"Con dâu của vùng cao"
- Cập nhật: Thứ hai, 6/12/2010 | 4:05:07 PM
YBĐT - Bước chân lên bản khi mới đôi mươi, giờ đây cô giáo Trần Thị Hường (Trường Tiểu học Suối Giàng, Văn Chấn) đã trở thành một người con của đồng bào Mông nơi đây.
Cô và trò lớp mẫu giáo lớn trên bản Tà Ghênh, xã Nậm Có, Mù Căng Chải. (Ảnh: Huy Văn)
|
Thời gian qua đi, các lớp học trò trưởng thành, bao thầy cô giáo đã đến rồi chuyển đi nhưng cô giáo Hường vần cần mẫn với việc dạy chữ nơi mảnh đất quanh năm mây mù bao phủ này.
Những bước chân đầu tiên lên bản thật nhọc nhằn. Lau sậy um tùm, lên đến trung tâm xã thì mặt mũi đã sứt sát hết vì bị lau sậy cứa. Gọi là trung tâm xã nhưng lèo tèo chục nóc nhà. Khi đó, trường học tạm bợ, bừa bộn. Cả trường chỉ có 3 thầy cô giáo. Đó là những điều mà thiếu nữ 18 tuổi chưa bao giờ tưởng tượng nổi: "Cả trường này như một cái chuồng trâu, người dân nhốt trâu vào bên trong, lớp học dê chạy xung quanh trường và chui đầy vào trong nhà. Tồi tàn lắm, không có gì cả. Học sinh đến lớp rất ít. Cả xã hơn nghìn dân nhưng chỉ có đến lớp ba, mỗi lớp lèo tèo vài học sinh".
Cứ ngỡ lên bản để dạy học, ai ngờ không có học sinh để dạy. Thế là công việc đầu tiên là đi vận động học sinh ra lớp. Để tìm được các em, cô Hường phải leo qua các triền dốc đứng lởm chởm đá. Những ngày đầu tiên lên bản, khi đến được với các em thì cô đã mệt nhoài, đói lả, không còn hơi để nói, để khuyên. Lại gặp vô vàn những sự thờ ơ, thậm chí ngăn cản từ phụ huynh: "Có những lần lên bản vận động, anh trai của học sinh đã cầm dao đòi chém, đuổi cô giáo, không cho cô giáo vào nhà gọi học sinh, và bảo: Không đi học không chết, không có gạo mới chết. Dần dà phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình cũng hiểu ra và cho con em đi học".
Lặn lội gọi các em ra lớp rồi, cô Hường lại đối mặt với khó khăn khác. Đó là sự cách trở về ngôn ngữ. Thế là thay vì dạy, cô đi học tiếng Mông. Ngày học được năm, bẩy từ nhưng có ngày học một lời không xong. Đó là những ngày cô Hường buồn nhất. Song song với trăm bề thiếu thốn, cô cảm thấy bất an. Nhưng nước chảy thì đá phải mòn, sau nhiều đêm thức trắng để nhẩm từng lời, mấy tháng sau cô có thể nói và hiểu được gần như thành thạo tiếng Mông.
Với học sinh vùng cao, không chỉ có việc dạy chữ. Là cô giáo thôi chưa đủ, phải còn có trách nhiệm của người mẹ nữa. Có một câu chuyện cách đây hàng chục năm nhưng đến giờ cô Hường vẫn chưa hết sợ. Ở lại trường nên hàng đêm cô kiêm luôn cả trăm em học sinh ở nội trú. Hôm ấy, bất ngờ có em lăn ra ngất xỉu, đồng tử giãn hết. Những cách sơ cứu đều vô hiệu, cô Hường quáng quàng nhưng không biết xử lý thế nào. May thay sau đó em học sinh đã tỉnh. Đó chính là bài học mà cô Hường nhớ mãi: "Hai mươi phút sau thằng bé mới tỉnh hoàn toàn, gọi nó biết, đánh thì biết khóc. Khi đó mình vừa cười vừa khóc. Nghĩ thương học sinh nhưng cũng trách mình, trong lúc vội vàng, sợ hãi đó không biết làm gì sáng suốt".
Bây giờ, đồng bào Mông đã tự giác đưa con em đến lớp và chăm lo sự học cho con em. Trường Tiểu học Suối Giàng đã đầy đủ hơn về vật chất với 17 lớp học, gần 30 giáo viên. Công tác dạy và học đạt được nhiều kết quả với tỷ lệ giáo viên và học sinh giỏi ngày một cao. Cùng với sự phát triển đi lên đó, nhiều thầy cô đến rồi lại về xuôi, chỉ có riêng cô giáo Trần Thị Hường vẫn gắn bó trọn đời với mảnh đất này.
Thầy Trần Thanh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường bảo, nếu có một ai gắn bó và tâm huyết thực sự với mảnh đất này thì người đó chỉ có thể là cô Hường. Thầy Sơn cho biết: "Cô Trần Thị Hường là cô giáo có tính cách mạnh mẽ, dám nghĩ làm, dám chịu trách nhiệm, yêu nghề mến trẻ. Cô cũng chịu khó học hỏi nâng cao trình độ của mình, nhiều năm liền cô là giáo viên dạy giỏi cấp trường".
Còn Phó chủ tịch xã Giàng A Giao thì nói với cả tấm chân tình: "Cô Hường là cô giáo gắn bó với Suối Giàng lâu năm nhất, từ năm 1992 cô đã lên đây. Với tâm huyết của mình cô đã dìu dắt các em. Cô Hường là cô giáo mà chúng tôi hay gọi là “Con dâu của vùng cao”. Phó chủ tịch xã Giàng A Giao cũng cho biết thêm rằng năm học vừa qua, cô Trần Thị Hường được bầu chọn là “Cô giáo được phụ huynh và học sinh yêu quý nhất”. Đó là phần thưởng tinh thần mà không phải thầy cô giáo nào cũng có được.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Ngày nào cũng vậy, khoảng 5h sáng và từ 4h30 chiều, cái xóm nhỏ xinh, sạch, đẹp thuộc thôn 3B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) lại vang lên âm thanh "xoẹt xoẹt" quen thuộc từ chiếc chổi mo cau của ông lão ngoài 70 tuổi cặm cụi quét dọn đường làng.
YBĐT - Biết có khách đến, bà Phương tất tả từ đồng về nhà: “Mọi ngày, khi không nhìn rõ mặt người tôi mới về, cố thêm một tý thì các con ở xa đỡ vất vả. Ngày trước khi các cháu còn nhỏ, kinh tế gia đình tôi cũng không đến nỗi khó khăn lắm nhưng từ khi các cháu vào cấp 3, chúng tôi dồn tất cả chỉ để nuôi con ăn học nên vất vả hơn”.
YBĐT - Hiện giờ những ao ba ba của anh có tất thảy 800 con gồm cả ba ba sinh sản và ba ba thương phẩm hứa hẹn những đợt xuất bán mới... Anh Đạt cũng đang tích cực chăm sóc những con ba ba con vừa để bán ba ba giống, vừa để chăm thành ba ba thương phẩm. Những con ba ba giống này hiện cũng có giá đến 600 - 700 ngàn đồng/con.
YBĐT - Ở thôn Ngòi Mấy, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (Yên Bái) người ta thường nhắc tới ông Trưởng thôn Triệu Viết Ngoày như một người ông, người cha, người anh của gia đình bởi sự nhiệt tình giúp đỡ, bảo ban những người dân trong thôn về nếp ăn, nếp ở sao cho tiến bộ, rồi cách lao động sản xuất theo khoa học kỹ thuật mới.