Người hun đúc ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số
- Cập nhật: Thứ năm, 1/9/2011 | 2:10:37 PM
YBĐT - Trên tấm bảng thành tích học sinh và giáo viên có học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh suốt từ năm học 1999 - 2000 đến năm học 2009 - 2010, tên cô giáo Địa lý Nguyễn Thị Hương có ở hầu hết các năm học.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương trong giờ lên lớp.
|
Có năm học tên chị còn được đề lên 2 lần. Năm học 2010 - 2011 vừa qua, chị cũng có 1 học sinh đạt giải cấp tỉnh, 1 học sinh đạt giải ba cấp quốc gia. Cô không coi đó là thành tích của bản thân mà chỉ nghĩ là góp phần hun đúc ước mơ cho các em học sinh dân tộc thiểu số.
Cô giáo Trần Thị Phương Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nguyễn Thị Hương là cô giáo yêu trò, yêu nghề, có năng lực chuyên môn. Đặc biệt rất nhiệt tình, hết lòng vì học sinh, sáng tạo trong công tác giảng dạy, có nhiều sáng kiến hay được đánh giá cao”. Năm học 2009 - 2010, đề tài khoa học “ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn Địa lý” của cô được Sở Giáo dục - Đào tạo đánh giá tốt, có tính sáng tạo cao trong giảng dạy. Năm học 2010 - 2011, sáng kiến chia sẻ kinh nghiệm “Hướng dẫn học sinh sử dụng át-lát trong quá trình học và ôn thi” cũng rất thực tế và được đánh giá cao. Cô Hương bảo đó là do may mắn có cơ hội được đi thực tế theo các đoàn thanh tra chuyên môn của Sở Giáo dục - Đào tạo ở nhiều nơi, thấy được nhiều bất cập nên tự đúc rút rồi viết ra chia sẻ.
15 năm giảng dạy là 15 năm cô gắn bó với các thế hệ học sinh dân tộc thiểu số, cô càng hiểu những khó khăn và những thiệt thòi của các em học sinh dân tộc thiểu số ở những vùng sâu, vùng xa. Đời sống còn khó khăn nên nhiều gia đình chưa có điều kiện quan tâm đến việc học tập của con em mình.
Lòng nhiệt huyết, yêu nghề đã giúp cô Hương trưởng thành và càng thêm yêu thương các em học sinh. “Các em ở đây đều từ những vùng khó khăn của tỉnh xuống học nên còn nhiều bỡ ngỡ. Học xa gia đình nên với các em thầy cô như là cha mẹ. Vì vậy, thầy cô trong trường cũng coi các em như con cái mình” - cô giáo Hương tâm sự.
Mỗi khóa, học sinh của trường từ 70 - 80 em, trong khi các trường THPT khác trên địa bàn thường là vài trăm học sinh. Cộng thêm mặt bằng chung các em lệch hơn so với các bạn trường khác, đó chính là những khó khăn trong việc tuyển chọn học sinh giỏi cho các thầy cô trong nhà trường, môn Địa lý cũng không ngoại lệ.
“Xu hướng hiện nay của học sinh là các em theo học khối khoa học tự nhiên, đây cũng là trở ngại trong bồi dưỡng học sinh giỏi cho các môn xã hội nói chung và môn Địa lý nói riêng” – Cô Hương chia sẻ.
Những lúc như vậy cô thường tìm hiểu nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em. Đồng thời xem xét năng lực để định hướng cho các em. “Không phải vì thành tích của bộ môn mà cái chính là vì tương lai cho các em” – cô Hương tâm sự.
Địa lý vốn là môn học tương đối khô khan. Với các em học sinh thì quan niệm đây là môn học thuộc, nhưng nó là môn xã hội nên thực chất lại đòi hỏi cả tư duy và kiến thức tự nhiên. Theo cô Hương, để các em học sinh yêu thích môn Địa lý thì giáo viên phải cho học sinh nhận thức được giá trị của môn học, bài giảng phong phú, khơi gợi được hứng thú của học sinh với môn học. Sử dụng phương pháp dạy tích cực, tránh tình trạng học thụ động theo kiểu đọc - chép. Không chỉ trang bị cho các em kiến thức, cô còn gần gũi, tìm hiểu mong muốn, ước mơ của các em. Những buổi tối rồi ngày nghỉ cô đến trường kèm thêm cho các em, quan tâm động viên bằng những món quà nho nhỏ để các em thấy có người đang đứng sau động viên như cha mẹ mình.
Từ sự chỉ bảo dạy dỗ tận tâm, nhiệt tình và đầy tình yêu thương nên nhiều thế hệ học sinh của cô đã đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Rồi các em đỗ vào đại học, cao đẳng và bước tiếp những bước chân trên con đường mơ ước của mình. Với cô đó là niềm vui lớn nhất.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Tìm già làng Mùa A Sùng thật dễ, bởi sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 03, 06 của Tỉnh ủy, già Sùng ở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu đã trở thành một già làng tiêu biểu trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
YBĐT - Hoàn cảnh gia đình vô cùng vất vả, khó khăn nhưng em Nguyễn Công Thành, lớp 12 Toán, trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành vẫn vươn lên học giỏi với những thành tích học tập khiến mọi người khâm phục.
YBĐT - Tại Hội thi thợ giỏi Công ty Điện lực Yên Bái năm 2011, giải nhất nhóm nghề quản lý vận hành được trao cho Nguyễn Đức Tiến, công nhân đội thi của Điện lực Văn Chấn đã làm ngỡ ngàng cả Hội thi bởi thành tích đáng khâm phục của anh.
YBĐT - Với niềm đam mê, chịu khó học hỏi, cách thức chăn thả khoa học, đến nay, mô hình nuôi ba ba của ông Chiến đã và đang phát triển tốt, mỗi con giống đều có cân nặng gần 3 kg, giá thành phẩm bán ra trên thị trường hiện nay là 2,3 triệu đồng/1 kg.