Vì sao nhiều giáo viên chưa được vào biên chế?

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/12/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hiện nay, toàn ngành giáo dục Yên Bái có trên 13.280 lao động, trong đó 11.752 người trong biên chế, 1.528 người hợp đồng (chủ yếu nằm ở khối các phòng giáo dục - đào tạo quản lý).

Cô giáo Nông Thị Luyên ở Trường mầm non xã Ngọc Chấn (Yên Bình) 25 năm dạy học chưa được vào biên chế.
Cô giáo Nông Thị Luyên ở Trường mầm non xã Ngọc Chấn (Yên Bình) 25 năm dạy học chưa được vào biên chế.

Trong đó, nhiều giáo viên trình độ đạt chuẩn đã công tác từ 10 năm trở lên nhưng vẫn chưa được vào biên chế, thậm chí có những trường hợp đã công tác trên 20, thậm chí trên 30 năm khiến cho nhiều giáo viên đã kiệt sức vì chờ đợi gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm, đời sống, hạnh phúc gia đình của họ.  Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã có chuyến khảo sát thực tế tới một số địa phương trong tỉnh gặp và trao đổi với những người trong cuộc.

 

Giáo viên mỏi mắt chờ biên chế

 

Sáng sớm mùa đông, lạnh như cắt thịt, theo tuyến đường Đông hồ, chúng tôi vượt qua chặng gần 100 km đến thôn Thái Y, xã Ngọc Chấn (Yên Bình) tìm gặp cô giáo Nông Thị Luyên- một giáo viên đã có thâm niên dạy học ở xã vùng 3. Đêm. Qua ánh lửa bập bùng bên bếp nhà sàn, nỗi khắc khổ hiển hiện rõ trên khuôn mặt người phụ nữ đã phải chờ đợi, bám trụ ở vùng cao xa xôi này gieo cái chữ cho con em đồng bào các dân tộc... Số phận của chị thật éo le! Đã gần 25 năm “đi làm dâu” cho ngành giáo dục Yên Bình mà chị vẫn chưa được “đăng ký kết hôn”.

 

“Năm 1982, tôi học sơ cấp sư phạm mầm non tại Trường Sư phạm mẫu giáo tỉnh nay là Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái. Năm 1983, hoàn thành chương trình sơ cấp, đến ngày 25/8/1983 được Sở Giáo dục Hoàng Liên Sơn ra Quyết định số 33/QĐ- ĐTBD điều chuyển về Ban Giáo dục Yên Bình nay là Phòng Giáo dục- Đào tạo Yên Bình làm giáo viên mẫu giáo từ ngày 1/9/1983... được hưởng chế độ, chính sách đối với giáo viên mẫu giáo do địa phương đài thọ theo chế độ hiện hành. Thời gian đầu, HTX nông nghiệp Ngọc Chấn trả cho mỗi năm dạy học được khoảng hơn 100 kg thóc (tính theo công điểm). Những năm sau này được trả 80.000 đồng/tháng, rồi 120.000 đồng/tháng, 200.000 đồng/tháng, 400.000 đồng/tháng,đến năm học 2007 được Phòng Giáo dục huyện trả 710.000 đồng/tháng, trừ các khoản còn thực lĩnh được 680.000 đồng/tháng. Tôi đã nhiều lần làm hồ sơ xin tuyển vào biên chế, nhưng đều bị gạt bỏ vì lý do bằng cấp chưa chuẩn. Năm 2002, tôi xin đi học, xuống Phòng nộp hồ sơ, anh Tập làm ở bộ phận tổ chức khuyên một chị bạn đang dạy ở Cảm Nhân không nên đi học nữa vì tuổi đã cao, còn tôi thì được vì đóng bảo hiểm 15 năm vẫn được về hưu nên tôi mới quyết tâm đi. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non về, tôi đã làm hồ sơ dự xét tuyển vào biên chế, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thấy Phòng Giáo dục huyện nói năng gì, không có tin gì mà hỏi thì cũng chẳng dám hỏi, tôi nản quá, nếu sang năm không được vào khéo phải bỏ nghề vì hoàn cảnh gia đình khó khăn quá”- chị giãi bày.

 

Chồng chị làm công tác xã hội ở địa phương mỗi tháng được trả phụ cấp 100.000 đồng, cộng với tiền lương của chị chưa đầy 800.000 đồng mà phải lo cho 3 nhân khẩu. Chị có 3 người con. Năm 2006, cháu Hà Văn Thiết bị mắc căn bệnh thận nhiễm mỡ đã mất, cháu Hà Văn Hoàng hiện cũng đang mắc căn bệnh này. Năm nay đã học lớp 9, nhưng Hoàng nặng chưa đầy 26 kg. Mỗi tháng, chị Luyên phải chi gần 500.000 đồng mua thuốc chữa bệnh cho cháu Hoàng nên sinh hoạt gia đình cũng rất ngọ ngằn.

 

 Chia tay gia đình chị Luyên, chúng tôi đến Trường mầm non xã Việt Cường (Trấn Yên). Trường hiện có 19 giáo viên, trong đó có 12 giáo viên biên chế, 6 giáo viên hợp đồng và 1 giáo viên hợp đồng dân nuôi. Số giáo viên hợp đồng ở đây đều có từ 5- 12 năm công tác nhưng vẫn chưa được vào biên chế và không được đóng bảo hiểm, lý do không phải là chuyện bằng cấp mà do xét không được. Cô giáo Nguyễn Thị Hường buồn bã nói: “ Em sinh năm 1972, năm 1998 tốt nghiệp Trường Trung học sư phạm Nghĩa Lộ về xã vùng 3 Kiên Thành dạy tiểu học 4 năm thì chuyển ra Việt Cường dạy mầm non. Lần nào em cũng nộp hồ sơ xét tuyển biên chế nhưng không hiểu vì sao vẫn không được. Lương hợp đồng chỉ được 500.000 đồng, trừ các khoản còn hơn 400.000 đồng, không đủ sinh hoạt, nhất là khi sinh con hoặc nghỉ hè không được trả lương cuộc sống còn cực hơn nhiều”.

 

Cùng trường với cô Hường, hoàn cảnh của cô giáo Hoàng Thị Tuyết Nhung cũng thật éo le. Hôm chúng tôi đến, cô giáo Nhung nghỉ dạy cũng vì chuyện không được vào biên chế, lương thấp lại phải đi làm suốt ngày nên chồng không cho đi làm nữa, các cô khác ở trường phải dạy thay và xuống nhà phân tích mong chồng cô giáo Nhung thông cảm. Ở Trường mầm non Việt Cường không chỉ chuyện giáo viên xã vùng 3 chưa được vào biên chế mà còn cả chuyện giáo viên nơi này mới đang được hưởng tiền phụ cấp đứng lớp 70% của mức lương tối thiểu 290.000đ/tháng trong khi toàn quốc đang chuẩn bị đến 1.1.2008 sẽ tăng lên 540.000đ/tháng. Cùng cảnh như cô Luyên ở Trường mầm non Ngọc Chấn, còn rất nhiều thầy cô khác ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình vẫn đang mỏi mắt chờ biên chế!

 

Cần sớm có giải pháp cho giáo viên hợp đồng

 

Cô giáo Nguyễn Thị Hường ở Trường Mầm non Việt Cường (Trấn Yên) đã dạy học 10 năm chưa được biên chế.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây.Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Sản phẩm mà các thầy cô giáo làm ra sau 12 năm ‘’trồng người’’ là hết sức quan trọng, vì đây chính là nguồn nhân lực đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh và đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Vậy mà chúng ta đã lỡ “bỏ quên” các thầy cô để họ phải hợp đồng theo kiểu “mùa vụ” thì làm sao đòi hỏi sản phẩm mà giáo viên làm ra phải tốt được? Chưa nói đến chuyện sử dụng lao động một thời gian dài như vậy không đóng bảo hiểm cho người lao động là vi phạm pháp luật.

Vì sao hàng nghìn giáo viên ở Yên Bái vẫn chưa được vào biên chế? Có nhiều nguyên nhân. Vì theo quy định của Chính phủ, giáo viên ngành học mầm non dạy ở xã vùng thấp không được tuyển vào biên chế; còn đối với vùng cao giao chỉ tiêu ít tuyển không hết được nên vẫn phải hợp đồng... Nhưng cũng có những lý do “tế nhị”. Ví dụ, năm học 2006- 2007, huyện Yên Bình được giao chỉ tiêu tuyển 80 giáo viên vào biên chế; Phòng Giáo dục- đào tạo huyện đã hoàn chỉnh hồ sơ của 80 giáo viên, nhưng suốt cả năm học Hội đồng xét tuyển huyện vẫn không xét tuyển cho một giáo viên nào, không hiểu lý do vì sao?

Còn ở Trấn Yên lại xảy ra tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong việc tuyển giáo viên. Cụ thể là, tháng 7/2007, Phòng Giáo dục huyện và một số cá nhân có chân trong Hội đồng xét tuyển huyện đã cho 1 trường hợp ở Trường mầm non Minh Quán và một giáo viên dạy nhạc họa (thuộc nhóm 2) ở thị trấn Cổ Phúc vào biên chế, gây ra sự bất bình đối với đội ngũ giáo viên đang dạy học ở các xã vùng cao trong huyện... Tại sao cũng là “bầu trời chung” mà các địa phương khác lại làm tốt việc xét tuyển vào biên chế và hợp đồng cũng như thực hiện các chế độ, chính sách cho giáo viên trong khi hai huyện nói trên không làm được để cho giáo viên phải khổ? Đã đến lúc tỉnh cần xem xét để có cơ chế, chính sách chung cho đội ngũ giáo viên hợp đồng trên địa bàn theo một quy định chung để giáo viên hợp đồng không bị thiệt thòi về sau này vì trên thực tế nhiều giáo viên hợp đồng còn làm việc tốt hơn và nhiều hơn cả giáo viên trong biên chế. Được như vậy, sự nghiệp ‘’trồng người’’ của Yên Bái mới đạt được kết quả như mong muốn.

Minh Hằng

Các tin khác
Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Yên Ninh gặp gỡ, ôn lại truyền thống nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Vậy đã 49 năm trôi qua. Hào khí oanh liệt của cuộc chiến tranh thống nhất non sông về một mối mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với mốc son ngày 30/4 không bao giờ phai nhạt.

Ảnh minh họa.

Nhằm tôn vinh nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, ngày 19/4/2009, tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra Lễ công bố Quyết định 1668 của Thủ tướng Chính phủ, lấy ngày 19/4 hằng năm làm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Sản xuất bột đá CaCO3 tại Công ty cổ phần Stone Việt Nam tại huyện Lục Yên.

Cụ thể hóa chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình hành động, kịch bản bằng những việc làm, hành động cụ thể; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Những quán hàng rong với nhiều loại thức ăn, nước uống được bày bán tại khu vực cổng trường học có nguy cơ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo số liệu của Bộ Y tế, trong quý I năm 2024, cả nước xảy ra 16 vụ làm 659 người bị ngộ độc thực phẩm (tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có ba trường hợp tử vong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục