Những người đi tìm hình của nước
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/9/2010 | 9:26:11 AM
YBĐT - Giữa bao bộn bề cuộc sống đời thường, đôi khi chúng ta không cảm nhận được hết những giá trị của lịch sử, chưa thấu hiểu được một cách sâu sắc về công việc âm thầm mà cao cả, giản dị mà mang đầy ý nghĩa của những người sống quanh ta...
Ông Hà Văn Tích giới thiệu gian trưng bày các kỷ vật với các nhà báo.
|
Chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc những tấm gương tiêu biểu trong việc lưu giữ lịch sử hào hùng qua các cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc...
“Người lính già” hơn 40 năm theo"dấu chân" Bác
"Đã hơn 40 năm Bác đi xa nhưng tôi vẫn tin, một niềm tin bất diệt: Người vẫn ở bên chúng ta, vẫn dõi theo từng bước trưởng thành của đất nước" - Đó là lời tâm sự chân thành về Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Trần Đức Hồi ở tổ 46, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, một cựu quân nhân đã bước sang tuổi 67. Bằng lòng kính yêu, sự biết ơn sâu sắc của một người lính già, hơn 40 năm qua, ông miệt mài đi tìm lại những "dấu chân" của Bác bằng cách sưu tầm tư liệu về Người…
Năm 1959, chàng trai Trần Đức Hồi vừa tròn 17 tuổi. Cũng như bao thanh niên yêu nước khác, hình ảnh Bác và ước mơ "anh bộ đội Cụ Hồ" đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ, thôi thúc thực hiện ước nguyện tòng quân. Trần Đức Hồi đã tự ý khai tăng tuổi để được nhập ngũ. Đời lính gian nan, có những lúc tưởng cận kề cái chết, nhưng bằng niềm tin cách mạng, ý chí kiên trung nên "Anh bộ đội Cụ Hồ" Trần Đức Hồi cùng đồng đội đã đi qua biết bao trận địa, vượt qua bao lửa đạn chiến tranh, đối mặt với ranh giới mong manh giữa sinh và tử...
Ông Trần Đức Hồi giới thiệu bức ảnh về Bác Hồ đăng trên Báo An ninh thế giới mà ông rất quý.
Cứ mỗi lần được nghe nhắc đến Bác là trong lòng người lính trẻ ấy lại dậy lên một khát khao đến cháy bỏng, ước mong chỉ một lần được gặp Người. Và ngày 1/6/1960 đã trở thành một kỷ niệm thiêng liêng trong cuộc đời người lính khi ông được gặp Bác. Ngày đó, ông vinh dự là một trong những cá nhân tiêu biểu của thế hệ trẻ được đi theo đồng chí Bùi Đình Cừ về thủ đô Hà Nội để nghe Bác nói chuyện “tại một trụ sở cơ quan gần Hồ Gươm”.
Ông Hồi tâm sự: “Lúc đó còn trẻ quá, niềm hạnh phúc có được lại quá lớn lao và bất ngờ nên cũng chẳng còn kịp nhận ra là mình đang được gặp Bác ở địa điểm nào của Thủ đô nữa, chỉ biết rằng kể từ đó cho tới tận bây giờ, giây phút gặp Bác cứ như còn mới nguyên, hạnh phúc lắm, vì đó là lần đầu tiên tôi được gần Người đến thế". Và ông cũng nghẹn ngào khi nhắc đến thời khắc đau thương khi Người đi về cõi vĩnh hằng: “Ngày ấy, khi nghe tin Bác mất, cả Huyện đội Mường Khương (nơi ông Hồi công tác lúc bấy giờ) khóc như ri, tất cả đều không thể cầm được nước mắt khi tiếp nhận tin đau lòng ấy. Đối với riêng cá nhân mình, tôi tự nhủ lòng sẽ không bao giờ để hình ảnh Bác phai mờ trong tâm khảm. Để rồi từ thời điểm đó, trong tôi nung nấu ý định sẽ tìm tòi nghiên cứu và sưu tầm tư liệu về Bác - vị Cha già kính yêu của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới”. Theo lời ông Hồi, mỗi khi có điều kiện, ông đều tập hợp giữ gìn những kỷ niệm, mẩu chuyện, văn bản viết về Bác.
Từ những đầu sách báo cho đến những bài viết về Người đều được ông tìm kiếm như một niềm vui không thể thay thế và bằng một tâm huyết, quyết tâm đến lạ kỳ. Bởi theo ông, không một thời điểm nào Bác xuất hiện, không một hành động, lời nói, cử chỉ nào của Bác dù chỉ là rất nhỏ lại không mang một ý nghĩa to lớn đối với tất cả người dân nước nhà… Tất cả những tư liệu sưu tầm được, ông Hồi đều tự tay ghi chép vào sổ, giữ gìn một cách cẩn thận. Kể từ ngày nghỉ hưu, ông càng chuyên tâm hơn vào công việc sưu tầm. Biết ở đâu có tư liệu về Bác là ông tìm đến ghi chép, bổ sung những điều còn thiếu. Kỷ niệm không quên đối với những người con của ông là có lần đang ngồi ăn cơm cùng cả gia đình, bất chợt ông Hồi buông đũa, gần như lao về phòng, ngồi vào bàn và viết một mạch đến gần sáng để ra một bài viết về tư tưởng của Bác đối với công tác thể dục thể thao; hay nhiều lần, ông đi cả buổi không thấy về, hóa ra ông ngồi lì trong thư viện để dày công tìm tư liệu viết về tư tưởng của Người về ngành y tế, về công tác giáo dục và về tư tưởng “trồng người”…
Sau ngần ấy năm, giờ đây căn nhà nhỏ số 41 đường Trần Phú của gia đình ông đã như một "bảo tàng" nhỏ về Bác với vài chục quyển vở ghi chép có phụ lục cẩn thận, đúng 120 bức ảnh về những hoạt động của Bác – theo ông Hồi là để kỷ niệm tròn 120 năm ngày sinh của Người. Gần 2000 bài viết được ông cẩn thận chép tay về tư tưởng của Bác trên mọi lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, ngoại giao... Ông cũng không quên nhắc đi nhắc lại giá trị của những tài liệu đó đối với cá nhân ông cũng như đối với thế hệ trẻ sau này.
Duy chỉ có một trăn trở lớn làm ông phải băn khoăn suy nghĩ, đó là: “Không biết sau này, đến khi tôi không còn đủ sức để đi tìm, sưu tầm những tư liệu, tài liệu về Bác nữa thì ai sẽ làm tiếp công việc đó thay tôi? Còn nếu không có ai làm nữa thì sau đó, ai hoặc cơ quan, đơn vị nào sẽ gìn giữ những gì tôi đã dày công sưu tầm, không để chúng bị mai một?”. Nhìn người lính già Trần Đức Hồi cẩn thận nâng niu “Công trình đi qua hai thế kỷ” của chính mình, chúng tôi cảm nhận được tình yêu và tâm huyết của ông dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc .
Gặp người lưu giữ lịch sử
Một góc "Bảo tàng mini" của ông Hà Văn Tích.
Mọi người biết đến ông Hà Văn Tích - thôn 4 (Thanh Bồng) xã Đại Lịch không chỉ là người thiếu niên trung kiên anh dũng trong chiến đấu, người chủ nhiệm Hợp tác xã Thống nhất nông - thương - tín, xã đội chỉ huy lực lượng du kích, Bí thư Đảng uỷ xã Đại Lịch... mà còn biết đến ông như một người lưu giữ những giá trị lịch sử to lớn. Nhấp chén trà đặc, ông Tích chia sẻ: “Ý tưởng đi tìm những kỷ vật trong chiến tranh và các nông cụ sản xuất của ông cha từ xưa để lại đã nhen nhóm trong tôi từ những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, nhưng cũng phải đến tận năm 2001, tôi mới bắt đầu công việc tìm kiếm. Vậy mà cũng đã gần chục năm rồi”.
Trong ngôi nhà gỗ 3 gian đầy ắp những hiện vật, những nông cụ sản xuất, hình ảnh hoạt động cách mạng của Bác Hồ, quê hương Đại Lịch với trên 300 kỷ vật được sản xuất tại 12 quốc gia: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc... Trong đó có 110 kỷ vật của thời kỳ chống Pháp, trên 90 kỷ vật của chống Mỹ, còn lại là những tấm ảnh về Bác và các vũ khí, công cụ lao động sản xuất của thời kỳ chiến tranh biên giới 1979...
Những kỷ vật này được ông trưng bày khá tỷ mỷ, công phu và sắp xếp theo thứ tự từng năm, từng giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng... Ông giới thiệu cho chúng tôi về lịch sử của những kỷ vật quý giá như thanh kiếm Nhật có từ trước những năm 1945, ông có được khi tham gia phá kho thóc Nhật, rồi các đồ dùng, nông cụ phục vụ sản xuất và chiến đấu: đèn Hoa Kỳ, ấm để sắc thuốc Nam, hũ gạo nuôi quân, bồ xôi nấu cơm cho bộ đội... đã được ông chú thích cẩn thận. Hay các kỷ vật chống Pháp như: tù và, áo trấn thủ, đèn măng xông, giáo, súng kíp, hoả mai, địa lôi... Đến thời kỳ chống Mỹ là các kỷ vật như: gậy Trường Sơn, võng Triều Tiên, dù, nắp mìn chống tăng... Tất cả đều được ông sắp xếp một cách khoa học, có trình tự và như một câu chuyện dài kỳ về sự trưởng thành của cách mạng.
Nhiều đồng chí hoạt động cách mạng xưa và thân nhân các gia đình có công với cách mạng khi đến thăm quan gian trưng bày của ông đã rất xúc động, coi ông như một người để họ có thể gửi gắm, lưu giữ các kỷ vật gắn với cuộc chiến của dân tộc, trong đó có đóng góp một phần công lao, xương máu của chính họ và những người thân như: ông Hà Xuân Tình, ông Hoàng Xuân Khoá, thiếu tá Hà Mai ...
Để cảm ơn tình cảm, sự giúp đỡ tạo điều kiện của các gia đình về những kỷ vật vô giá đó, ông Tích đã dày công tìm hiểu rồi ghi chép, viết thành những trang "nhật ký chiến tranh" về những con người, những kỷ vật đã từng tham gia các cuộc chiến, đến nay ông đã hoàn thành được trên 50 tác phẩm, mỗi tác phẩm đều gắn liền với số phận một con người như một bản anh hùng ca bất tận. “Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là lưu giữ lại lịch sử, nhưng khi những nhân vật trong nhật ký tôi đã viết có dịp trở lại thăm, được đọc những bài viết đó, tất cả đều rất xúc động và cảm ơn vì tôi đã giúp họ được sống lại với những kỷ niệm của cuộc chiến năm nào... Điều đó khiến tôi càng có thêm động lực để có thể cố gắng nhiều hơn nữa”.
Vĩ thanh
Còn nhiều nữa những con người như ông Tích, ông Hồi, vẫn ngày đêm canh cánh một nỗi lòng: làm thế nào để có thể giúp con cháu, thế hệ trẻ ngày nay hiểu được giá trị của lịch sử, để từ đó có động lực hướng tới tương lai. Chúc các ông luôn mạnh khỏe để thực hiện được tâm nguyện của mình.
Thiên Cầm - Trần Ngọc
Các tin khác
YBĐT - Tinh thần không chịu khuất phục đầu hàng trước số phận của người lính Cụ Hồ được chắp thêm đôi cánh của tình yêu thương. Tại nơi điều dưỡng, anh Hùng gặp nữ thương binh Đỗ Thị Nhâm. Hai con người không đầu hàng thương tật ấy tìm thấy ở nhau sự đồng điệu tâm hồn và nảy nở tình yêu thương.
YBĐT - Ông Thào Vảng Tủa – bản Nả Háng Tâu, xã Púng Luông là một trong những cá nhân điển hình đó, ông đã được nhiều người dân trong bản trong xã biết đến và từng bước học tập làm theo.
YBĐT - Đến tổ 36, phố Ninh Thắng, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái hỏi ông Nguyễn Danh Điểm ai cũng biết. Không chỉ là người hiền lành, sống hòa đồng với bà con lối xóm mà ông còn là tấm gương sáng trong việc vận động nhân dân thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
YBĐT - Là một thầy thuốc nhiệt tình, năng động luôn tạo điều kiện trong khám chữa bệnh cho bà con không kể ngày nghỉ hay ngoài giờ làm việc, anh Mùa A Tráng thật xứng đáng với lòng tin yêu của bà con vùng cao Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu (Yên Bái).