Chồng anh hùng - vợ thủy chung

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/4/2010 | 1:44:14 PM

YBĐT - Bao chàng trai lên đường đánh giặc cứu nước, bấy nhiêu người phụ nữ ở lại giữ hậu phương và tất cả cùng góp sức làm lên một mùa xuân lịch sử - giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Bà Nguyễn Thị Luận bên di ảnh của chồng là Anh hùng liệt sỹ Trần Xuân Lai.
Bà Nguyễn Thị Luận bên di ảnh của chồng là Anh hùng liệt sỹ Trần Xuân Lai.

Chồng anh hùng

 

Anh hùng liệt sỹ Trần Xuân Lai sinh năm 1942, quê ở xã Văn Phú, (huyện Trấn Yên nay là thành phố Yên Bái), nhập ngũ tháng 4 năm 1968. Khi hy sinh, ông Lai là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 9 bộ binh, Trung đoàn 3 Sư đoàn 9 Bộ chỉ huy Miền, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

 

Từ tháng 6 năm 1969 đến tháng 4 năm 1972, Trần Xuân Lai tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam pu chia. Trưởng thành từ chiến sỹ lên cán bộ tiểu đoàn, ở cương vị nào, Trần Xuân Lai cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bởi sự dũng cảm, mưu trí. Đơn vị Trần Xuân Lai đã diệt hàng nghìn tên địch. Riêng của Trần Xuân Lai diệt 120 tên (có 40 tên Mỹ), bắt 5 tên nguỵ, bắn cháy 7 xe tăng, phá huỷ 2 khẩu pháo, 3 đại liên, thu 15 súng các loại...

 

Được nghe kể lại trận phục kích trên đoạn đường Bổ Túc- Bà Chiêm vào tháng 3 năm 1970, khi đoàn xe địch lọt vào trận địa, Trần Xuân Lai bắn 2 quả đạn B 40 diệt 2 xe tăng địch rồi nhanh chóng dẫn tiểu đội đánh mạnh vào đội hình xe, tạo thuận lợi cho đại đội xuất kích, diệt gọn đoàn xe 30 chiếc. Trận đánh căn cứ Chi Rum ở Cam pu chia  ngày 26/5/1970, Trần Xuân Lai dẫn đầu đơn vị thọc sâu vào giữa căn cứ địch, diệt sở chỉ huy tiểu đoàn và đánh thiệt hại nặng trận địa pháo địch. Khi bị thương nhẹ, Trần Xuân Lai vẫn ở lại vị trí chiến đấu cho đến khi trận đánh kết thúc.

 

Ngày 5/4/1972, Trần Xuân Lai chỉ huy đại đội làm nhiệm vụ chốt chặn trung đoàn thiết giáp Nguỵ ở Lộc Ninh. Bị thương hai lần nhưng anh vẫn kiên cường bám trụ, chỉ huy đơn vị đánh địch, tạo điều kiện cho trung đoàn vận động tiến công tiêu diệt gọn trung đoàn thiết giáp của địch. Trận này, riêng Trần Xuân Lai đã bắn cháy 4 xe tăng, diệt 20 tên địch, thu 4 súng. Trận đánh điểm cao 128 (gần sân bay Bình Long) 16/4/1972, Tiểu đoàn phó Trần Xuân Lai trực tiếp chỉ huy đại đội 10, bị đứt liên lạc trên 11 tiếng đồng hồ nhưng bình tĩnh chỉ huy đơn vị thọc sâu vào thị xã Bình Long đánh chiếm mục tiêu, diệt nhiều địch và chủ động bắt liên lạc với đơn vị bạn đánh chiếm dinh tỉnh trưởng. Trận chiến oanh liệt này, Trần Xuân Lai đã anh dũng hy sinh.

 

Với những chiến công hiển hách, sự hy sinh anh dũng, Trần Xuân Lai được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua, 5 lần được tặng danh hiệu Dũng sỹ và 4 bằng khen. Ngày 20/12/1973, Trần Xuân Lai được Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.

 

Vợ thủy chung

 

Trong căn nhà xây khang trang ở thôn 2 xã Văn Phú, bà Nguyễn Thị Luận vợ của Anh hùng liệt sỹ Trần Xuân Lai đang mải miết têm trầu. Bà Luận tâm sự: "Tôi với ông ấy (ông Lai) lấy nhau nhưng chẳng được ở cùng nhau là bao. Tôi kém ông Lai 3 tuổi. Năm 1968, tổ chức đám cưới xong thì ông ấy đi làm lâm nghiệp mãi tận trên Tân Đồng. Lúc đó, đường sá đi lại khó khăn, công việc bận rộn nên chẳng mấy khi ấy ông ấy về thăm nhà. Cho đến tận khi tôi sinh cháu Mai được mấy ngày mà ông ấy cũng không về được và dặn là nếu sinh con gái đặt tên Mai, sinh con trai đặt tên Long. Sau đó, thì có cuộc hội tụ “chẳng tày gang”, ông ấy lại phải lên lâm trường.

 

Bây giờ, sắp vào tuổi thất thập, bà Luận vẫn nhớ như in lời tâm sự của ông: “Có lẽ tớ sẽ đi bộ đội vì, tớ đã chích ngón tay viết đơn bằng máu rồi...!”. Hồi đó, nhìn quả bí ngô, ông nói thèm ăn chè quá. Bà lẳng lặng nấu cho ông bát chè bí và ông ăn cứ tấm tắc khen ngon. Rồi ông dặn: “Tuần tới tôi không về là tôi đi bộ đội đấy!”. Đúng như lời ông nói, hơn tuần sau có người của lâm trường mang quần áo tư trang của ông gửi lại cho bà. Nhà chẳng có đàn ông, bà đưa hết cho các em chú mặc, bởi nhà chồng cũng rất khó khăn, anh em thì đông. Bà chỉ giữ lại duy nhất cuốn sổ nhật ký của ông, nhưng cuốn sổ cũng không ở lại trong hành trang của bà cũng là bởi thời chiến. Tuy vậy, bà còn nhớ có bài thơ "Mùa hoa dẻ" sau cùng cuốn sổ. Có lẽ bài thơ ông làm tặng bà trước lúc lên đường nhập ngũ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ mỗi lúc một quyết liệt, đơn vị của ông chỉ huấn luyện ở Hà Bắc một thời gian rồi được lệnh vào Nam chiến đấu. Bà bồng bế con gái mới hơn 9 tháng tuổi cùng mẹ chồng đi Hà Bắc thăm ông. Chỉ một bữa cơm để chia tay, bà đâu nghĩ rằng đây là lần gặp ông cuối cùng. Lúc ấy, ông chỉ động viên bà cùng hướng tới ngày chiến thắng. 

 

Trở về quê, được ông bà nội, ngoại cùng giúp đỡ bà Luận vừa chăm bẵm con gái vừa tích cực lao động sản xuất, hăng hái tham gia các phong trào của xã. Bà còn tham gia vào HTX và làm đội trưởng đội sản xuất nông nghiệp. Nhiều khi công việc bận rộn, cả ngày bà ở ngoài đồng áng, tối mịt mới về đón con. Tất cả vì mục tiêu “Thóc không thiếu một cân...”.  Rồi một ngày giữa tháng 4 năm 1972, bà nghe phong thanh rằng ông Lai bị thương nặng lắm, có khi mất cả hai chân. Bà nửa tin nửa ngờ, nhưng trong lòng thì như có lửa đốt. Bà tự nhủ, nếu ông ấy trở về dù bị thương thế nào bà vẫn nguyện hết lòng chăm sóc ông chu đáo. Nhưng ngay cả cơ hội ấy cũng không đến được với bà, bởi ông Lai đã chiến đấu, hy sinh anh dũng.

 

Nỗi đau rồi cũng nguôi ngoai. Bà Luận gắng gượng đứng lên tiếp tục hoạt động sản xuất, tham gia vào dân quân, đoàn thể rồi được chị em tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã và nhiều năm được xã, huyện khen thưởng. Bao năm, bà Luận vò võ một mình nuôi con, thờ chồng mà không mảy may tính chuyện đi bước nữa. Gợi chuyện tế nhị, bà cũng chẳng giấu dếm: “Thú thực nhiều người cũng ái ngại cho hoàn cảnh của tôi và muốn mối mai, nhưng tôi một mực thương con gái, chỉ muốn dành hết tình cảm cho nó”. Suốt đời tần tảo nuôi con, thờ chồng cho đến giờ niềm vui lớn đối với bà là được thấy con cháu trưởng thành. Con gái được bà cho ăn học tử tế và hiện đang làm trong ngành ngân hàng. Anh con rể là bộ đội phục viên, giờ tham gia làm chi hội trưởng cựu chiến binh thôn, kiêm công an viên. Hai cháu ngoại được vào đại học, trong đó có một cháu đang học Trường Sỹ quan Tăng- Thiết giáp.

 

Ông Phạm Văn Hiếu- Bí thư Chi bộ 2 tâm sự: “Bà Luận, một người vợ liệt sỹ hết mực yêu chồng, thương con. Không những thế, bà còn là một đảng viên mẫu mực, giúp đỡ nhiều quần chúng vào Đảng, được bà con thôn xóm tin cậy. Bà luôn răn dạy con cháu noi gương ông bà, cha mẹ, học tập tiến bộ, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”.

 

Văn Trung- Lại Tấn

Các tin khác
Đồng bào Dao ở xã Y Can (Trấn Yên) khai thác và bảo quản, chế biến cây thuốc nam. (Ảnh: Minh Thúy)

YBĐT - Bản Động Ính, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên (Yên Bái) với những mái nhà lưa thưa nằm lọt thỏm nơi những thung lũng sâu. Mới đặt chân đến đây, chúng tôi đã được những vị chủ nhà người Dao tiếp đón bằng câu chuyện về bà “Bụt” của bản Dao. Bà là Đặng Thị Tam - người chuyên lấy thuốc nam cứu chữa cho những bệnh nhân nghèo.

YBĐT - Bùi Thị Bích Phượng, học sinh lớp 11 Toán, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) vừa vinh dự nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng - phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho 100 cán bộ Đoàn, đoàn viên xuất sắc là học sinh trung học phổ thông năm học 2009 - 2010.

YBĐT - Chững chạc, nhanh nhẹn, hoạt bát đúng tác phong quân đội là cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp Mùa A Sùng - Xã đội phó Ban chỉ huy quân sự xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái).

YBĐT - Ở xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) rất nhiều người biết đến chị Lường Thị Hồng Chung, dân tộc Thái, 35 tuổi là hội viên Hội Phụ nữ bản Chao Hạ. Chị là một tấm gương sáng trong lao động sản xuất và là một trong những người đi đầu thực hiện Dự án phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại bước đầu đã mang lại giá trị kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục