Người giữ rừng ở Hin Lò
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/11/2011 | 9:24:14 AM
YBĐT - Gần 20 năm được bảo vệ, từ những ngọn núi trọc nay đã trở thành cánh rừng xanh ngút ngàn, thành nơi trú ngụ của nhiều loài chim muông và thú rừng... Chủ của cánh rừng đó là vợ chồng ông Lương Văn Bút.
Đường hào bao quanh khu rừng của ông Bút, giúp ngăn lửa từ các mảnh nương bên cạnh.
|
Năm nay ông Bút đã 72 tuổi, trò chuyện với ông thường phải nói thật to ông mới nghe được bởi đôi tai đã bị ảnh hưởng của bom đạn và một phần di chứng chất độc da cam.
Ông Bút tâm sự: “Tôi sống được đến ngày hôm nay để cưới vợ, sinh con đều là nhờ sự che chở của những cánh rừng xanh”. Những chuyến hành quân xẻ dọc Trường Sơn hay những trận đánh khốc liệt ở chiến trường Campuchia, ông và đồng đội được rừng cho thức ăn, nước uống, chở che bom đạn. Cái ơn với người bạn tri kỷ đó đã khắc sâu vào tâm can.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, ông Bút trở về địa phương và lập nghiệp ở thôn Hin Lò, xã Yên Thắng (Lục Yên), mối ân tình với người bạn rừng xanh thôi thúc ông khôi phục lại những quả đồi trọc quanh bản. Năm 1996, ông chính thức được chính quyền địa phương giao quyền sử dụng 21 ha đất lâm nghiệp vào mục đích trồng rừng. Thời điểm đó chẳng ai muốn nhận những cánh rừng toàn lau lách trơ trọi để trồng rừng nhưng với ông, đó lại là niềm vui, niềm hạnh phúc.
Có lẽ ít ai thấu hiểu được tình cảm, lòng tri ân mà ông và gia đình đã dành cho rừng. Cả đời ông lao động có được bao nhiêu tiền ông đều dành hết để chăm chút cho những cánh rừng. 20 năm qua, trừ khi ốm đau không gượng dậy được, còn không bất kể trời mưa hay nắng ông đều lên rừng. Trong khi những người khác nhận đất trồng rừng kinh tế 6 đến 7 năm là khai thác để có nhiều tiền, có nhà cao cửa rộng, tiện nghi đầy đủ thì ông lại không làm như thế.
Trong suy nghĩ của ông, trồng rừng như là một sự trả ơn, trồng rừng để giữ nguồn nước cho bà con trong bản và ông không nghĩ sau này sẽ khai thác. Ông vẫn thường răn dạy con cháu sau này ông có ra đi thì cũng phải để ông ở trên rừng và các con cũng phải bảo vệ những cánh rừng đó dù bất kỳ lý do gì cũng không được chặt phá.
Chính vì vậy ông Bút không trồng rừng kinh tế mà ông tiến hành khoanh nuôi bảo vệ cho những cây bản địa phát triển với mong muốn sẽ có những cánh rừng già xanh ngút ngàn như rừng Trường Sơn.
Để bảo vệ tốt những cánh rừng này, năm 1997 ông bắt đầu đào những đường hào rộng bao quanh khu rừng để ngăn lửa cháy lan từ các mảnh nương của người dân quanh vùng và chăn nuôi trâu, bò, dê. Qua nhiều năm chăm sóc, cánh rừng ngày một xanh tốt, muông thú tìm về trú ngụ, sinh sôi, nảy nở rất nhiều. Chính vì thế mà ngày nào ông cũng lên rừng đi một vòng để tìm và tháo gỡ bẫy chim ngăn chặn những kẻ đi săn trộm.
20 năm qua, toàn bộ sức lực của gia đình ông đều dồn vào 21 ha rừng nên đến giờ trong nhà ông chẳng có gì giá trị quá 100 nghìn đồng. Cuộc sống của ông chỉ dựa vào chăn nuôi, làm ruộng và hái măng rừng.
Mới đây, UBND huyện Lục Yên đã thu hồi 14 ha rừng để chuyển đổi mục đích sử dụng, mặc dù trong thâm tâm không muốn nhưng ông vẫn chấp hành vì sự phát triển kinh tế chung của huyện. Chỉ còn lại 7 ha nhưng ông vẫn tự hứa: Mình và con cháu sẽ vẫn tiếp tục gìn giữ và bảo vệ rừng như một món quà tri ân dành cho những năm tháng bom đạn mà rừng đã che chở cho ông lành lặn trở về.
Hoàng Tuấn Minh
Các tin khác
YBĐT - Trở thành doanh nhân thành đạt là ước mơ sau này của cậu học trò lớp 9A (Trường THCS Yên Thịnh, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái) Nguyễn Minh Tú.
YBĐT - Với đặc thù của Trung tâm là hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật nên ngoài việc truyền đạt kiến thức cho các em, điều mà cô giáo Nguyễn Thị Kim Hường luôn quan tâm là giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh khuyết tật, từ đó giúp các em có thêm nghị lực, không còn mặc cảm bản thân, có niềm tin vào cuộc sống.
YBĐT - 17 năm công tác, cô giáo Phạm Thị Hảo, Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Hoàng Văn Thụ (thị xã Nghĩa Lộ) đã nỗ lực vượt khó và đạt nhiều thành tích xuất sắc.