện ra những đường nét thật đẹp trên khổ vải.

Chị Hà Thị Dương (người thứ hai bên phải sang) giới thiệu hàng thổ cẩm cho khách hàng.
Chị Hà Thị Dương (người thứ hai bên phải sang) giới thiệu hàng thổ cẩm cho khách hàng.

Em gái trẻ nhất là Đinh Thị Lả - người xã Phúc Sơn (Văn Chấn) cho biết: “Em đến đây vừa học, vừa làm từ năm ngoái, được cô Dương chú Xuân nuôi ăn và trả tiền theo sản phẩm, bình quân mỗi tháng cũng được từ 700-800 ngàn đồng”. Ở đây người mới học nghề như em Lả cũng có, người đã thành thạo nghề cũng có. Chị Hà Thị Hải ở phường Tân An, là người đã thạo nghề dệt vải lắm rồi, song chị muốn học thêm nghề may để có thêm việc làm và tự phục vụ gia đình nữa. Các chị em ai nấy đều hài lòng với công việc ở cơ sở sản xuất thổ cẩm của chị Hà Thị Dương.

Từ bé, Hà Thị Dương đã được mẹ dạy trồng bông, dệt vải. Đến tuổi cập kê, đêm đêm khi nam thanh nữ tú trong bản hẹn hò thì cô gái Dương lại cặm cụi bên khung cửi với những khổ vải và nét hoa văn. Bởi vậy, khi về nhà chồng, bộ chăn đệm mà cô đem về là những bộ chăn đệm được làm đẹp nhất. Có gia đình, chị Dương lại càng miệt mài hơn bên khung cửi với mong muốn ngoài việc làm ra sản phẩm phục vụ nhu cầu của gia đình còn có dư để bán, thêm phần thu nhập cho gia đình. Nhưng dạo trước, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ tốt, chị chỉ có thể bán đổ với giá rẻ. Suy nghĩ, trăn trở quyết tâm tự tìm hướng tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm, năm 1997, chị đã mạnh dạn vay vốn thuê kiốt ở chợ Mường Lò bán hàng thổ cẩm. Được đồng lãi nào, chị lại tích góp đầu tư mua sợi, len thuê chị em trong bản dệt.

Có thêm vốn, chị đầu tư mua 2 máy thêu, 5 máy khâu thuê chị em trong bản làm. Mỗi người chịu khó một tháng tranh thủ lúc nhàn rỗi cũng có thu nhập được 300.000đồng trở lên từ  công việc dệt vải. Mỗi một chân váy thêu mang lại thêm cho chị em 1.500 đồng nữa.

Chị Đồng Thị Hoán, người trong thôn, tranh thủ lúc nông nhàn làm may và dệt vải cho gia đình chị Dương đã 5 năm nay, thu nhập bình quân đạt 500.000 đồng/tháng trở lên. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị Hoán khấm khá lên nhiều. Hiện nay, cơ sở sản xuất hàng thổ cẩm của chị Hà Thị Dương tạo việc làm cố định cho 5 người và việc làm thường xuyên cho 30 chị em trong thôn bản. Với số vốn trên 100 triệu đồng hiện giờ kiốt của chị đang có trên 20 mặt hàng thổ cẩm các loại phong phú và đa dạng, từ quần áo, chăn đệm đến mũ, thắt lưng, túi... Ngoài ra, chị còn tạo điều kiện cho chị em trong thôn bản lấy hàng đi bán buôn ở vùng cao, vùng xa, khi nào hết hàng mới phải trả vốn.

Tại Hội chợ Thương mại Du lịch miền Tây dịp Tuần Văn hoá du lịch Mường Lò vừa qua, chị Dương cũng đã tham gia một gian hàng để bán và giới thiệu sản phẩm. Đây là lần thứ hai chị tham gia hội chợ, tranh thủ cơ hội để quảng bá mặt hàng thổ cẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Lợi nhuận từ việc sản xuất kinh doanh mặt hàng thổ cẩm, vợ chồng chị Dương càng có thêm điều kiện đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Tổng thu nhập bình quân hiện nay của gia đình chị ước đạt từ 80 triệu đồng/năm trở lên.

Dịp kỉ niệm 78 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10 vừa qua, chị Hà Thị Dương đã được bình chọn là hội viên kinh doanh giỏi tại Hội nghị biểu dương những hội viên vượt khó, giảm nghèo, sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ.

 P.V

Các tin khác

YBĐT - Hỏi về những chiến công trong chiến đấu, ông Tình lắc đầu. Hỏi đã khai hoang bao nhiêu đất hoang ở những vũng bom mìn chằng chịt để lấy đất sản xuất cho chính gia đình và hợp tác xã những năm chiến tranh vừa dứt, ông không nói. Hỏi ông đã bị thương và nghị lực sống? ông cũng chẳng trả lời. Chỉ biết rằng, những gì ông đã sống và lao động đến ngày hôm nay thì người dân trong cái thôn 11 xã Minh Quán (Trấn Yên) đều phải thừa nhận: "Ông Trần Xuân Tình không chỉ ngoan cường, mạnh mẽ trong bom đạn mà trong lao động ông cũng thật anh hùng".

Gia đình bác sỹ Vàng A Sàng.

YBĐT - Người con của dân tộc Mông được sinh ra trên cao nguyên Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) không chỉ nổi danh vượt khó thời niên thiếu mà nay đã trở thành một Anh hùng, một thầy thuốc giỏi, đó là bác sĩ Vàng A Sàng - Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông Trương Thị Bắc, dân tộc Tày ở thôn 7, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên luôn trăn trở một điều: "Thanh niên nông thôn phải làm thế nào? Làm gì để phát triển kinh tế trong công cuộc đổi mới của đất nước hiện nay?".

Vợ chồng anh Đán, chị Dự giới thiệu với cán bộ Hội Nông dân tỉnh, huyện về ba ba giống.

YBĐT - “Thật không thể tin được là sau bao nhiêu khó khăn vất vả, thiếu thốn đủ thứ, giờ đây chúng tôi lại có thể có được một cơ ngơi như hiện nay. Tất cả là nhờ sức lao động, nhờ tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm của chính mình”. Chị Bùi Thị Dự, vợ anh Nguyễn Xuân Đán ở thôn Đồng Bưởi, thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên) tâm sự như vậy, khi dẫn chúng tôi đi tham quan khu trại nuôi cá giống rộng hơn 1ha của gia đình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục