“Thầy thuốc không phải nghề để làm giàu”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/3/2011 | 9:07:30 AM

YBĐT - Bằng tay nghề và y đức thầy giáo thầy thuốc, thầy thuốc, Trần Văn Phâu đã góp phần gìn giữ và phát huy nền y học cổ truyền của dân tộc.

“Sau này dù muốn làm gì con cũng phải học được 2 nghề “làm thầy” đó là nghề dạy học và nghề thầy thuốc”. Lời dặn ấy của người cha đã theo thầy giáo, thầy thuốc Trần Văn Phâu suốt những năm tháng tuổi trẻ, là động lực để ông hăng say học tập và nghiên cứu không mệt mỏi với mong muốn chắp cánh cho những ước mơ học trò và quan trọng hơn cả là cứu giúp những con bệnh.

Khi tôi đến, ông Phâu đang mải miết chăm sóc vườn cây thuốc nam của gia đình. Ông nâng niu từng mầm ươm và say sưa chỉ cho tôi công dụng của từng cây thuốc. 2 năm trước ông được nghỉ hưu, người thầy giáo cựu hiệu trưởng của Trường Tiểu học xã Cảm Ân (Yên Bình) này chưa vội nghỉ ngơi, ông lại bận rộn với từng thang thuốc và công việc chăm sóc bệnh nhân của mình. Đây là nghề đã 5 đời nhà ông truyền lại. Giữ gìn và phát triển thêm những bí quyết gia truyền của gia đình, đến nay ông đã hành nghề y được hơn 40 năm.

 Ông mày mò, tìm hiểu về công dụng của từng loại cây thuốc nam, chỉ cần biết ở đâu có cây thuốc quý thì dù có xa mấy, ông cũng quyết đi tìm về cho kỳ được, lúc Hải Dương, khi Hải Phòng, có khi lại mãi tận Đà Nẵng, Lâm Đồng... Không biết chân tay ông đã bao lần toạc máu do gai cào và trượt ngã ở vách đá trong những lần vào rừng tìm cây thuốc. Có lần ông đạp xe đến chân núi rồi gửi xe ở đó lên rừng đi tìm thuốc, mải miết tìm kiếm hết hái lại đào kết quả là trời tối và ông bị lạc trong rừng, phải đến khi người chủ nhà nơi ông gửi xe đạp lên rừng tìm mới thấy được ông.

Câu chuyện giữa tôi và ông bị gián đoạn vì có khách đến cắt thuốc. Trong khi chờ ông bốc thuốc, qua tìm hiểu tôi đuợc biết người khách mới đến là chị Nguyễn Thị Hoa trú tại km 13 xã Tân Hương. Hôm nay chị đến là để lấy thêm thuốc cho bố mình. Chị chia sẻ: “Bố tôi bị bệnh sưng gan đã uống thuốc nhiều nhưng không đỡ, ông cứ mệt mỏi và yếu dần đi. Có người mách đến thầy Phâu cắt thuốc. Ông uống thuốc của thầy Phâu đến nay được hơn 2 tháng thì thấy đã khoẻ nhiều, đi kiểm tra ở bệnh viện thấy bảo đã gần khỏi hẳn. Con trai tôi cũng bị sỏi thận sau 3 tháng uống thuốc ở đây cháu đã khỏi hoàn toàn. Lần nào tôi đến lấy thuốc thầy Phâu cũng chỉ lấy một phần tiền thuốc thôi”.

Bằng những bài thuốc gia truyền chữa các chứng bệnh về gan, thận, rất nhiều bệnh nhân bị xơ gan cổ chướng, thận nhiễm mỡ ở vào tình trạng nguy kịch tưởng như vô phương cứu chữa đã được ông Phâu cứu sống và chữa khỏi hoàn toàn. Từ nền tảng sẵn có kết hợp với nghiên cứu học hỏi, ông còn có các bài thuốc đặc trị các bệnh co thắt đại tràng, dạ dày, các bệnh về khớp, viêm hạch, các bệnh về thần kinh và đặc biệt là bài thuốc chữa bỏng đã nổi tiếng xa gần. Bệnh nhân của ông không chỉ là người dân địa phương mà họ đến từ rất nhiều các tỉnh, thành khác như: Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nội, có người còn mãi trong tận thành phố Hồ Chí Minh.

Với suy nghĩ đã phải tìm đến thầy thuốc thì ai cũng khổ nên nếu làm được gì giúp họ ông luôn sẵn lòng, ông tâm sự: “Với những bệnh nhân ở xa, bệnh quá nặng hay những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, tôi tạo điều kiện để họ được ăn, nghỉ, sinh hoạt cùng với gia đình luôn, vừa tiện cho việc điều trị vừa giúp họ bớt vất vả”.

Không chỉ có vậy những người tìm đến ông chữa bệnh nếu là người già ông chỉ lấy một nửa số tiền thuốc, còn nếu là trẻ em từ cấp tiểu học trở xuống ông chỉ lấy 1/3 số tiền thuốc. Bởi với ông, thầy thuốc không phải nghề để làm giàu.

Chị Triệu Thị Hương, mẹ của cháu Hoàng Văn Tuyến 8 tuổi trú tại Km 28 xã Tân Nguyên bị bỏng nước sôi bỏng từ ngực xuống đến gần đầu gối hiện đang nằm điều trị tại nhà thầy thuốc Phâu, xúc động cho biết: “Con tôi bị bỏng được 5 hôm rồi đưa xuống đây nhờ bác Phâu chữa đến nay đã đỡ nhiều, các vết loét đang dần khô lại”.

Thầy thuốc là nghề làm phúc, quan niệm ấy của thầy Phâu đã giúp không biết bao nhiêu người có được cuộc sống khoẻ mạnh, gia đình sum vầy. Một thanh niên ở xã Bảo Ái mắc bệnh thận nhiễm mỡ, gia đình đã chạy chữa khắp nơi chữa bệnh nhưng đến đâu người ta cũng khuyên nên đưa về nhà để anh được sống những ngày cuối cùng với gia đình. Người thân đã cạn nước mắt vì khóc thương xót anh. Có người mách đưa anh đến thầy Phâu. Lúc đó toàn thân anh đã phù biến dạng, bụng chướng to, mắt bị mặt phù che khuất cũng chẳng nhìn thấy gì nữa.

Sau câu nói “tôi sẽ cố gắng hết sức” với gia đình người bệnh, ông Phâu đi bốc thuốc, đun rồi cho bệnh nhân uống, cứ như vậy ròng rã suốt 3 tháng trời, điều kỳ diệu đã xảy ra, bệnh nhân này đã bình phục hoàn toàn. Gia đình cảm động xin ông nhận anh làm con nuôi vì chính ông đã sinh ra anh lần nữa, không thể từ chối, ông đã để anh sống với gia đình ông cho đến khi lập gia đình.

Bằng tay nghề và y đức thầy giáo thầy thuốc, thầy thuốc, Trần Văn Phâu đã góp phần gìn giữ và phát huy nền y học cổ truyền của dân tộc. Hiện ông là thành viên Ban Chấp hành chi hội Đông y xã Cảm Ân,  hội Đông y huyện Yên Bình. Năm 2010 vừa qua ông vinh dự là một trong ba đại diện xuất sắc nhất của tỉnh Yên Bái về dự Hội nghị Y học cổ truyền Trung ương được tổ chức tại thủ đô Hà Nội.

Kim Ngân

Các tin khác

YBĐT - Bác sỹ Đặng Bạch Yến liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được công nhận danh hiệu "Phụ nữ hai giỏi".

Nông dân xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) thu hoạch rau màu.
(Ảnh: Nguyễn Đức Phương)

YBĐT - Không chỉ tận tụy với công việc, gia đình ông Pầng luôn đạt tiêu chuẩn văn hóa và gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, nhất là các phong trào ủng hộ “Ngày vì người nghèo”, làm kênh mương nội đồng, bão lũ...

YBĐT - Hình ảnh người phụ nữ Mông đẹp dịu dàng trong sáng mà ẩn sâu trong đó là nghị lực, bản lĩnh, sự thông minh tinh tế và nhạy cảm của người chiến sĩ an ninh đã làm tôi rung động. Sự kết hợp hài hoà đó khiến chị đẹp rực rỡ như bông hoa của núi rừng Tây Bắc.

YBĐT - Chị Phạm Thị Xuân ở tổ 10, thị trấn Yên Thế (Lục Yên) sinh năm 1962, quê ở Hưng Yên là nơi có những làng nghề buôn bán sắt vụn lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục