Người chiến sỹ trên mặt trận phòng chống bạo lực gia đình

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/8/2010 | 2:56:01 PM

YBĐT - Ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã có một khoảng thời gian khá dài, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) đã từng được coi như “vấn nạn”, song đến nay vấn đề bức xúc này đã giảm hẳn. Những kết quả đạt được, không chỉ bởi đã có sự vào cuộc kịp thời của các tổ chức, đoàn thể mà còn bởi có sự đóng góp không nhỏ của một cá nhân, đó là chị Nguyễn Thị Ân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.

Chị Nguyễn Thị Ân (bên phải) tư vấn tại nhà cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Chị Nguyễn Thị Ân (bên phải) tư vấn tại nhà cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Năm 2006, trong một cuộc tiếp xúc cử tri với các đại biểu của huyện và tỉnh, chị Ân là người cán bộ duy nhất của xã đã mạnh dạn lên tiếng nêu ra thực trạng BLGĐ đang diễn ra tại địa phương. Nhưng ngay sau khi chị có ý kiến, đã không ít người không đồng tình ủng hộ và nói chị là “dại” vì đã “vạch áo cho người xem lưng” làm ảnh hưởng đến thành tích chung của xã. Tuy vậy, chị Ân lại suy nghĩ khác: “Với vai trò là một cán bộ lãnh đạo ở xã, tôi thấy mình phải có nghĩa vụ và trách nhiệm nêu lên sự thật này, để mong các cấp có thẩm quyền được biết và có sự can thiệp, giúp đỡ, góp phần cùng chúng tôi ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng BLGĐ đang diễn ra tại địa phương”. 

Sự mạnh dạn phản ánh của chị Ân đã thu được những phản hồi rất tốt.  Cuối năm 2006, một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Việt Nam có tên gọi CSAGA đã trực tiếp đến Yên Thành tổ chức khảo sát thực trạng BLGĐ tại 11/11 thôn của xã và tiến hành triển khai Dự án” Hỗ trợ nâng cao kiến thức phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và chăm sóc phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ.

Sau gần một năm thực thi (kể từ tháng 9/2006 đến 6/2007), Dự án đã thực sự đem lại những hiệu quả tích cực. Ngoài việc tập huấn kỹ năng tư vấn, kỹ năng làm việc với nạn nhân BLGĐ cho một các cán bộ chủ chốt của xã, Dự án còn hỗ trợ trực tiếp các nạn nhân bị BLGĐ dưới nhiều hình thức như: tổ chức các lớp tập huấn cho nam giới và người trong cuộc tìm hiểu về BLGĐ; tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống BLGĐ và các điều luật có liên quan; trực tiếp tư vấn cho hơn 50 lượt người gây ra bạo lực và nạn nhân của BLGĐ...

 Với cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị Ân luôn mong muốn các hội viên của mình luôn được sống trong gia đình bình đẳng- tiến bộ- hạnh phúc. Vì thế, khi Dự án của tổ chức CSAGA kết thúc, các chính sách hỗ trợ nói trên cũng không còn được duy trì trong khi các nạn nhân bị BLGĐ và các gia đình có bạo lực vẫn cần sự giúp đỡ rất nhiều từ cộng đồng. Chị Ân một lần nữa lại mạnh dạn đề xuất lên huyện xin được thành lập Phòng Tư vấn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình và Ban phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương do chính chị trực tiếp đứng ra đảm nhiệm. Cùng với sự tham gia của các ngành, đoàn thể (tư pháp, công an, UBND xã, y tế, thanh niên, phụ nữ), hai phòng, ban này đã thực sự phát huy tác dụng. Chị Ân cho biết: “So với những ngày đầu, thời điểm tình trạng BLGĐ vẫn còn là vấn đề “nóng” của địa phương thì đến nay đã giảm hẳn. Nếu như trước đây, số vụ BLGĐ phải có tới vài chục vụ/năm thì nay chỉ vài vụ".

Từ nỗ lực của chị Ân, nhiều gia đình trước đây thường xuyên xảy ra BLGĐ thì nay trở nên êm ấm. Ngồi trong căn nhà sàn sạch sẽ, thoáng mát với đầy đủ tiện nghi, chị Lê Thị Thương ở thôn 2, tâm sự: “Mấy năm trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn nên hai vợ chồng cũng hay lục đục. Nhiều lần anh ấy đi uống rượu say về, tôi chỉ nói vài câu là anh ấy “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” luôn. Nhờ có chị Ân, người thường xuyên đến khuyên ngăn, giảng giải nên đã giúp cả tôi và anh ấy đều hiểu ra. Về phía mình thì đã biết cách cư xử hợp lý hơn với chồng, còn anh ấy thì cũng chấm dứt hẳn việc đánh đập vợ con. Mâu thuẫn không còn nên vợ chồng tôi đã tập trung phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con cái  tốt  hơn ”.

Cũng như gia đình chị Thương, nhiều cặp vợ chồng khác trước đây cũng thường xuyên đánh cãi nhau, nhiều lần tưởng dẫn tới ly hôn như: gia đình chị Phạm Thị Thơm (thôn 2), gia đình anh Lương Văn Chung, anh Vi Văn Vân (thôn 9)...  nhưng cũng nhờ có chị Ân đến tư vấn và thuyết phục có tình có lý nên đến nay các gia đình này cũng đều đã chung sống hoà thuận, không còn cảnh xô bát đổ mâm” như trước nữa.
15 năm gắn bó với  công tác Hội, chị Ân đã trực tiếp giải quyết được gần 50 vụ bạo lực gia đình, hoà giải được hàng trăm vụ mẫu thuẫn xô xát, hàng chục vụ có nguy cơ ly hôn. Chị Nguyễn Thị Ân –Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Thành thực sự  được chính quyền, người dân nơi đây mến phục, tin yêu và tặng cho danh hiệu “Người chiến sỹ trên mặt trận phòng chống BLGĐ”.

Hồng Oanh

Các tin khác

YBĐT - Giàng A Tồng được Mặt trận Tổ quốc giao nhiệm vụ tập hợp các tổ chức thành viên, có kế hoạch tuyên truyền vận động bà con tạo điều kiện cho cán bộ đo đạc, lập bản đồ quy hoạch về điều chỉnh đất đai. Lúc đầu, đa số người dân chốn tránh, không khai báo vị trí đất đang sở hữu, không dẫn cán bộ đi đo đạc vì sợ nhà nước thu hồi hết đấy. Đến khi Giàng A Tồng và cán bộ đoàn thể giải thích bà con mới chịu dẫn đi đo đạc kiểm tra.

YBĐT - Anh Lê Tuấn Hùng ở tổ 11 B, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) rất bất ngờ khi được nhận lại chiếc ví trong đó có nhiều giấy tờ quan trọng và 5 triệu đồng tiền mặt anh sơ ý đánh rơi trên đường đi.

Anh Toản (bên trái) đang giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn với Bí thư Đoàn xã liễu Đô.

YBĐT - Không phải là một chủ trang trại chăn nuôi lớn và cũng chẳng phải doanh nghiệp, anh Hoàng Văn Toản ở thôn Cây Thị, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái) đơn giản chỉ là một chàng thanh niên hay lam hay làm. Gặp Toản, hình ảnh một người thanh niên cao lớn với nụ cười hiền khô đã để lại nhiều ấn tượng cho chúng tôi bởi ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

YBĐT - Đến thôn làng Thọc, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên (Yên Bái) ai cũng tấm tắc khen ngợi gia đình ông Lê Văn Ngang làm kinh tế giỏi. Nếu đem so với các đại gia, triệu phú ở đô thị thì gia tài của ông chẳng thấm vào đâu, nhưng ở một làng quê như làng Thọc thì không phải gia đình nào cũng làm được.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục