Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại
- Cập nhật: Thứ ba, 17/12/2013 | 8:56:54 AM
YBĐT - Những năm qua, thông qua các chính sách, chương trình giảm nghèo, đặc biệt là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như sự hưởng ứng tích của người dân trong công tác xóa đói giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 32,53% năm 2011 xuống còn 29,23% năm 2012 và kết thúc năm 2013, toàn tỉnh phấn đấu giảm thêm 3,5% hộ nghèo.
Đây thực sự là kết quả đáng phấn khởi của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Yên Bái. Tuy nhiên, đây có phải là con số đáng mừng khi chiều hướng “thích nghèo” ở nhiều thôn bản đang có xu hướng tăng. Thích nghèo, bởi nếu vào diện hộ nghèo thì sẽ được hưởng “trăm đường lợi ích” từ các chính sách, chương trình của Nhà nước. Thực tế, ở một số thôn, bản của nhiều địa phương trong tỉnh, xu hướng người dân “thích nghèo” hơn là “xóa nghèo” đang trở nên phổ biến.
Đến hết tháng 6/2013, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã Động Quan (Lục Yên) chiếm 55,62%, trong đó hộ nghèo chiếm 47,75%, hộ cận nghèo chiếm 7,87%. Điều đáng nói, một số thôn của xã này có tỷ lệ hộ nghèo “đạt 100%”, kể cả trưởng thôn và bí thư chi bộ cũng nằm trong diện “hộ cận nghèo”. Trong khi đó, hàng năm Nhà nước còn hỗ trợ địa phương này vốn mua trâu, bò, gà, lợn, rồi cán bộ xã đến cầm tay chỉ việc...nhưng sau một thời gian thì nghèo vẫn hoàn nghèo bởi tư tưởng của người dân quá trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Đặc biệt là khi Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho hộ nghèo và hộ cận nghèo như: ưu đãi tín dụng; khám chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ giáo dục đào tạo; làm nhà; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng cho đồng bào dân tộc thiểu số, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ... nên xu hướng "thích nghèo” đang dần ăn vào tư tưởng của một bộ phận không nhỏ của người dân.
Theo báo cáo đánh giá của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015 của tỉnh, nguyên nhân là do mức đầu tư ưu tiên của Nhà nước cho các huyện nghèo, xã, thôn, bản nghèo còn thấp; chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo… Song, dù có đánh giá, phân tích hay đề ra nhiều chính sách, chương trình giúp người nghèo hưởng lợi, nhưng trong tư tưởng của họ vẫn trông chờ, ỷ lại Nhà nước thì khó có thể giảm nghèo bền vững.
Trạm Tấu là huyện đặc biệt khó khăn, nhưng trong năm 2013, huyện vùng cao này đã có tới 172 hộ dân tự nguyện viết đơn thoát nghèo. Đây là một kết quả đáng tự hào trong việc khơi dậy ý thức thoát nghèo của người dân và xóa bỏ hẳn tư tưởng trông chờ, ỷ lại của dân. Nếu con số 172 lá đơn tự nguyện thoát nghèo của Trạm Tấu được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, cho nhiều hộ đồng bào các dân tộc trong tỉnh thì chắc rằng công tác giảm nghèo bền vững ở Yên Bái chỉ còn là vấn đề thời gian.
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Cuối năm là thời điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp tết Nguyên đán. Kéo theo đó, lượng hàng hoá sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng sẽ tăng mạnh.
YBĐT - Chưa khi nào xe quá tải lại trở thành vấn đề xã hội nhức nhối như hiện nay. Công điện số 1966/CĐ-TTgngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia; các bộ: Giao thông vận tải, Quốc phòng Công an, Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ.
YBĐT - Nhiều vùng quê đang dần đổi mới nhờ có sự tác động rất lớn từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông trọng điểm được hoàn thành đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế của các vùng, miền phát triển, nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững cho vùng cao Yên Bái.
YBĐT - Dự thảo Hiến pháp (DTHP) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) đã chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014.