Người đem ánh sáng văn hóa về bản

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/10/2010 | 9:41:15 AM

YBĐT - Đến xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), hỏi tên thầy giáo đảng viên Lò Văn Bích - Hiệu trưởng Trường tiểu học Vừ A Dính thì bà con nơi đây ai cũng biết vì thầy là người đã đem ánh sáng văn hoá về cho dân bản vùng cao.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Thái ở bản Có Thái, xã Nậm Có, hồi nhỏ cậu bé Bích đã sớm xác định cho mình một nghề có ích cho đồng bào vùng cao - đó là “nghề dạy chữ”. Bởi quê cậu là xã vùng sâu của huyện vùng cao Mù Cang Chải mặc dù có nhiều giáo viên từ miền xuôi lên đây công tác, nhưng chỉ dạy học được một thời gian ngắn là lại bỏ hoặc xin chuyển vùng do sự khắc nghiệt, khó khăn thiếu thốn của vùng cao.

Việc dạy chữ cho con em người Thái, người Mông ở nơi đây thường bị bỏ dở giữa chừng. Có những giai đoạn ở bản đã dựng được trường lớp nhưng không có giáo viên, trường lại bị bỏ hoang, vì thế mà tỷ lệ người dân ở đây bị mù chữ rất cao, trong đó cán bộ xã có nhiều người chỉ biết ký mỗi cái tên, không biết đọc cũng chẳng biết viết. Nhận thức được việc học chữ sẽ đem lại lợi ích cho bản thân và xã hội, nhận thức và những suy nghĩ như vậy, sau khi tốt nghiệp tiểu học, Bích đã chọn nghề giáo viên và tiếp tục vào học hệ 5 + 3 tại Trường Trung học sư phạm Nghĩa Lộ. Sau 3 năm miệt mài đèn sách, năm 1978, Bích đã tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại ưu. Anh xin Phòng giáo dục - đào tạo huyện Mù Cang Chải cho mình được dạy học tại quê nhà, vì ở đó thiếu giáo viên trầm trọng.

Được Phòng Giáo dục đào tạo huyện đồng ý, thầy giáo Lò Văn Bích đem kiến thức đã được tiếp thu trong những năm tháng học tại trường về truyền đạt cho con em của đồng bào ở các thôn, bản của Nậm Có. Trước tiên, thầy vận động bà con đóng góp nguyên vật liệu, công sức sửa sang lại trường, lớp và phối hợp với xã tổ chức tích cực tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh đưa con đến trường. Ban đầu mới về nhận công tác, thầy Bích cũng gặp không ít khó khăn, vì người dân chưa nhận thức rõ việc học chữ là có ích nên khi đi vận động các bậc phụ huynh cho con đến trường thì nhiều người không nghe và mắng mỏ thầy "Học chữ có no đâu mà thầy cứ lôi con chúng tôi đi...?" Nhưng thầy vẫn không nản lòng, với phương pháp "mưa dầm thấm lâu"; ban đầu lớp học chỉ có vài ba người, dần dần học sinh càng đến học đông hơn. Không chỉ làm giáo viên mà với năng lực trách nhiệm của tuổi trẻ, thầy giáo Bích còn được bầu làm Phó bí thư Đoàn xã nên thời gian buổi sáng thầy dành dạy các em nhỏ tuổi, buổi tối với vai trò Phó bí thư thanh niên, thầy Bích lại tập hợp tổ chức dạy bổ túc cho đoàn viên, thanh niên. Có thầy Bích làm điểm tựa, các thầy, cô giáo từ miền xuôi lên cũng thấy vui và yên tâm ở lại công tác.

Từ chỗ chỉ có duy nhất một trường học ở trung tâm, xã Nậm Có đã mở rộng thêm các phân hiệu khác như phân hiệu trường Tú San, phân hiệu Tà Ghênh và đến nay 13 bản trong xã đều đã có trường, lớp học cho con em đồng bào Mông và đồng bào Thái đến học chữ, hiện nay xã đã xây dựng thêm được một trường trung học cơ sở.

Sau 32 năm tâm huyết với nghề, thầy giáo Bích đã đào tạo nhiều học trò trở thành người có ích cho xã hội và đất nước. Trong đó có người thì làm giáo viên tiếp tục sự nghiệp của thầy đem ánh sáng văn hoá vào những bản vùng sâu, vùng xa, có người thì làm cán bộ, lãnh đạo ở địa phương, có người thì trở thành công an, quân đội bảo vệ tổ quốc và còn một số thì làm cán bộ ở huyện, ở tỉnh… Bản thân thầy Lò Văn Bích cũng đảm nhiệm, kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau ở địa phương như Phó hiệu trưởng, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã và hiện nay là Hiệu trưởng trường tiểu học Vừ A Dính của xã Nậm Có.

Là một người “chỉ đạo”, thầy giáo Lò Văn Bích không chỉ dạy chữ mà còn dạy cả cách sống, cách làm người có đạo đức và biết yêu quê hương đất nước, không du canh, du cư, không chặt phá, đốt rừng bừa bãi, không nghiện ngập và bảo vệ môi trường sinh thái... cho con em của đồng bào mình. Là lãnh đạo trường, thầy luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ, giáo viên cũng như học sinh nên chất lượng dạy và học của Nậm Có luôn được đảm bảo. Các phong trào ngoại khoá như sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì đều đặn.

Chia tay Nậm Có trong buổi chiều nhạt nắng, chúng tôi gặp từng đoàn học sinh trong trang phục dân tộc Thái, Mông đi học về, đang cất cao lời bài hát "Người Mèo ơn Đảng".  Nậm Có đã thực sự đổi thay nhờ ánh sáng văn hoá của Đảng, của Bác mà thầy giáo Lò Văn Bích tận tâm mang về.

Sùng Đức Hồng

Các tin khác
Ông Chu Đình hà chăm sóc vườn thanh long.

YBĐT - Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mô hình kinh tế VACR của ông Chu Đình Hà, thôn Đồng Danh, xã Minh Quân (Yên Bái) đã được nhiều người biết đến bởi cách làm đúng hướng và hiệu quả.

YBĐT - Được Đảng ủy xã giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh Vũ Xuân Trường ở thôn 2, xã Châu Quế Thượng (Văn Yên), là một gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế gia đình nhờ biết mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất với quy mô tập trung đã mang lại kết quả thiết thực, từng bước đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo.

YBĐT - Nhìn cơ ngơi khang trang được bài trí ngăn nắp với tấm bằng gia đình văn hóa và hàng giấy khen được treo trang trọng giữa nhà, nếu không tìm hiểu không thể biết anh Hoàng Văn Lập - Trưởng thôn Hin Trạng, xã Tân Lập (huyện Lục Yên) là người đã từng một thời lầm lỡ.

Anh Trần Văn Xứng đang chăm sóc nhím cái sinh sản trong trang trại nhím của gia đình.

YBĐT - Nói đến nghề nuôi nhím mà trở thành triệu phú, tỷ phú thì ở các địa phương trong tỉnh không hiếm. Chỉ ở ngay trong thành phố Yên Bái thôi cũng đã có vài chục hộ. Nhưng đối với xã Vân Hội, huyện Trấn Yên thì mô hình nuôi nhím của gia đình anh Trần Văn Xứng ở thôn 8 lại là cách làm ăn mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục