Cam Nghĩa Tâm: Bao giờ cho đến ngày xưa?
- Cập nhật: Thứ năm, 27/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những năm trước, nhắc đến Nghĩa Tâm, chúng ta thường biết đó là một vùng cam nổi tiếng của huyện Văn Chấn với nhiều loại cam ngon, mẫu mã đẹp được nhiều người ưa chuộng như: cam sành, cam sen, quýt lửa, cam chanh... Cam từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong xã. Tuy nhiên, cùng với thời gian, tiếng tăm của cam Nghĩa Tâm đang bị phai nhạt dần theo sự thoái hóa, già cỗi cả về năng suất, chất lượng các vườn cam.
Cam Văn Chấn. (Ảnh: Minh Đức)
|
Vụ năm 2006, vườn cam của gia đình anh Ngô Văn Bạo ở thôn 10, xã Nghĩa Tâm thu được gần 10 tấn quả. Nhận thức năng suất cam có phần giảm sút, anh quyết định đầu tư 15 triệu đồng mua phân bón cộng với số phân chuồng đem bón cho trên 3.000m2 cam.
Mùa xuân đến, nhìn vườn cam được chăm bón xanh tốt, hoa trổ trắng ngần, thơm ngát, anh khấp khởi vui mừng, thầm hi vọng một vụ cam bội thu. Nhưng khi những vườn cam vào độ đậu trái cũng là lúc quả rụng thưa dần, cùng với sự cằn cỗi của cây, lá. Anh Bạo thấy vậy cũng tìm hiểu và chọn nhiều loại thuốc trừ sâu, thuốc phòng bệnh về phun, nhưng chẳng những không hiệu quả mà vườn cam càng lúc càng thưa quả. Đến mùa thu hoạch này, nhiều gốc cam chỉ còn lơ thơ vài quả. Tệ hơn nữa, những quả còn lại cũng khô xác, giảm phẩm cấp rất nhiều.
Cùng chung cảnh ngộ với anh Bạo, nhiều vườn cam của người dân Nghĩa Tâm cũng không còn giữ được chất lượng như xưa. Nhìn những vườn cam vàng vọt, xơ xác, trơ những cành khô rác, nhiều người ngao ngán chỉ còn nước chặt bỏ nhưng chưa biết trồng cây gì để thay thế.
Ông Nguyễn Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đối với Nghĩa Tâm, cam và chè là 2 cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhân dân địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây nguồn thu từ cam giảm sút đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế của bà con. Chính quyền xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tìm hiểu nguyên nhân và tìm biện pháp khắc phục.
Thực tế cho thấy, những vườn cam ở Nghĩa Tâm đã được trồng từ nhiều năm trước, đến nay toàn xã có trên 67 ha cam các loại. Tuy nhiên, các diện tích này đều trồng tự phát, nhân giống bằng phương pháp chiết ghép nên đã già cỗi và bị bệnh khá nhiều. Khi những vườn cam bị bệnh, người dân lại thu hoạch cam xanh đem bán nên chất lượng giảm lại càng giảm hơn. Trong những năm qua, cùng với chương trình cải tạo các vườn cam của huyện, xã đã đưa 2 giống cam Valencia và cam Đường canh vào trồng thử nghiệm, nhưng những giống này chưa thực sự phù hợp với đất đai, khí hậu và điều kiện chăm sóc của địa phương.
Thực trạng những vườn cam ở Nghĩa Tâm là vậy. Tuy nhiên, không phải là không có lối thoát. Nhìn ra địa phương lân cận là thị trấn Nông trường Trần Phú, ở cái thời những vườn cam ở Nghĩa Tâm đang sung sức thì nơi đây mới chỉ là những vườn cam thưa thớt, chưa có tên trên thị trường. Giờ đây, Trần Phú đã trở thành điển hình trong phong trào cải tạo, trồng mới các diện tích cam và là vùng cam nổi tiếng, với nhiều sản phẩm chất lượng cao như cam Valencia, cam Đường canh...
Có được kết quả đó là nhờ sự đầu tư đúng hướng, sự tích cực của nhân dân và việc áp dụng đúng KHKT trong chăm sóc, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh. Trong khi nhân dân Nghĩa Tâm đang trăn trở tìm những giải pháp khôi phục vườn cam, thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện cần phối hợp khảo sát đất đai, khí hậu của địa phương để tìm những giống cam chất lượng cao, phù hợp và sạch bệnh cho nhân dân trồng thay thế các diện tích cam đã già cỗi, sâu bệnh.
Hy vọng, trong thời gian không xa, vùng cam Nghĩa Tâm sẽ sớm khôi phục, trở thành vùng cam phát triển tương xứng với tiềm năng của địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu cam Nghĩa Tâm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Hình như đó là một quy luật, nên từ nhiều năm trở lại đây, cứ vào cuối năm là tình trạng chặt phá, khai thác, buôn bán gỗ rừng tự nhiên, cháy rừng lại nhiều hơn các thời điểm khác trong năm. Do vậy, vào thời điểm này các ngành chức năng ở các huyện, thị lại phải xây dựng nhiều phương án phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng, chống khai thác, buôn bán lâm sản một cách tích cực hơn.
YBĐT - Người ta thường nói: “Bẩn như chợ”. Những người hàng ngày ngồi bán hàng trong chợ cũng phải thừa nhận như vậy. Chợ bẩn là bởi nơi đây người ta mang đến đủ thứ hàng hoá để trao đổi. Trong đó, có nhiều thứ hàng hoá chưa xử lý hết chất uế tạp hoặc tự sinh ra chất uế tạp.
YBĐT - Do nguồn điện chính của Yên Bái mua từ Trung Quốc theo tuyến Hà Giang, Lào Cai mà nguồn điện này bị khống chế sản lượng nên Tổng công ty Điện lực I đã phân bổ công suất cao điểm cho Điện lực Yên Bái không quá 36 MW.
YBĐT - Nhằm từng bước xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn, từ năm 1999 huyện Lục Yên xây dựng Dự án phát triển chè ở 7 xã dọc quốc lộ 70 với diện tích 300 ha. Đây là những xã có nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống, ruộng nước có ít song lại có thế mạnh là nhiều đất đồi gò, do vậy huyện lấy cây chè là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo.