Chuyện về người thợ làm khèn giỏi nhất vùng
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/4/2011 | 10:09:37 AM
YBĐT - Sau nhiều năm dày công tu luyện, A Chua không những trở thành người thổi khèn hay mà còn là một người thợ làm khèn cũng rất giỏi. >>>Âm thanh của đại ngàn
Người Mông múa khèn trong ngày hội.
|
Cái tên “người thợ làm khèn” của Thào A Chua không chỉ riêng người Mông ở bản Nả Háng Tâu, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải - nơi ông sinh sống mới được biết đến mà cả vùng người Mông ở Tây Bắc, ai cũng đều biết đến tên người thợ làm khèn rất giỏi này.
Từ khi mới cất tiếng chào đời, bé Thào A Chua đã được ru bằng những âm điệu du dương trầm bổng của cây khèn do người cha và các chú, bác của cậu thổi.
Là con trai của dân tộc Mông, tất nhiên lớn lên là phải biết thổi và biết múa loại nhạc cụ độc đáo này, vì loại nhạc cụ này không chỉ dùng để hòa âm và đệm cho các làn điệu dân ca mà tiếng khèn còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn là dùng để tiễn đưa linh hồn của những người đã khuất về với tổ tiên.
Do đó, trong đời sống tinh thần, chiếc khèn luôn mang hơi thở của đại ngàn, là lời tỏ tình muôn thuở, là tình yêu của cuộc sống nơi rẻo cao và tiếng khèn được coi như phần hồn của đồng bào dân tộc Mông. Chính vì lẽ đó, khi lớn lên, A Chua không chỉ học thổi khèn mà còn học cả cách làm khèn nữa.
Sau nhiều năm dày công tu luyện, A Chua không những trở thành người thổi khèn hay mà còn là một người thợ làm khèn cũng rất giỏi. Với thâm niên 20 năm làm khèn, ông Thào A Chua được coi là một trong số những nghệ nhân chế tác và thổi khèn Mông tài nhất của vùng. Yêu say đắm tiếng khèn từ thời trai trẻ, ông Chua đã miệt mài học hỏi, nghiên cứu để gắn bó với nghề làm khèn gần như suốt đời.
Gặp chúng tôi, ông say sưa kể chuyện về cách thổi khèn và nghề làm khèn của mình. Ông cho biết: “Tôi có thể thổi khèn cả ngày và chế tác cây khèn bất cứ lúc nào tôi muốn”. Qua câu chuyện với nghệ nhân Thào A Chua, người ta có thể cảm nhận được niềm say mê cũng như những khó khăn và nỗi niềm về tương lai của nghề làm khèn.
Để làm được một cây khèn như ý, phải rất kỳ công và qua nhiều công đoạn mới có thể tạo ra được nó. Trước tiên, phải vào rừng chọn những cây sặt hoặc cây trúc lâu năm, thân cây thẳng, sau đó là phải chọn gỗ pơ mu, bổ từng miếng to bằng bắp chân, dài khoảng 1 mét đem về đục đẽo làm thân cây khèn. Nhưng loại gỗ này chỉ mọc ở trên núi cao nên muốn có được nguyên liệu như ý, ông Chua phải dành khá nhiều công lặn lội đến tận những khu rừng xanh, xa nhà đi mất cả ngày đường để tìm kiếm.
Sau khi tìm được đủ nguyên liệu, ông đem về nhà và gác lên trên gác bếp vài tháng để khô dần, tránh hiện tượng nứt vỡ trong điều kiện khí hậu khô hanh, sương gió và cả mối mọt trong quá trình sử dụng. Chế tác khèn Mông là cả một quá trình đòi hỏi sự tỷ mỷ, tinh tế và nhẫn nại trong từng động tác.
Từ khâu gọt, đục đẽo thân khèn đến việc hơ lửa uốn cong từng đoạn ống sặt theo hình dạng từng chiếc khèn đến khi làm hoàn thiện một cây khèn là phải mất ít nhất từ 3 đến 4 ngày. Nhưng với lòng say mê, tâm huyết với nghề, ông không hề nản chí, bằng đôi tay khéo léo ông Chua đã làm được những chiếc khèn rất đẹp và có âm sắc như ý được khách hàng ai cũng khen.
Tiếng lành đồn xa, có những thời gian, đơn đặt hàng của khách nhiều, ông Chua phải làm liên tục mới đáp ứng được nhu cầu. Khách của ông, không chỉ riêng ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu hay Văn Chấn của tỉnh Yên Bái mà còn có nhiều khách đến từ các tỉnh bạn như: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La... Khèn của ông làm ra được bán với giá bình quân từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng, tùy theo độ dài, ngắn của cây khèn.
Nhờ có nghề làm khèn, mỗi năm gia đình ông có thu nhập thêm trên dưới 50 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Nhưng ngoài thu nhập kinh tế, theo ông Chua, cái chính là “làm khèn là để góp thêm một phần công sức nhỏ bé của mình trong việc lưu truyền và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc”.
Sùng Đức Hồng
Các tin khác
YBĐT - Những người lính năm xưa, CCB hôm nay ở huyện Trấn Yên vẫn tỏa sáng, mãi xứng danh là “Bộ đội Cụ Hồ”.
YBĐT - Ông là Trần Văn Tạ - người Bí thư Chi bộ phố mẫu mực, luôn năng nổ, nhiệt tình trong mọi công việc của khu.
YBĐT - Xây dựng nông thôn mới hôm nay, đang rất cần những nữ hội viên nông dân gương mẫu và có tấm lòng như chị Hoàng Thị Yên, hội viên Hội Nông dân tổ dân phố 1, thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn.
YBĐT - Lê Mỹ Anh hiện đang là học sinh lớp 9A, Trường THCS Minh Quán (Trấn Yên). Em luôn được thầy cô và bạn bè yêu mến không chỉ bởi tính cách dịu dàng, hiền lành và hòa đồng mà còn là bảng thành tích học tập đáng nể của mình.