Cần tăng cường giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên
- Cập nhật: Thứ hai, 19/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ngày nay, cùng với sự chuyển biến mạnh mẽ của đời sống kinh tế, xã hội, việc tiếp cận các hình thức học tập, vui chơi giải trí, giao lưu văn hóa đã tác động tích cực đến tư duy, nhận thức của tuổi vị thành niên. Song cũng nảy sinh nhiều tiêu cực trong suy nghĩ và tình cảm của các em. Đặc biệt, đối với tuổi vị thành niên - lứa tuổi các em "không còn là trẻ con, nhưng cũng chưa phải là người lớn", các em sẽ gặp rất nhiều những khó khăn và lúng túng, nhất là những vướng mắc thầm kín trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản.
Phụ nữ dân tộc Mông xã Suối Giàng (Văn Chấn) tìm hiểu kiến thức về DS-SKSS. (Ảnh: Phương Đông)
|
Qua buổi tổ chức ngoại khóa về sức khỏe sinh sản vị thành niên tại Trường THPT Nghĩa Lộ và Trường THPT Bán công Nguyễn Trãi, chúng tôi - những cán bộ tư vấn không khỏi ngạc nhiên, bất ngờ trước những câu hỏi, những thắc mắc của các em xung quanh các vấn đề: tuổi dậy thì, tình bạn, tình yêu, tình dục an toàn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Nhiều em thực sự còn băn khoăn trước những biểu hiện của tuổi dậy thì đã hỏi: "Hàng tháng cứ vào "những ngày ấy" em thường đau bụng dữ dội, bạn em bảo uống thuốc kháng sinh sẽ khỏi. Như vậy có đúng không?"; "Núi đôi của em không bình thường, 1 bên to, 1 bên bé. Em phải làm sao đây. Liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?"; "Mộng tinh là gì hả chị?"... Và đã có bạn viết giấy hỏi rằng: "Thế nào là quan hệ tình dục an toàn?". "Nếu bây giờ em lỡ có thai, em phải làm gì"?...
Qua đó thấy rằng kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên của các em còn nhiều hạn chế. Cũng chính từ sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đầy đủ đó đã dẫn đến những suy nghĩ và hành vi lệch lạc ở các em trong quan hệ tình bạn, tình yêu, như: một số em yêu quá sớm đã ảnh hưởng đến kết quả học tập, quan hệ tình dục trước hôn nhân... Một em gái 16 tuổi đang học trong trường (xin không nêu tên) đã có thai ngoài ý muốn, phải đến cơ sở y tế "giải quyết" trong tình trạng đau đớn và khủng hoảng về tinh thần, điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của các em sau này.
Tham gia buổi ngoại khóa, em Hà Thị Mai - học sinh trường THPT Bán công Nguyễn Trãi tâm sự: "Khi bước vào tuổi dậy thì, chúng em có những bối rối, những băn khoăn, thắc mắc. Mong rằng người lớn luôn chia sẻ và giúp chúng em tháo gỡ những khó khăn ấy. Qua mỗi buổi ngoại khóa về sức khỏe sinh sản vị thành niên em có thêm nhiều kiến thức và thấy tự tin hơn trong cuộc sống".
Như vậy, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên cho các em là hết sức quan trọng và khẳng định rằng trách nhiệm thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng thực tế cho thấy, một số phụ huynh vẫn còn định kiến với vấn đề này, coi đó là "vẽ đường cho hươu chạy" nên trong cách giáo dục con cái thường ít đề cập đến. Hoặc nếu trẻ có hỏi đến thì thường nhận được câu trả lời từ người mẹ rằng "lớn lên con sẽ biết". Còn ở trường học, tuy cũng đã tổ chức các buổi tuyên truyền, ngoại khóa về lĩnh vực này, song chưa tổ chức thường xuyên. Nên chính các em cũng chưa được trang bị một cách đầy đủ, khoa học các kiến thức về sức khỏe sinh sản, giới tính.
Cô Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường THPT Bán công Nguyễn Trãi cho biết: "Hàng năm, nhà trường đều tổ chức các buổi ngoại khóa, các hội thi dưới hình thức sân khấu hóa về sức khỏe sinh sản vị thành niên và đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các em học sinh. Theo tôi, cần phải đưa nội dung giáo dục giới tính là một môn học trong nhà trường".
Tăng cường công tác giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, điều đó đòi hỏi sự quan tâm của mọi người, mọi ngành và cả xã hội. Các bậc cha, mẹ, các thầy giáo, cô giáo chính là người gần gũi cung cấp cho các em những hiểu biết chính xác, đầy đủ, khoa học và có tính giáo dục các kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đồng thời, phải lắng nghe, tôn trọng những suy nghĩ, tâm tư thầm kín của các em.
Bên cạnh đó thì giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cũng cần được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như: phát tờ rơi, tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức các diễn đàn... Từ đó, giúp các em có kiến thức, có quan niệm sống đúng mực, biết tự bảo vệ mình và có những hành vi đúng trong các mối quan hệ của tuổi vị thành niên.
Nguyễn Thị Lý
Các tin khác
YBĐT - Tỉnh Yên Bái trước đây có rất ít người mắc và biết về bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), nhưng đến nay bệnh đang gõ cửa nhiều nhà, mọi khu phố, thôn bản của các xã, phường. Tại thành phố Yên Bái, đã có trên 5% số người lứa tuổi 30 mắc bệnh ĐTĐ. Tỉ lệ này tăng 1% mỗi năm và xuất hiện nhiều hơn ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
YBĐT - Dịch tiêu chảy cấp đang có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, số người mắc dịch ngày một tăng, nguyên nhân đều liên quan tới thực phẩm như ăn mắm tôm, gỏi cá, tiết canh, giò chả, thịt bò...
YBĐT - Hiện nay, tỉnh Yên Bái có gần 500 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhưng chỉ có 67 đơn vị thành lập được tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của các tổ chức công đoàn cũng chưa được chú trọng đúng mức. Điều đó đã đặt ra yêu cầu phải phát triển và nâng cao chất lượng của tổ chức công đoàn nhằm chăm lo, bảo vệ những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động ở khu vực kinh tế này.
YBĐT - Khi cuộc vận động “Hai không” và “Bốn không” đang được triển khai sâu rộng và thu được những kết quả thì ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã và đang xuất hiện tình trạng một số lượng không nhỏ học sinh không muốn và không đến trường.