Người phụ nữ dám nghĩ, dám làm
- Cập nhật: Thứ tư, 7/4/2010 | 9:07:31 AM
YBĐT - Nhắc đến chị Nguyễn Thị Tám có lẽ người dân thôn 3, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên (Yên Bái) ai cũng bảo chị “liều” bởi cách làm ăn táo bạo, dám nghĩ dám làm và cũng chính cách làm táo bạo đó đã đưa chị đến thành công như ngày hôm nay.
Mô hình chăn nuôi 20 con lợn nái sinh sản của ra đình chị Nguyễn Thị Gấm thôn Thanh Hùng xã Tân Thịnh (T.P Yên Bái) thu lãi mỗi năm trên 40 triệu đồng. (Ảnh: Quỳnh Nga)
|
Anh Phạm Anh Tuấn, cán bộ khuyến nông xã đưa chúng tôi đến thăm khu trang trại của chị Tám. Đã gần trưa, nhưng chị vẫn miệt mài làm việc trên đồi, dẫn chúng tôi đi thăm khu trang trại rộng 6 ha của mình. Chỉ tay về khu đồi bạt ngàn quế, keo, chị nói: “Trước kia, khu này chỉ toàn cây bụi, lau lách. Nhìn những mảnh đồi rộng lớn thế này để hoang phí, tôi thấy mình phải làm gì đó để khai thác thế mạnh của kinh tế rừng đồi, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Nghĩ là làm, vợ chồng chị đã một mình sớm tối lên gò khai phá, rồi tích góp từng đồng vốn để mua quế, keo về trồng, để giờ đây bạt ngàn trên vùng đất ấy một màu xanh và cho thu mỗi năm mấy chục triệu đồng. Ngoài trồng rừng, chị còn đẩy mạnh chăn nuôi lợn thịt. Trong chuồng của nhà chị, lúc nào cũng có gần 20 con lợn, mỗi năm xuất 4 lứa, thu về hàng chục triệu đồng. Trước kia, chị chỉ nuôi trên dưới 100 con gà, nhưng năm 2009, khi tỉnh có dự án hỗ trợ các hộ gia đình mở rộng chăn nuôi thành sản xuất hàng hoá, chị lại mạnh dạn xây dựng chuồng trại và đưa gần 1.500 con gà về nuôi. Khi đó, mọi người đều can ngăn và cho rằng chị hơi “liều” vì chưa có kinh nghiệm mà nuôi nhiều, nếu chẳng may dính dịch bệnh thì chỉ có trắng tay. Ban đầu chị cũng hơi lo vì sau khi đưa gà giống về do không có kinh nghiệm nên đàn gà bị chết gần 300 con, nhưng càng khó khăn chị càng quyết tâm.
Thông qua các phương tiện thông tin, qua sách kỹ thuật và hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, chị đã tự mình mua thuốc và tiêm phòng cẩn thận cho đàn gà. Vì thế, đến nay chị đã bán được 2 lứa gà mà không có dịch bệnh xảy ra. Với số vốn tích góp được sau nhiều năm lao động, gia đình chị mua thêm 1 chiếc xe tải nhỏ để tiện cho việc chuyên chở hàng hóa, vật liệu xây dựng cho bà con trong vùng. Quy mô trang trại ngày càng được mở rộng, chị đang ấp ủ nuôi thêm ba ba để nâng cao thu nhập. Từ hoàn cành khó khăn, giờ đây gia đình chị Tám đã có của ăn của để. Không những thế, chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 đến 3 lao động với mức thu nhập ổn định 1,8 triệu đồng/tháng.
Suy nghĩ mạnh dạn, dám đầu tư, biết vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, chị Nguyễn Thị Tám thực sự là tấm gương để nhiều người học tập và noi theo.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Sinh ra và lớn lên ở xã Minh Tân, huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình), tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp Hà Nội với tấm bằng cử nhân Toán tin chính quy, Đinh Bá Thanh tình nguyện lên công tác tại Yên Bái và gắn bó với KBNN tỉnh từ đó đến nay.
YBĐT - Gia đình ông Nông Xuân Mùi, người dân tộc Tày, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (Yên Bái). Là một gia đình có truyền thống hiếu học ở vùng nông thôn hẻo lánh, nhà đông con và nghèo khó, vậy mà ông đã bươn trải trong cuộc sống, nuôi dạy các con ăn học thành tài. Trong 9 người con ruột của ông, thì hai người con là Phó giáo sư - tiến sỹ, còn lại đều có trình độ cử nhân, kỹ sư, cao đẳng...
YBĐT - Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp anh trong khuôn viên Nhà thiếu nhi tỉnh, đó là một người trẻ trung, thân thiện với nụ cười cởi mở luôn nở trên môi. Nghe nói anh là một nhạc sỹ có nhiều ca khúc viết về quê hương và phong trào công tác Đoàn - Đội, được tuổi trẻ Yên Bái yêu thích, điều đó khiến tôi tò mò muốn viết về anh.
YBĐT - Dù đã sang tuổi 70, song ở ông Lưu Thiếu Tỵ, Tổ trưởng tổ dân phố 31, phố Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái) vẫn toát lên sự hoạt bát. Miệng nói tay làm, không nề hà bất cứ công việc gì, ông luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, được bà con tin yêu, kính trọng.