Bác sĩ Hà Minh Thư và hành trình loại trừ bệnh sốt rét
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/5/2011 | 9:57:11 AM
YBĐT - Dịch sốt rét lan tràn hầu hết các địa phương trong tỉnh Yên Bái, ngay cả thị xã Yên Bái cũng có nhiều vụ dịch xảy ra, vùng sâu, vùng xa dịch càng nặng.
Yên Bái là một trong những tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh sốt rét cao nhất của cả nước. Đó là thời điểm cách đây gần 30 năm, khi bác sĩ Hà Minh Thư - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Yên Bái về công tác tại Trạm tiêu diệt sốt rét Hoàng Liên Sơn (Nay là Trung tâm phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Yên Bái).
Trên địa bàn tỉnh khi ấy có những vụ dịch hàng trăm người chết. “Lần tham gia chống dịch tại xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn khi chúng tôi đến, con số người chết vì sốt rét đã là 20 người. Mùa gặt, những cánh đồng lúa chín vàng không có người gặt, nhiều gia đình không có người nấu cơm, trường học đóng cửa...”.
Bác sĩ Thư nhớ lại mà vẫn còn cảm giác xót xa. Cũng thời điểm ấy, ngoài tình hình phức tạp của dịch sốt rét, ngành y tế còn phải đối mặt với hàng loạt những thiếu thốn, nhất là về đội ngũ cán bộ, mạng lưới y tế. Nhiều xã không có cán bộ y tế, không có phòng y tế, vì thế: “Xuống xã, nói là chỉ đạo chống dịch, song thực tế chúng tôi phải trực tiếp làm công việc của cán bộ y tế cơ sở”.
Ngày tháng đầy rẫy những khó khăn đó, trẻ tuổi, nên bác sĩ Thư được ưu tiên công tác ở những địa bàn xa xôi, khó khăn nhất. Công tác như cơm bữa, ở lại địa bàn vài ba hôm là chuyện bình thường. Đi cơ sở bằng đủ mọi phương tiện có thể, nhiều nhất vẫn là đi bộ, có những hôm đi bộ cả ngày trời. Có lúc xong việc, nhỡ tàu lại phải hôm sau mới về được... Song, nan giải nhất, cản trở việc ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh nhất vẫn là phong tục tập quán của người dân. Đồng bào dân tộc nặng tập tục cúng ma cho người ốm.
Đến được vùng dịch mà không thể vào được nhà dân. Đã làm mọi cách dân vận từ tuyên truyền, giải thích, tranh thủ già làng, trưởng họ nhưng nhiều khi vẫn không thắng nổi “lệ làng”. Không ít lần, Bác sĩ Thư cùng đồng nghiệp phải ngồi chờ cho gia đình cúng ma xong mới được vào khám chữa bệnh. Thậm chí có lúc chờ rồi cũng không vào được, đi chữa bệnh mà phải “năn nỉ” người nhà bế người bệnh ra cửa để khám chữa. Lại có những lần đi khám bệnh mà "cười ra nước mắt".
Đồng bào dân tộc có người nhất định đòi bác sĩ phải tiêm cho một mũi rồi mới cho khám, đơn giản vì họ nghĩ tiêm là chữa được bệnh, là khoẻ người. Giải thích thế nào cũng không nghe. Nhanh trí, Bác sĩ Thư đành phải tiêm cho họ một liều thuốc bổ nhẹ. Lần khác, xuống đến xã, hết thảy người dân trong xã đều đòi phải được khám bằng ống nghe dù việc này là không cần thiết. Cũng không còn cách nào khác ngoài việc chiều lòng dân. Cả ngày trời ngồi khám đến nỗi hai tai ù ù, ê nhức, hai tay rã rời...
Không phải không có lúc mệt mỏi, song hình ảnh những người dân nghèo và bệnh tật, những cánh đồng lúa chín vàng không người gặt, những gia đình không có người nấu cơm, trường học đóng cửa vì sốt rét lại khiến bác sĩ Thư đau đáu. Sau nhiều gian khó, thiếu thốn của giai đoạn này, công tác phòng chống sốt rét của những người như Bác sĩ Thư được tiếp thêm sức mạnh từ sự quan tâm, đầu tư khá lớn của Nhà nước cho công tác này những năm sau đó. |
Công tác tuyên truyền có nhưng hiệu quả kém. Đầu tư cho tuyên truyền rất hạn chế. Có những đợt nhờ tác động của chính quyền có một vài buổi tuyền truyền qua loa truyền thanh được thực hiện, nhưng ngay cả hệ thống loa truyền thanh ngày ấy cũng rất thiếu. Cộng thêm chuyện dân nghèo, lo làm ăn hơn lo chữa bệnh, nhận thức về bệnh tật nói chung rất hạn chế. Lại thêm thói quen ngủ không màn, nhất là ở vùng cao khiến cho sốt rét cứ lai rai, lưu hành nhiều năm như vậy.
Trong khó khăn chồng chất, Bác sĩ Thư cùng đồng nghiệp vừa tìm cách động viên nhau, vừa nỗ lực xin hỗ trợ của Trung ương, kêu gọi sự ủng hộ của các hợp tác xã, Hội Chữ thập đỏ giúp tuyên truyền vận động nhân dân ngủ màn, uống thuốc đủ liều, đi thử máu, hỗ trợ màn, hỗ trợ người nghèo mắc bệnh, huy động nhân công làm vệ sinh môi trường, phun hoá chất diệt muỗi... "Mỗi bình hoá chất lúc ấy phải hai chục cân, máy bơm cũng nặng. Phải hai người đổi nhau mới phun hết được. Cán bộ y tế chúng tôi nhiều khi vừa hướng dẫn nhân công vừa trực tiếp phun hoá chất này"....
Giai đoạn 2006-2010, mỗi năm Nhà nước đầu tư hàng vài chục tỉ đồng cho công tác phòng chống sốt rét. Ngoài ra, nhiều tổ chức Phi chính phủ quốc tế có sự đầu tư, hỗ trợ cho phòng chống sốt rét tại Việt Nam đặc biệt là Dự án phòng chống sốt rét Việt - Úc từ năm 1996 đến năm 2000.
Công tác truyền thông phòng chống sốt rét cũng được ngành y tế đặc biệt quan tâm. Tranh thủ điều kiện thuận lợi, Bác sĩ Thư cùng đồng nghiệp thêm nỗ lực trong công tác chuyên môn. Việc chỉ đạo cơ sở thực hiện các biện pháp chuyên môn kỹ thuật được thực hiện triệt để.
Cán bộ trung tâm vẫn thường xuyên xuống các huyện, các xã trọng điểm giám sát và hỗ trợ cho cơ sở làm công tác chuyên môn. Phát hiện sớm những bệnh nhân sốt rét, kịp thời ngăn chặn không để lây lan...
Những nỗ lực trực tiếp của Bác sĩ Thư và đồng nghiệp được trả lời bằng thực tiễn. Từ một trong những tỉnh có dịch sốt rét nặng nhất cả nước, cho đến nay, Yên Bái đã 16 năm không có người chết vì sốt rét. Số bệnh nhân sốt rét giảm rất nhiều. Nếu như kế hoạch 5 năm 2006-2010 trong công tác phòng chống sốt rét của cả nước đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sốt rét dưới 1,15/1.000 dân thì Yên Bái đã giảm dưới 1/1.000 dân đã được 5 năm.
Đến nay, tỉ lệ sốt rét trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng 0,3 người/1.000 dân. 7 năm nay, Yên Bái không phát hiện ký sinh trùng sốt rét nội địa. Số bệnh nhân sốt rét được xét nghiệm những năm vừa qua đều là do ký sinh trùng ngoại lai, mang từ vùng có sốt rét về.
Mong muốn loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh triệt để hơn nữa, năm 2007, Bác sĩ Thư đứng ra làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học “Kiến thức và thực hành phòng chống sốt rét của đồng bào Mông Yên Bái”. Điều kiện kinh phí đề tài hạn hẹp song không làm giảm đi nhiệt huyết của Bác sĩ Thư và anh em đồng nghiệp suốt quá trình thực hiện. Lại những ngày lặn lội từng nhà dân lúc sáng sớm trước khi bà con lên nương hay lúc đêm tối khi bà con đã trở về nhà đầy đủ.
Kết quả khảo sát cho thấy một thực trạng còn tiềm ẩn nguy cơ về dịch sốt rét: hiện vẫn có đến 60% bà con dân tộc Mông thiếu màn. “Cấp màn cho dân là việc hết sức cần thiết. Đồng thời, trong tuyên truyền phòng chống sốt rét, để hiệu quả, thông điệp truyền thông nên là tiếng Mông, thời điểm truyền thông nên là lúc sáng sớm hoặc khi buổi tối...” - những giải pháp đưa ra của đề tài là cơ sở quan trọng cho công tác phòng chống sốt rét của tỉnh trong thời điểm này.
Gần 30 năm trong hành trình loại trừ sốt rét, giờ đây, điều làm bác sĩ Hà Minh Thư băn khoăn nhiều nhất là chuyện thiếu đội ngũ cán bộ kế cận. Đây cũng là băn khoăn của cả một thế hệ cán bộ nhiều năm công tác tại Trung tâm phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Yên Bái.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Nhanh nhẹn, năng động và nhiệt tình với công tác hội là điểm đầu tiên mà mọi người dễ dàng nhận thấy ở con người của chị Mùa Thị Sầu - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hồ Bốn huyện Mù Cang Chải.
YBĐT - Trò chuyện, tìm hiểu về Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ, Thạc sĩ Y học, Lương Bá Phú - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y tế Yên Bái, ai cũng có chung một cảm nhận: “Dù ở cương vị nào anh cũng gắng hoàn thành nhiệm vụ.
YBĐT - Ông Đặng Quý Tiên được bà con ví như chiếc cầu nối đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân trong thôn.
YBĐT - Nói về chị Đinh Thị Mai, ông Vũ Lương Quyến - Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Yên Bái khóa 18 khẳng định: “Với cương vị là Ủy viên thường trực HĐND thành phố, đồng chí Đinh Thị Mai luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, tâm huyết, tận tụy với công việc”.