Bà “Bụt” bản Động Ính
- Cập nhật: Thứ hai, 26/4/2010 | 9:41:20 AM
YBĐT - Bản Động Ính, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên (Yên Bái) với những mái nhà lưa thưa nằm lọt thỏm nơi những thung lũng sâu. Mới đặt chân đến đây, chúng tôi đã được những vị chủ nhà người Dao tiếp đón bằng câu chuyện về bà “Bụt” của bản Dao. Bà là Đặng Thị Tam - người chuyên lấy thuốc nam cứu chữa cho những bệnh nhân nghèo.
Đồng bào Dao ở xã Y Can (Trấn Yên) khai thác và bảo quản, chế biến cây thuốc nam. (Ảnh: Minh Thúy)
|
Ngôi nhà của bà làm bằng gỗ, nứa đơn sơ nằm ở lưng chừng đồi. Chúng tôi đến đúng lúc bà chuẩn bị vào rừng hái thuốc cho người bệnh.
Theo lời kể của bà, nghề hái thuốc cứu người mà bà có được là do mẹ đẻ và mẹ chồng truyền lại. Nhà có đông anh em, nhưng vốn tính hiền lành, chịu khó nên bà đã được chọn làm truyền nhân của những bài thuốc quý gia truyền của hai họ.
Thời còn con gái, ngày ngày bà đã chăm chỉ theo mẹ lên rừng. Bà tỉ mẩn mày mò từ cách chọn những vị trí mà cây thuốc hay mọc trong rừng, cách phơi khô thuốc, cách pha trộn và bảo quản thuốc. Bà đã học thuộc làu tên từng cây thuốc và đặc điểm công dụng các loại thuốc. Tay nghề của bà càng được nâng cao hơn khi về nhà chồng, thấy bà cần mẫn, nhân từ, bà mẹ chồng tiếp tục truyền thêm cho bà những bài thuốc quý gia truyền.
Bản Động Ính có 23 hộ dân với 113 nhân khẩu, 100% là dân tộc Dao, dân trí còn thấp, đường sá quá khó khăn, lại nằm cách xa Trạm Y tế. Sống trong cảnh nghèo khổ, bà thấm thía hơn ai hết nỗi đau bệnh tật. Cứ hễ nhìn thấy ai đó bị bệnh tật hành hạ là bà lại không cam lòng và dốc hết sức mình, không quản khó khăn lặn lội cả ngày trong rừng sâu tìm tòi những cây thuốc quý mang về để cứu chữa người bệnh.
Hơn nửa cuộc đời bà theo nghề hái thuốc, chữa khỏi hàng trăm người bệnh nhưng ngôi nhà bà vẫn không một vật dụng đáng giá. Bà được ví như một “bác sĩ đa khoa” chữa các bệnh như: dạ dày, đại tràng, tim, gan, thần kinh, yếu sinh lý, đến các bệnh trẻ nhỏ như cam, sài...
Người đến nhờ bà lấy thuốc, đôi khi chỉ phải trả vài nghìn, vài chục nghìn cho những bọc thuốc đã được phơi khô và pha trộn sẵn mà bà đã phải vất vả vài ngày mới có được. Với bà, cứu chữa những người bệnh nghèo khó là một trách nhiệm, là nghĩa vụ của một người thầy thuốc. Bà chữa bệnh cho người là xuất phát từ lòng thương yêu. Bà chia sẻ: “Mình chữa bệnh cho người ta chỉ để làm phúc thôi. Thấy người ta đau đớn mình không đành lòng; chỉ mong sao họ khỏi bệnh, để có sức khỏe làm việc và không còn nghèo đói nữa thôi”.
Cảm động trước những nghĩa cử cao đẹp của bà, hàng năm cứ mỗi dịp lễ tết, những người bệnh đã được bà cứu giúp lại đến nhà bà chơi, thăm hỏi, biếu tặng con gà, cân gạo.
Ghi sâu những công lao mà bà Tam đã giúp đỡ, chị Triệu Thị Thủy xúc động nói: “Nhà tôi nghèo đói lắm! Mẹ tôi bị bệnh đại tràng, nằm ốm yếu mấy năm. Không có tiền đi trạm y tế, tôi đã đến nhà bà Tam lấy thuốc. Uống thuốc của bà được một thời gian thì mẹ tôi khỏi bệnh, nhưng bà ấy không lấy tiền đâu, gia đình tôi cảm ơn bà Tam nhiều lắm”.
Nghe tiếng bà chữa bệnh giỏi mà lại rất tận tâm nên ngoài những người bệnh trong huyện, nhiều người bệnh từ các nơi xa đã vượt hàng trăm cây số về bản nhờ bà cứu giúp. Tuy nhà nông bộn bề công việc, cái đói nghèo đeo bám quanh năm, nhưng cứ nghĩ đến những người bệnh đang đau đớn và đang cần sự giúp đỡ của mình, bà lại quên đi mệt nhọc, lặn lội khắp rừng thẳm, mang về những thang thuốc quý giá. Đã không ít lần, bà lặn lội băng núi thâu đêm để thăm bệnh và bốc thuốc cho người bệnh.
Nhờ bà mà nhiều người bệnh nghèo khó, hay những người mắc phải các bệnh nặng đã được bà tận tâm giúp đỡ, thoát khỏi bệnh tật và có cuộc sống yên lành. Nhiều người đã ví bà là bà “Bụt” ở bản Động Ính.
Triệu Huấn
Các tin khác
YBĐT - Bùi Thị Bích Phượng, học sinh lớp 11 Toán, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) vừa vinh dự nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng - phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho 100 cán bộ Đoàn, đoàn viên xuất sắc là học sinh trung học phổ thông năm học 2009 - 2010.
YBĐT - Chững chạc, nhanh nhẹn, hoạt bát đúng tác phong quân đội là cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp Mùa A Sùng - Xã đội phó Ban chỉ huy quân sự xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái).
YBĐT - Ở xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) rất nhiều người biết đến chị Lường Thị Hồng Chung, dân tộc Thái, 35 tuổi là hội viên Hội Phụ nữ bản Chao Hạ. Chị là một tấm gương sáng trong lao động sản xuất và là một trong những người đi đầu thực hiện Dự án phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại bước đầu đã mang lại giá trị kinh tế cao.
YBĐT - Được Ban liên lạc Bộ đội địa phương tỉnh Yên Bái giới thiệu, chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Sìu, 79 tuổi, ở phố Trần Phú, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái), nguyên Chính trị viên tiểu đoàn 6, trung đoàn 246 được xây dựng tại Yên Bái năm 1972.