Trưởng thành từ du kích “đất Ngọc”

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/4/2010 | 9:03:24 AM

YBĐT - Được Ban liên lạc Bộ đội địa phương tỉnh Yên Bái giới thiệu, chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Sìu, 79 tuổi, ở phố Trần Phú, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái), nguyên Chính trị viên tiểu đoàn 6, trung đoàn 246 được xây dựng tại Yên Bái năm 1972.

Ông là người dân tộc Nùng, sinh năm 1932 tại xã Phúc Lợi (huyện Lục Yên). Sau cách mạng tháng Tám, do biết chút ít chữ, ông được xã giao nhiệm vụ dạy chữ cho bà con, năm 1947 làm đội trưởng đội du kích của xã. Năm 1949, ông phụ trách một tiểu đội đi đánh Pháp ở Phố Ràng - Bảo Yên(Lào Cai), sau đó phối hợp với trung đoàn Lao - Hà đánh đồn Nghĩa Đô - Bảo Yên, với thành tích xuất sắc trong chỉ huy chiến đấu, ông Sìu được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam tháng 10/1949, khi mới 17 tuổi.

Tháng 6/1950, Ông tình nguyện lên đường nhập ngũ được phiên chế vào đại đội 95 bộ đội địa phương tỉnh Yên Bái, sau huấn luyện Ông được giao phụ trách trung đội tham gia tiễu phỉ tại Bắc Hà, Than Uyên(Lào Cai). Khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông được giao nhiệm vụ bảo vệ đường sắt tuyến Yên Bái - Lào Cai cho đến khi chuyến tầu đầu tiên năm 1956 chuyển bánh an toàn.

Năm 1972, trước yêu cầu của chiến trường miền Nam, để chi viện lực lượng chuẩn bị chiến dịch, Quân khu Việt Bắc thành lập tiểu đoàn 6 - trung đoàn 246 tổ chức huấn luyện vào chiến trường, ông được giao nhiệm vụ làm Chính trị viên tiểu đoàn, tổ chức xây dựng lực lượng và huấn luyện gần 600 chiến sĩ. Sau một thời gian huấn luyện, tháng 12/1973, đơn vị ông hành quân vào Kon Tum - Đắc Tô - Tân Cảnh hợp quân thành sư đoàn 10, làm nhiệm vụ án ngữ Kon Tum không cho địch lấn chiếm, tiếp tục làm công tác chuẩn bị, nắm chắc tình hình sau đó hành quân đánh Buôn Mê Thuật.

Sau hơn nửa tháng chiến đấu, quân ta đã giải phóng Nha Trang. Lúc này đơn vị ông được lệnh quay lại theo đường 14 vào tập kết tại Bến Cát - thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị giải phóng Sài Gòn. Sau 12 ngày hành quân thần tốc, ngày 26/4/1975,  Sư đoàn 10 đã đến vị trí tập kết. Ông được giao nhiệm vụ cùng với đồng chí Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn liên hệ với thành đội Sài Gòn cử chi viện một tiểu đoàn biệt động, phân cho các mũi tiến công để dẫn đường đưa quân ta bí mật luồn sâu, tiến công địch. Sau giải phóng, ông được điều về tiếp quản Quận 3, Sài Gòn cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập và ra mắt chính quyền cơ sở, truy quét tàn binh nguỵ... Năm 1982, ông Sìu được Nhà nước cho nghỉ chế độ...

Trên 60 năm tuổi Đảng, 32 năm công tác trong Quân đội và trải qua ba cuộc kháng chiến, ông Sìu được Đảng, Nhà nước và địa phương trao tặng một Huân chương quân công hạng Ba, hai Huân chương kháng chiến hạng Nhất, một Huân chương quân kỳ hạng Nhất, ba Huân chương chiến sỹ vẻ vang và nhiều phần thưởng cao quý khác. Gần 20 năm về nghỉ hưu, ngoài công việc gia đình, Ông luôn tích cực tham gia các hoạt động của cấp ủy, tổ dân phố, hội cựu chiến binh và hội người cao tuổi. 

Ông Hoàng Văn Tính - Bí thư Chi bộ phố Trần Phú cho biết: "Ông Hoàng Sìu là người không ngại khó, ngại khổ, ở cương vị nào ông cũng luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Về nghỉ hưu, tuy tuổi cao nhưng ông vẫn  nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết với các hoạt động của tổ dân phố và địa phương, luôn được đồng đội, bạn bè và nhân dân tin yêu và kính trọng".  

Đức Dũng 

Các tin khác
Chị Tráng Thị Mao đang bán hàng cho khách.

YBĐT - Bà con người Mông ở xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu) ai cũng khâm phục và học theo cách làm giàu của chị Tráng Thị Mao ở bản Phình Hồ.

YBĐT - Em Phạm Thị Hồng Anh, học sinh lớp 9A Trường THCS xã Âu Lâu (TP Yên Bái) là học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng em đã vượt khó đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện trong những năm học THCS.

YBĐT - Nói đến bà Trần Thị Minh Đức, ở tổ 27B, phố Phúc Cường, phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái), nhiều người biết tới bà không chỉ là một nữ doanh nhân thành đạt mà còn là người say mê làm việc thiện.

Mô hình chăn nuôi 20 con lợn nái sinh sản của ra đình chị Nguyễn Thị Gấm thôn Thanh Hùng xã Tân Thịnh (T.P Yên Bái) thu lãi mỗi năm trên 40 triệu đồng. (Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Nhắc đến chị Nguyễn Thị Tám có lẽ người dân thôn 3, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên (Yên Bái) ai cũng bảo chị “liều” bởi cách làm ăn táo bạo, dám nghĩ dám làm và cũng chính cách làm táo bạo đó đã đưa chị đến thành công như ngày hôm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục