Người thanh niên giàu nghị lực

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/7/2010 | 9:12:33 AM

YBĐT - Không phải là một chủ trang trại chăn nuôi lớn và cũng chẳng phải doanh nghiệp, anh Hoàng Văn Toản ở thôn Cây Thị, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái) đơn giản chỉ là một chàng thanh niên hay lam hay làm. Gặp Toản, hình ảnh một người thanh niên cao lớn với nụ cười hiền khô đã để lại nhiều ấn tượng cho chúng tôi bởi ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Anh Toản (bên trái) đang giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn với Bí thư Đoàn xã liễu Đô.
Anh Toản (bên trái) đang giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn với Bí thư Đoàn xã liễu Đô.

Trò chuyện trong ngôi nhà khang trang mới được hoàn thành cuối năm 2009, trị giá trên 200 triệu đồng và tiện nghi sinh hoạt tươm tất, Toản chia sẻ: " Ngoài 4 sào ruộng thì hiện nay, gia đình mình đang nuôi gần 50 con lợn thịt và hàng năm cho xuất bán được 3 lần, trừ mọi chi phí cũng thu về được gần 20 chục triệu đồng/lứa. Mình còn làm nghề mổ lợn thuê. Bên cạnh đó, mình mở thêm cửa hàng tạp hóa phục vụ bà con trong thôn".

Hoàng Văn Toản sinh năm 1978, là anh cả trong một gia đình gồm 6 anh chị em ở thôn Kha Bán xã Liễu Đô. Gia đình chỉ làm nông nghiệp nên đời sống tương đối khó khăn, song việc học hành của con cái luôn được người cha đặt lên hàng đầu. "Dù có khó khăn đến đâu thì con cái cũng phải được đến trường đến lớp, phải có cái chữ thì mới không nghèo" - bố Toản tâm sự.

Tâm niệm là như vậy, nhưng người làm ông thất vọng nhất vẫn là Toản vì những năm cuối thập kỷ 80 và đầu 90, ở huyện Lục Yên nói chung và xã Liễu Đô nói riêng nổi lên "cơn sốt" khai thác đá quý. Toản cũng như bao người trong làng chỉ muốn đổi đời bằng việc đi tìm kiếm đá quý. Toản rời ghế nhà trường khi mới học hết lớp 7. "Lúc đó, bố tôi giận lắm! Ông tìm đến tận lán chúng tôi đang mở lò đào xới và ông nói: "Mày là anh cả, phải gương mẫu cho các em học theo chứ! Mày muốn bỏ học chứ gì? Nếu trong vòng một ngày mà gánh được 20 gánh phân chuồng ra ruộng thì tao sẽ cho mày nghỉ học".

Với suy nghĩ nông cạn, tôi tỏ ra thách thức ông là sẽ làm được. Nhưng kết quả không như mình mong muốn. Tôi trở về nhà và tiếp tục đi học...". Giọng Toản nghẹn lại khi nhắc đến tình cảm mà người cha dành cho mình: "Mình mà nghe lời cha lúc đó thì tốt biết mấy. Đúng là "Cá không ăn muối cá ươn". Về đi học được vài buổi, Toản lại tiếp tục bỏ học theo lũ bạn đi tìm vận đỏ ở các bãi đào đá quý.

Khi mùa đá quý đi qua, Toản trở về gia đình với hai bàn tay trắng. "Lúc đó, tôi sợ bị bố mắng lắm! Chữ nghĩa thì trả lại hết cho thầy, nghề nghiệp cũng chẳng có. Nhưng lúc mình hoang mang, bế tắc nhất thì cũng là lúc mình nhận được những lời an ủi, động viên của bố". "Đằng nào thực tế cũng đã như vậy rồi! Thôi, tuổi con còn trẻ, không làm việc này thì làm việc khác. Nhưng trước hết là ở nhà làm ruộng, rồi  sẽ tìm cách khác". Giờ thì tôi đã hiểu được tình cảm của cha và tự nhủ với mình cho dù phía trước có khó khăn đến đâu, tôi cũng sẽ lao động thật chăm chỉ để không phụ sự kỳ vọng của cha". Cứ sớm tinh mơ, bà con trong thôn Kha Bán lại thấy chàng thanh niên cao lộc ngộc cần mẫn cày, cuốc, gánh phân, nhổ mạ, tát nước... thoăn thoắt trên  khắp cánh đồng. Thấy Toản đã thực sự tu chí làm ăn, gia đình mừng lắm và số tiền bố Toản dành dụm được sau bao ngày vất vả, nay đem xây chuồng mua lợn giống về nuôi. Ông yêu cầu Toản chịu khó tham khảo thị trường, đến các hộ khác trong thôn hoặc các xã lân cận có mô hình chăn nuôi lợn để học hỏi kinh nghiệm...

Ban đầu, Toản chỉ nuôi từ 5 đến 10 con, sau đó tăng lên 15 đến 20 con, kết hợp với nấu rượu lấy bỗng cho lợn ăn, phụ giúp gia đình việc đồng áng và làm máy xay xát gạo. Đến tháng 8/1997, Toản xây dựng gia đình. Từ khi lấy vợ, Toản lại càng chịu khó hơn và cứ có việc là làm, không kể mưa nắng, để rồi từ một thanh niên với 2 bàn tay trắng, Toản đã tạo dựng cho mình một cuộc sống khấm khá dần. Năm 2001, Toản ra ở riêng với số vốn tính cóp được trên 30 triệu đồng và tiếp tục xây chuồng trại nuôi lợn.

Đến năm 2006, Toản mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để mở rộng thêm quy mô nuôi lợn. "Lúc đó, mình đã nuôi từ 35 đến 40 con lợn và giữa năm ấy mình xuất bán và có thể trả hết nợ ngân hàng nhưng mình Toản đã mạnh dạn vay thêm 25 triệu rồi chuyển cả gia đình đến thôn Cây Thị (trung tâm của xã”.

Nợ nần trả hết, cuộc sống đủ đầy bên người vợ hiền, đảm đang và con cái ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành là phần thưởng lớn vô giá mà chỉ cần nghĩ đến đã làm cho Toản không khỏi xúc động. "Nói đến Toản thì các thanh niên trong xã tôi không ai là không thán phục bởi nghị lực và ý chí vươn lên. Anh ấy không chỉ là đoàn viên thanh niên ưu tú mà còn là quần chúng gương mẫu để chúng tôi giới thiệu cho Đảng trong thời gian tới...", anh Tăng Văn Thập - Bí thư Đoàn xã Liễu Đô (huyện Lục Yên) nhận xét như vậy. Và có lẽ những gì Toản đạt được ngày hôm nay còn là nhờ anh đã thấm thía lời dạy ở người cha nghiêm khắc mà rất đỗi bao dung với con cái.

Ngọc Sơn

Các tin khác

YBĐT - Đến thôn làng Thọc, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên (Yên Bái) ai cũng tấm tắc khen ngợi gia đình ông Lê Văn Ngang làm kinh tế giỏi. Nếu đem so với các đại gia, triệu phú ở đô thị thì gia tài của ông chẳng thấm vào đâu, nhưng ở một làng quê như làng Thọc thì không phải gia đình nào cũng làm được.

YBĐT - Đến phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Yên Bái, tôi được nghe mọi người kể chuyện về Đại úy Nguyễn Trường Giang – Đội phó Đội điều tra án xâm phạm về nhân thân như một “chủ công” trong khám phá các vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em.

Ông Sáu bên ao cá của gia đình.

YBĐT - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Thương binh tàn nhưng không phế", những năm qua, nhiều gương thương binh đã nỗ lực vượt lên thương tật, trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi. Thương binh Nguyễn Công Sáu, ở tổ 17, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) là một người như thế.

YBĐT - Nhờ những đóng góp của Trưởng bản Hờ Nủ Lâu mà trong những năm qua, bản Khe Ron xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) với 76 hộ, 441 nhân khẩu đều là người dân tộc Mông đã từng bước xóa đói giảm nghèo. Hàng năm có trên 50% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 96 trẻ em đến trường đúng độ tuổi và không có học sinh nào bỏ học giữa chừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục