Tuy nhiên, thời tiết giao mùa làm cho sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm, trong khi lại là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh tồn tại, lây lan. Vì vậy nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng (LMLM) tái phát và lây lan, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển chăn nuôi.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ ngày 23/1 đến ngày 5/3/2018 trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch LMLM. Dịch bệnh được phát hiện đầu tiên tại 6 hộ chăn nuôi thuộc thôn 6, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, sau đó dịch tiếp tục xuất hiện tại xã Động Quan, xã Yên Thắng của huyện Lục Yên; tiếp đến là xã Nậm Có của huyện Mù Cang Chải.
Tính đến hết ngày 5/3/2018 đã có gần 100 con trâu, bò và lợn mắc bệnh LMLM. Trước tình hình dịch bệnh bùng phát trên đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, quản lý gia súc ốm, khoanh vùng dịch; cấp 204 lít thuốc sát trùng, trên 9.200 liều thuốc vắc xin LMLM để tổ chức tiêm, phun tiêu độc khử trùng tại các nơi có mầm bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Có thể nói, tình hình dịch bệnh đến nay đã cơ bản được kiểm soát và khống chế.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các ổ dịch LMLM xảy ra chủ yếu ở dạng nhỏ lẻ, tuy nhiên do tập quán chăn nuôi của người dân ở các xã vùng cao, vùng sâu còn lạc hậu, tình trạng thả rông gia súc vẫn còn khá phổ biến khiến nguy cơ mầm bệnh phát tán làm dịch lây lan là rất lớn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để chủ động phòng chống bảo đảm tốt nhu cầu tái đàn phục vụ chăn nuôi cũng như ổn định sản xuất, trong thời gian tới, chính quyền cơ sở, các ban, ngành của địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hóa chất để phòng, chống dịch lây lan vào địa bàn và ứng phó kịp thời khi có ổ dịch xảy ra.
Khi xảy ra dịch bệnh, người chăn nuôi cần phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chú trọng đến những địa phương chưa có dịch để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân.
Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục trong cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh gia súc, gia cầm; vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh có hiệu quả, khai báo cho chính quyền địa phương hoặc nhân viên thú y khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết bất thường.
Đồng thời, chỉ đạo ngành chức năng xây dựng chương trình, dự án tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đối với những bệnh có nguy cơ cao, đặc biệt ưu tiên phòng các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, LMLM và tai xanh. Riêng đối với bệnh cúm gia cầm, hiện nay do vi rút cúm đã lưu hành trong đàn thủy cầm, đàn chim hoang và chim di trú tại rất nhiều địa phương, đặc biệt gần đây đã xuất hiện nhiều nhánh vi rút cúm mới xâm nhập vào nước ta qua nhiều đường, vì vậy biện pháp chủ đạo vẫn phải tiếp tục tiêm phòng vắc-xin, đồng thời tăng cường giám sát ổ dịch, giám sát lưu hành và biến đổi của vi rút cúm gia cầm.
Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các tỉnh có dự án cung ứng con giống gia súc, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc-xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
Với đặc điểm giao mùa và tình trạng nhập đàn, buôn bán tăng cao nên mầm bệnh sẵn có trong đàn gia súc, gia cầm từ tỉnh ngoài xâm nhập vào, có thể tái phát và lây lan là rất cao. Vậy nên, người chăn nuôi cần chủ động đề phòng dịch bệnh, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho gia súc, tiêm phòng dịch bệnh, sát trùng, vệ sinh chuồng trại,... để gia súc, gia cầm phát triển khỏe mạnh.
Thanh Tân