Vượt lên chính mình
- Cập nhật: Thứ năm, 6/12/2012 | 3:02:51 PM
YBĐT - Nói đến anh Đặng Văn Phương - người Xa Phó ở thôn 7, xã Châu Quế Thượng (Văn Yên), bà con nơi đây ai cũng biết và khâm phục bởi đức tính cần cù, chịu khó chăm làm của anh.
Anh Phương bên ngôi nhà đang xây.
|
Từ đôi bàn tay trắng, anh Phương đã vận động gia đình vợ con tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế vượt qua khó khăn vươn lên khá giả đủ ăn, đủ mặc, có điều kiện nuôi dạy con học hành chăm ngoan, xây dựng gia đình văn hóa.
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, mẹ già thường xuyên ốm đau mỗi khi trái nắng trở trời. Bởi vậy, anh Phương không có điều kiện đi học như bao trẻ em khác. Học hết lớp 1, anh đã phải rời trường học để theo mẹ vào rừng sâu làm nương rẫy kiếm kế mưu sinh. Trải qua những tháng ngày vất vả, hơn ai hết anh Phương hiểu nỗi khổ của đói nghèo.
Nhưng do không biết chữ, nhà nghèo không có vốn đầu tư, không có ruộng nước, cuộc sống dựa hoàn toàn vào nương rẫy năng suất thấp, năm được mùa thì đủ ăn, năm mất mùa lại đói cuộc sống bấp bênh không ổn định. Để có trâu, bò làm giống, vừa tận dụng sức cày, kéo trước mắt anh Phương đã bàn với vợ con mạnh dạn nhận nuôi chia trâu, bò của ông Đào Văn Hoá - người cùng thôn.
Bên cạnh đó, anh tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, kết hợp tăng thêm diện tích trồng lúa, ngô, hoa màu, quế, bồ đề... Ngoài ra, anh còn vận động vợ con chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để mua đất khai hoang được 5 sào ruộng cấy lúa nước và làm nhà ổn định cuộc sống, cho con đi học chữ. Năm 2002, kết thúc thời hạn nuôi, anh Phương đã có cả giống trâu lẫn bò.
Anh tâm sự: "Thực ra trâu, bò rất dễ nuôi nhưng với đặc thù sinh sản thưa nên để đảm bảo sinh con nào được con đấy phải chú ý chăm sóc lúc vật nuôi vừa đẻ, con non yếu dễ bị bệnh tiêu hóa. Riêng trâu, bò lúc sắp đẻ tránh đem đi cày kéo nặng, chăn thả tránh những nơi địa hình dốc phức tạp, tối về không nhốt chung với đàn để đảm bảo hạn chế tối thiểu nguy hiểm đến con nghé non...".
Nhờ chăm sóc tốt nên đàn gia súc của anh tăng dần qua từng năm, thời điểm cao nhất năm 2010, anh Phương đã có tới 7 con trâu, 7 con bò. Hiện nay, do neo người không có nhân lực chăn thả và đang xây nhà nên anh bán bớt một phần chỉ còn 3 con trâu, 4 con bò, trên 2 ha quế, bồ đề đang trong độ tuổi khai thác. Hàng năm anh còn trồng trên 2 ha sắn công nghiệp cho thu trên 30 triệu đồng và nuôi 2 lứa lợn/năm, mỗi lứa 8 con cùng hàng trăm con gia cầm các loại.
Với nguồn thu nhập ổn định từ mô hình kinh tế tổng hợp đã giúp gia đình anh Phương từ một hộ nghèo vươn lên có kinh tế khá giả, làm được nhà cửa khang trang, mua sắm được các tiện nghi đắt tiền về phục vụ sinh hoạt gia đình, nuôi con cái ăn học chu đáo. Đặc biệt, năm 2012 anh đã có điều kiện xây nhà mới với tổng chi phí ước tính trên 500 triệu đồng. Nghị lực phấn đấu của anh Phương là tấm gương sáng cho mọi người học tập làm theo.
A Mua
Các tin khác
YBĐT - Đến thôn Làng Cại, xã Phúc An, huyện Yên Bình (Yên Bái), ai cũng choáng ngợp khi nhìn thấy ngôi nhà xây khang trang bề thế mọc lên giữa vùng quê nghèo. Hỏi ra, mới biết chủ nhân của ngôi “biệt thự” đó là một nông dân chân chất đi lên từ kinh tế rừng.
YBĐT - Bằng sự nhạy bén, năng động, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã giúp ông Đỗ Xuân Trường - hội viên nông dân xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) trở nên giàu có trên chính mảnh đất quê hương.
YBĐT - Năm 2011, thôn 10 xã Yên Thành, huyện Yên Bình (Yên Bái) đạt được mục tiêu giảm 5% số hộ nghèo từ 20% năm 2010 xuống còn 15%, trong đó, ông Lý Văn Kỳ có vai trò quan trọng.
YBĐT - Đó là ông Nguyễn Hữu Thìn - một hội viên tham gia các phong trào của hội, tích cực học hỏi để tích lũy kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh.