Vì Văn Sang - Người dân tộc Khơ Mú "giầu" nhất!
- Cập nhật: Thứ năm, 29/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đến xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái hỏi gia đình ông Vì Văn Sang ai cũng biết và kể rành rọt về ông. Ông không chỉ là một trong những người dân, dân tộc Khơ Mú đầu tiên thực hiện hạ sơn lập nên bản Nậm Tộc 1 và Nậm Tộc 2, mà ông còn là người đầu tiên biết trồng lúa nước, trồng rừng phát triển kinh tế gia đình trở thành triệu phú và đã dạy bảo các con học hành thành đạt.
Giờ đã trở thành triệu phú nhưng gia đình ông Vì Văn Sang vẫn ở trong ngôi nhà sàn đặc trưng của người dân tộc Khơ Mú của mình, chỉ có khác là trong nhà ông đã có ti vi, đầu VCD để xem, có xe máy để đi và thóc, ngô đầy bồ gà, lợn đầy chuồng. Trước đây “gia đình” người Khơ Mú rất khổ, thường phải di cư lang bạt khắp, không có cánh rừng nào, núi cao nào họ không đặt chân tới, họ lầm lũi xuyên rừng vượt núi từ Lào sang Sơn La, Lai Châu, rồi một bộ phận tìm tới Nghĩa Sơn để khai phá lập bản trên dải núi cao. Đến định cư rồi nhưng đồng bào vẫn không biết làm lúa nước, cuộc sống chỉ nhờ vào săn bắn, hái lượm, do vậy cái đói, nghèo cứ đeo bám lấy họ từ đời này sang đời khác như là định mệnh đối với các gia đình dân tộc Khơ Mú. Thực hiện cuộc vận động hạ sơn của Đảng, nhà Nước ông Sang là người Khơ Mú đầu tiên hạ sơn và tích cực vận động bà con cùng hạ sơn lập ra bản Nậm Tộc 1, Nậm Tộc 2 ngày nay. Khi hạ sơn xuống bản mới ông Sang đã vận động vợ con, họ hàng khai hoang lúa nước, trồng rừng, phát triển chăn nuôi.
Vào những năm 1963 ông Sang là giáo viên dạy vỡ lòng ở bản. Năm 1965 ông nhập ngũ vào Sư đoàn 316, sang chiến đấu bên nước bạn Lào. Năm 1971 phục viên về bản Nậm Tộc làm nương, sau đó làm Xã đội trưởng, Phó chủ tịch UBND xã, năm 1992 Đảng bộ xã thành lập ông được bầu làm Bí thư Đảng bộ xã. Trong suốt những năm đổi mới ông Sang luôn trăn trở tìm hướng làm ăn mới cho gia đình và bà con thôn bản. Việc đầu tiên ông làm là khai hoang trên 3000 m2 ruộng nước, phát nương trồng 8.000 m2 ngô, trên 10 ngàn m2 trồng sắn. Khi lương thực đã đảm bảo ông cùng gia đình nuôi lợn nái, lợn thịt, gà, vịt và 6 con trâu. Đất đồi là một thế mạnh ở Nghĩa Sơn ông đã mạnh dạn nhận 7 ha đất trống, đồi núi trọc trồng 0,5 ha quế và 6 ha cây mỡ nay đã đến kỳ khai thác. Cùng với đó khi đường điện lưới quốc gia được kéo về bản ông đã đầu tư trên 10 triệu đồng, đầu tư bộ máy xay sát lúa gạo phục vụ gia đình và làm dịch vụ cho bà con thôn bản. Bằng cách làm ấy cuộc sống gia đình ông đã dần thoát nghèo và nay đã trở thành hộ người dân tộc Khơ Mú giầu có nhất Nghĩa Sơn. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí, công lao động còn lãi 100 triệu đồng.
Vừa phát triển kinh tế gia đình ông còn luôn quan tâm dạy bảo các con học hành. Bởi ông luôn tâm niệm và nghĩ rằng muốn tiếp cận được KHKT thì phải có học, muốn thoát nghèo nhanh phải biết chữ, người Khơ Mú nghèo cũng là vì không biết chữ. Từ ý nghĩ đó ông vận động các con học hành thành đạt. Những người con của ông đều được học hành và thành đạt trong cuộc sống. Con gái cả Vì Thị Lương nay là Chủ tịch Hội phụ nữ xã; con trai Vì Văn Luận học Trường đại học Quốc gia khoa Ngữ văn, nay là giáo viên xã Nậm Mười, con gái Vì Thị Định học Đại học y, nay công tác tại Bệnh viện Nghĩa Lộ; Vì Văn Quý học Trường Quân sự ấp Bắc nay làm Xã đội phó; Vì Tố Uyên học Trường đoàn nay công tác tại huyện đoàn Văn Chấn; Vì Hải Yên đang học Trường đại học an ninh năm cuối.
Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái học tập trở thành người có ích cho xã hội ông Sang còn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con trong thôn, bản phát triển kinh tế gia đình. Ông mua lợn nái về cho các hộ nghèo nuôi rẽ. Vận động con em người Khơ Mú đi học cái chữ Bác Hồ. Nhờ vậy cuộc sống của phần đông người Khơ Mú đã không còn đói, nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên giầu có. Không chỉ có vậy mà ông Sang còn được bà con phong tặng là nghệ nhân, người đóng góp nhiều công sức bảo tổn và phát huy các làn địêu, nhạc cụ đặc trưng của người Khơ Mú. Ông thường xuyên dạy bảo, hướng dẫn con em người Khơ Mú về các nhạc cụ, làn điệu của dân tộc mình.
Ông Sang giờ là người dân, dân tộc Khơ Mú “giầu” nhất.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Đến xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, không ai là không biết đến chị Nguyễn Thị Hòa, người phụ nữ đảm đang, tháo vát giỏi việc nước, lại đảm việc nhà và rất giàu đức tính hy sinh.
YBĐT - Nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào từ các đồi rừng của người dân trên địa bàn đã đến tuổi khai thác nhưng thiếu thị trường tiêu thụ cùng trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, ông Đặng Huy Chuân - bệnh binh 2/3 ở khu 2, thị trấn Yên Bình (Yên Bình) đã mạnh dạn mở xưởng chế biến gỗ bao bì.
YBĐT - Niềm vui lớn nhất đối với ông Lâm là trong bốn người con, có hai con học đại học, một học trung cấp và một học lái xe. Đó mới chính là phần thưởng quý giá nhất dành cho người cựu chiến binh dân tộc Tày không cam chịu đói nghèo này.
YBĐT - Đến thôn An Thái, xã Minh An, huyện Văn Chấn, không ai là không biết đến gia đình anh Bùi Xuân Bầy (51 tuổi), một trong những điển hình nhiều năm làm kinh tế giỏi từ trồng cam của huyện Văn Chấn.