Anh Lượng nuôi lợn giỏi
- Cập nhật: Thứ ba, 26/7/2011 | 3:13:31 PM
YBĐT - Nhiều người gọi anh Thôi Đức Lượng, thôn Ngòi Giàng, xã Bạch Hà (Yên Bình) là người nuôi lợn giỏi, bởi trải qua nhiều cơn bão dịch bệnh cùng sự leo thang của giá thức ăn và biến động của thị trường nhưng trại lợn hơn 100 con của anh vẫn bám trụ vững vàng và cho thu lợi nhuận cao.
Để tiết kiệm chi phí, anh Lượng còn tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp cho lợn ăn.
|
Theo chân cán bộ khuyến nông, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lượng trong cái nắng chói chang của buổi sáng hè oi bức. Dù gần trưa mới đến giờ cho lợn ăn nhưng anh nông dân người Dao này vẫn tất bật dưới bếp.
Tiếp chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ, anh nói: “Bây giờ chỉ còn gần 50 con là đã đỡ vất vả hơn rồi đấy, cách đây vài hôm còn gần trăm con thì vợ chồng tôi tất bật cả ngày”. Chị Lụa, vợ anh Lượng cho biết thêm, nhà người ta nuôi lợn chỉ bằng cám tăng trọng, đến giờ, đến bữa là hòa vào nước cho ăn, còn nhà chị thì bao giờ cũng phải nấu thêm nồi cám cho lợn ăn. Cách làm này tuy có vất vả nhưng được cái mình cũng đỡ chi phí trong điều kiện giá thức ăn tăng cao như hiện nay.
Được biết, mỗi bao thức ăn công nghiệp 25 kg có giá lên tới 270 nghìn đồng, với nhiều nhà có điều kiện thì việc đầu tư hàng chục triệu đồng để mua thức ăn cho lợn chẳng đáng là bao, ngược lại với nhiều nông dân chăn nuôi hàng hóa như vợ chồng anh Lượng nếu không tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với thức ăn công nghiệp thì không thu được lãi. Vì thế, ngoài thức ăn công nghiệp, vợ chồng anh Lượng trồng thêm 3 ha sắn, 3 sào ngô làm thức ăn cho chăn nuôi.
Với cách làm như vậy nên năm 2010, khi mà hàng trăm hộ nuôi lợn không có lãi, thua lỗ, thậm chí phá sản dưới tác động của giá thức ăn tăng cao, cộng với giá lợn hơi xuống thấp (có thời điểm chỉ còn 17 nghìn đồng/ kg lợn hơi) thì anh Lượng vẫn đều đặn có lợn bán ra thị trường và vẫn có lãi. Anh cho biết: “Năm ngoái, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi vẫn thu gần 100 triệu đồng từ việc bán lợn”.
Với nhiều người chăn nuôi thì điều đáng lo nhất là sự bấp bênh của thị trường và dịch bệnh nhưng kể từ khi chuyển sang nuôi lợn hàng hóa, đàn lợn của anh Lượng chưa từng có một con nào mắc bệnh.
Đặc biệt là thời điểm đầu năm 2011, khi mà huyện Yên Bình có tới hàng chục xã, thị trấn bị nhiễm dịch lở mồm long móng, thậm chí ngay trong thôn Ngòi Giàng của anh Lượng, dịch bệnh cũng đã bùng phát nhưng đàn lợn của gia đình anh vẫn khoẻ mạnh. Anh tâm sự: “Chăn nuôi hàng hóa mà không coi trọng công tác phòng bệnh thì cầm chắc thất bại”.
Với cách nghĩ như vậy nên anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về thú y, rồi học hỏi qua sách, báo những kỹ thuật cơ bản về cách nhận biết và tiêm phòng dịch bệnh.
Cũng theo anh Lượng, đàn lợn nhà anh mỗi khi nhập về đều được vợ chồng anh chủ động mua các loại vacxin về tiêm phòng. Nhất là trong thời điểm dịch lở mồm long móng bùng phát, gia đình anh chủ trương không nhập đàn, đồng thời chủ động tiêm phòng, phun thuốc khử độc tiêu trùng cho vật nuôi.
Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay trong khi nhiều nhà phải cắn răng đem tiêu huỷ đàn lợn do dịch bệnh thì anh Lượng vẫn được bán ra thị trường 100 con, thu về gần 50 triệu đồng.
Với sự cần cù, chịu khó cùng cách làm, cách nghĩ đúng hướng, anh Lượng thực sự đã trở thành một ông chủ chăn nuôi đích thực, biết chèo lái, ứng phó trước những biến động của thị trường cũng như những rủi ro do dịch bệnh, giúp mô hình nuôi lợn của gia đình mình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - 17 quả đồi với diện tích 100 ha mà anh Lê Mai Hiền - Hiền "trọc" đang sở hữu đã phủ kín một màu xanh. Ở cái tuổi 39, anh đã được xem là tỷ phú rừng trên đất Tân Nguyên
YBĐT - Luôn luôn cố gắng học tập, A Lao liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, cháu ngoan Bác Hồ từ lớp 1 đến lớp 7 và vinh dự nhận nhiều giấy khen của thành phố, của tỉnh.
YBĐT - Đến thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải, nói đến chủ trang trại nuôi nhím ai cũng biết đó là ông Nguyễn Ngọc Tuyến ở tổ 4, bởi hiện tại ông đang sở hữu 24 đôi nhím giống và cũng là chủ một hợp tác xã khai thác vật liệu xây dựng cát, sỏi đã tạo dựng nên cơ nghiệp.
YBĐT - Về xã Đông An, huyện Văn Yên (Yên Bái) hỏi thăm ông Vũ Văn Điền ở thôn Đức An không ai là không biết.