Đã hơn một tháng sau trận lũ lịch sử, nhịp sống đang dần trở lại bình thường dù còn bộn bề gian khó. Giờ đây, chúng ta có thể bình tâm nhìn lại những ngày hết sức đặc biệt khi thiên tai ập xuống; khi cán bộ, chiến sĩ và người dân nỗ lực, phấn đấu và hy sinh để chống chọi với bùn, với lũ, với sạt lở đất để cứu người và tài sản; những sự sẻ chia, giúp đỡ của đồng bào cả nước đã hướng về Yên Bái.
Đã có rất nhiều bài viết đề cập đến sự tàn phá của thiên tai, những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và người dân cũng như những tấm lòng thảo thơm của đồng bào cả trong và ngoài nước đối với bà con vùng lũ Yên Bái. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhắc tới một số điều chưa được, hay nói cách khác là rất không nên của một bộ phận người dân khi thiên tai xảy ra.
Là người sống ở trung tâm vùng lũ, trực tiếp tham gia phát những bữa ăn "không đồng” cho người dân và lực lượng tình nguyện; tham gia cùng rất nhiều đoàn từ thiện thuộc nhiều tổ chức, cá nhân và các thành phần tôn giáo khác nhau…, tôi đã chứng kiến những điều chưa hay, chưa đẹp của một bộ phận người dân. Xin được nêu lại cùng bạn đọc để chúng ta cùng suy nghĩ.
Trong quá trình phát cơm miễn phí cùng với các nhà thiện nguyện và cán bộ phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái tại khu vực đầu cầu Yên Bái, tôi thật đau lòng khi thấy những trường hợp nhà chỉ có 2 người nhưng lấy đến 5 suất cơm (do biết gia cảnh của gia đình ấy nên tôi đã hỏi lại "Sao nhà có hai người mà lấy đến 5 suất?”, người phụ nữ (xin không nêu tên) cười ngượng rồi cầm 5 hộp cơm bỏ chạy). Trong mấy ngày phát cơm tôi nhận ra không ít anh chị, người và xe máy đều sạch sẽ (chắc chắn không đi ra từ khu vực lụt lội) cứ đến bữa là ra… xin cơm.
Vẫn biết, những ngày đầu một số khu vực không điện, không nước nhưng khi nguồn điện, nguồn nước đã được cung cấp thì họ vẫn cứ… xin cơm để ăn. Tôi tin rằng dù nhà mình không có điện, không có nước, tôi vẫn có thể khắc phục được. Một lực lượng không nhỏ người dân tranh thủ kiếm việc làm bằng việc dọn nhà thuê (với giá 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày công, 3 đến 5 triệu đồng/một nhà). Họ đi làm cũng tốt nhưng họ không hề chủ động mang theo đồ ăn mà cứ đến bữa lại ra… xin cơm từ thiện!
Chưa hết, không ít người hết ngày, hết buổi là vào xin thêm mấy suất, treo tùng tằng trên xe máy mang về nhà cho những người thân ở nhà. Lẽ ra tôi không nhắc đến miếng ăn bởi như thế có vẻ hơi quá quắt nhưng là những người trực tiếp phát cơm, tôi và những người thiện nguyện, những cán bộ địa phương đã không biết làm thế nào, chỉ biết nghẹn ngào khi hai bạn tình nguyện viên đến xin 45 suất cơm cho 45 đồng đội đang vét bùn đất tại chợ Hồng Hà, trong khi số cơm mà chúng tôi còn chỉ là 36 (thời điểm đó đã gần 13 giờ, nguồn cơm từ các bếp "không đồng” đã hết). Biết số cơm chỉ còn có vậy, một bạn tình nguyện viên nói: "Thôi có bao nhiều em xin bấy nhiêu, thiếu thì ăn lương khô, uống nước là được”.
Nghe bạn nói sao mà xót lòng đến vậy, tuổi thanh niên, làm nặng nhọc, suất cơm từ thiện có khi còn thiếu, nay 45 bạn chia nhau 36 suất cơm. Tôi trách mình đã không cương quyết, đã phát cơm cho cả những người không đúng đối tượng trước đó, dù biết vậy là rất khó bởi đó là miếng ăn, bởi giữa lúc thiên tai và đôi khi cả sự lì lợm của người đến xin nữa.
Mọi người có thể nhìn kỹ bức ảnh đăng kèm bài viết này, bức ảnh được chụp tại một buổi phát quà từ thiện (500.000 đồng và 1 chăn len/hộ) tại khu vực phường Hồng Hà. Buổi phát quà theo chương trình và theo danh sách từ tổ trưởng tổ nhân dân, vậy mà cứ chen lấn, xô đẩy, trách móc, thậm chí là chửi mắng… như thể sợ mất phần.
Chư tăng trong ảnh là Đại đức Thích Trung Kính - Phó Trưởng Ban trị sự, Trưởng ban Từ thiện Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Yên Bái, một người vốn rất điềm tĩnh nhưng gương mặt ông đã biểu lộ sự bấn loạn. Đặc biệt, gương mặt người phụ nữ đang gào khóc bên cạnh sư thầy Thích Trung Kính là bà Nguyễn Thùy Chinh - Phó Chủ tịch UBND phường Hồng Hà, còn các nhà hảo tâm mang tiền, mang hàng đến phát cho người dân đã bỏ vào phòng rồi đóng chặt cửa lại vì bất lực.
Trong một buổi phát quà từ thiện khác, tôi thấy trong đám người chen chúc, không trật tự và không tuân theo hướng dẫn của Ban Tổ chức. Có một chị gái (xin không nêu tên) ăn mặc rất sang chảnh, đeo rất nhiều trang sức quý, đã chen bật các ông già, bà cả ra để nhận hàng. Lát sau, vẫn là chị ta, cậy mình trẻ khỏe, to cao, chị lại đứng trên hàng đầu (do chị khá nổi bật nên những người phát quà nhận ra chị nên không phát nữa) và chị đã lớn tiếng: "Lúc nãy là phần của tôi, giờ là phần của mẹ tôi, nhà bà ngoại tôi cũng ngập!”.
Một điều khá lạ lùng là có khá nhiều người dáng vẻ rất có điều kiện, không bị ngập hoặc bị nhẹ lại là những người hay… lớn tiếng hay chen lấn tại các buổi phát quà! Một bà cô nhà ở xã Nga Quán, huyện Trấn Yên nhà không bị ngập nhưng lại đi nhận quà hăng hái nhất, đồng chí Bí thư Chi bộ thôn nơi bà cư trú chia sẻ: "Hôm rồi bà ta mắng trưởng thôn khi không đưa bà vào danh sách nhận hỗ trợ. Tôi bực quá nói cho một trận, bà mới chịu về!”.
Tại một khu phố, nước rút đến đâu, bà con nhanh chóng ra quét bùn, rửa đường ngay tới đó, một gia đình thuộc hàng giàu có nhất khu không có người tham gia; không những vậy, xe từ thiện nào đến là vợ chồng nhà đó cũng ra… xin đồ! Họ còn gọi thêm cháu ngoại ra cho… đông lực lượng. Đến chuyến xe phát quà thứ 5, một anh hàng xóm đã bạo miệng nói: "Nhà ông uống gì là uống lắm nước thế, xe nào đến cũng thấy cả nhà ông ra vác. Giờ có nước máy lại rồi, đun lấy mà uống!”. Bị phê bình, anh chủ nhà ngượng đỏ mặt liền chống chế: "Tôi ra xin cái bánh chưng, cháu nó thích ấy mà!”.
Trong phạm vi một bài viết nhỏ, xin nêu một số chuyện chưa hay, chưa đẹp như vậy, hẳn sẽ còn nhiều chuyện hơn nữa. Như đã nói tại phần đầu của bài viết… tôi xin kể ra đây để chúng ta cùng suy ngẫm, để những người lỡ như vậy hãy rút kinh nghiệm.
Lê Xuân Trường