Nữ đảng viên bên dòng suối Hát
- Cập nhật: Thứ năm, 28/10/2010 | 9:26:36 AM
YBĐT - Chị Lò Thị Lả sinh ra và lớn lên ở thôn Lừu 2 xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) trong một gia đình đông anh em, bố mẹ làm nghề nông. Được chứng kiến những khó khăn, vất vả của cha mẹ, chị tự nhủ phải cố gắng trong học tập, lao động để cuộc sống sau này đỡ khổ.
Chị Lả chăm sóc đàn lợn thịt.
|
Năm 1975 chị Lả lấy chồng và ra ở riêng, cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn. “Ý chí vươn lên thoát nghèo luôn thường trực trong tôi, nhưng đâu là hướng đi, đâu là câu trả lời cho công việc sắp tới của mình là một vấn đề khó. Nhiều đêm hai vợ chồng thức trắng để phân tích cho nhau cách thức làm ăn, song rất mông lung...”.
Trong hoàn cảnh như vậy, thì một hướng đi, một lời động viên, chia sẻ sẽ là nguồn cổ vũ nhiều hơn bất cứ thứ gì chị có. “Hãy tham gia vào các hoạt động của xã, chị sẽ tìm được hướng đi cho mình” - đó là lời động viên của người bạn đang tham gia Hội Phụ nữ xã. Như có được chìa khóa trong tay, chị đã bàn với chồng, sắp xếp công việc đồng áng, chăm sóc con cái và mạnh dạn tham gia Hội Phụ nữ của thôn.
Từ một hội viên hội phụ nữ thôn, với lòng nhiệt tình, tâm huyết, được giao lưu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các chị em khác trong các buổi sinh hoạt, chị Lả đã được Hội Phụ nữ xã tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành. Ở cương vị mới chị được tiếp xúc nhiều hơn ở các buổi sinh hoạt, cách thức làm ăn, các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình ở các xã và các huyện, thị trong tỉnh, được tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa khoa học vào trong sản xuất, chăn nuôi...
Ngoài làm tốt công việc Đảng, Nhà nước giao phó, về với gia đình chị đã tổ chức lại cách thức làm ăn như: xây dựng chuồng trại để nuôi lợn nái và đàn lợn thịt gần 10 con, tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy lúa, đưa các giống lúa năng suất cao vào gieo cấy. Những lúc rảnh rỗi, chị Lả tìm đến các hội viên khó khăn tư vấn cho họ cách phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2008, sau khi vay ngân hàng 15 triệu đồng, chị quyết định đầu tư mua thêm 3 con bò, 1 con trâu về nuôi, nhưng mùa đông năm đó, khí hậu khắc nghiệt chúng đều chết vì lạnh. Vượt lên khó khăn đó, chị mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng và mở rộng diện tích trồng chè Shan tuyết trên 6000 m2, 3000 m2 trồng rau màu, tre, măng Bát Độ, rồi đào thêm ao để nuôi cá giống... Đến nay, ngoài 5.600 m2 ruộng nước gieo cấy các giống lúa chất lượng cao thì bước đầu cây chè Shan tuyết đã cho thu nhập. Tính cả chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá, từ tre, măng, hàng năm gia đình chị thu về gần 100 triệu đồng.
Từ một gia đình khó khăn nay chị Lả đã vươn lên thoát nghèo, chị đã dựng được một ngôi nhà sàn 4 gian to đẹp bên dòng suối Hát ở thôn Lừu 2. “Mới đây, có ông khách ngoài Yên Bái vào hỏi mua khung ngôi nhà với giá 500 triệu đồng, nhưng tôi không bán...” - chị Lả thật thà cho biết.
Cuộc sống ngày càng khấm khá, con cái học hành chăm chỉ, lại được các hội viên tin yêu, mến phục. Thành công đó, kết quả đó khẳng định ý chí, nghị lực và vai trò tiên phong, gương mẫu của nữ đảng viên Lò Thị Lả.
An Nguyên
Các tin khác
YBĐT - Nghề sản xuất gạch thủ công trong nhiều năm qua đã góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn tại xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái). Tạo nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân, trong đó phải kể tới hộ gia đình anh Lại Xuân Nghiêm, một trong những hộ làm gạch thủ công lâu năm phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương.
YBĐT - Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Giang cùng gia đình quyết định đầu tư vào trồng rừng. Với diện tích đất rừng gia đình được giao và mua trước đó, anh Giang đã bỏ vốn đầu tư trồng 5 ha quế, 6 ha bồ đề, keo và khoảng 0,5 ha chè cành.
Chị Vàng Thị Pàng - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con ở bản Mí Háng Tâu, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).
YBĐT - Gặp gỡ, tiếp xúc với anh Đỗ Thành Giang, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trạm Tấu, tôi ấn tượng với anh bởi đó là một kỹ sư trẻ tâm huyết với nghề, một đảng viên cần mẫn, năng động và sáng tạo.